TS Nguyễn Sĩ Dũng/ Báo Tuổi Trẻ
—–
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với các địa phương ngày 9.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; triển khai tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc. Các địa phương có thể áp dụng linh hoạt, sáng tạo, song không trái với hướng dẫn chung.
Thủ tướng yêu cầu như vậy vì trên thực tế có quá nhiều quy định khác nhau giữa các địa phương liên quan đến kiểm soát dịch bệnh. Thậm chí, có những quy định xung đột giữa các địa phương và các cơ quan Trung ương.
Điển hình như, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người đã tiêm hai mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh từ vùng dịch đến các địa phương chỉ tự theo dõi sức khỏe, nhưng Hà Nội lại bắt buộc phải cách ly tập trung 7 ngày.
Rõ ràng, với quy định như Hà Nội, thì mấy ai đi được ra Hà Nội? Bởi vì đi là để làm ăn, giao dịch, nhưng phải cách ly tập trung 7 ngày thì không còn thời gian để làm việc.
Mở tuyến bay mà không có hành khách thì chẳng mở để làm gì.
Phục hồi du lịch mà cấm cửa bằng những quy định vô lối thì không ai đi du lịch.
Các quy định máy móc cứng nhắc gây cản trở việc đi lại của toàn xã hội, và bản chất của nó chính là gây “ách tắc” đối với hoạt động buôn bán kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Chúng ta phải tự tin để mở cửa nền kinh tế, dựa trên cơ sở khoa học, không phải là cảm tính.
Cụ thể như[TP1] , từ một quốc gia kém nhất trong bảng xếp hạng tháng 7-8.2021, Việt Nam nhận điểm 10 tối đa trong hạng “tiêm vaccine mới”, nằm trong số 10% quốc gia tiêm nhiều vaccine nhất mỗi ngày (tính bình quân đầu người).
Với những người đã tiêm vaccine, hãy cho phép tự do đi lại và chấp hành các quy định 5 K, thế là đủ để an toàn.
Mở cửa nền kinh tế phải bắt đầu khai mở cách nhìn mới về phòng chống dịch.
Trần Quí Thanh
—–
Muốn mở cửa nền kinh tế, chắc chắn chúng ta cần phải mở cửa tư duy của mình. ‘Sống chung an toàn’ thì phải tạo điều kiện để tất cả mọi hoạt động kinh tế – xã hội đều có thể được diễn ra trên cơ sở của sự bình thường mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rõ phải chuyển đổi từ mô hình “zero Covid-19” sang “thích ứng linh hoạt” để “sống chung an toàn” với COVID-19. Mà “sống chung an toàn” thì phải tạo điều kiện để tất cả mọi hoạt động kinh tế – xã hội đều có thể được diễn ra trên cơ sở của sự bình thường mới.
Rất tiếc, nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương đã không theo kịp chỉ đạo của Thủ tướng.
Chính vì thế, chương trình mở cửa lại nền kinh tế đang gặp phải muôn vàn khó khăn, ách tắc. Với những ách tắc trong lưu thông hàng hóa, đứt gãy trong các chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị và lao động kéo dài như hiện nay, ngay cả khi dịch đã giảm, là lời cảnh báo để chúng ta phải nhanh chóng điều chỉnh.
Chuyện đi lại giữa 5 tỉnh thành Đông Nam Bộ vẫn chưa thống nhất được. Trong lúc đó các tỉnh miền Tây vẫn tổ chức cách ly tràn lan, cho dù Bộ Y tế đã ra văn bản yêu cầu không cách ly tập trung người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Việc mở cửa đường bay nội địa cũng đã từng ách tắc vì địa phương này đồng ý, còn địa phương khác lại không.
Rõ ràng chúng ta đang không nhận thức được rằng cứu vãn nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành những vấn đề cấp bách hơn phòng chống dịch rất nhiều lần. Điều này đặc biệt đúng với những địa phương đã có tỉ lệ tiêm chủng cao và rất cao như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Các nước phương Tây coi tỉ lệ tiêm chủng cho người dân đạt 70% là điều kiện quan trọng để trở lại với cuộc sống bình thường mới không phải vì dịch bệnh không còn lây lan nữa, mà là vì dịch bệnh không còn nguy hiểm nữa.
Với tỉ lệ tiêm chủng đó, hệ thống y tế của họ không còn bị quá tải. Họ có thể chữa trị COVID-19 như bất kỳ một loại bệnh nào khác mà con người thường mắc phải.
Khi biến thể Delta xuất hiện, vì tốc độ lây lan của dịch bệnh nhanh hơn, nên nhiều nước đã quyết định nâng tỉ lệ tiêm chủng lên 80-90%. Chủ yếu vẫn là để hệ thống y tế của họ không bị quá tải, chứ không phải để đạt được trạng thái zero COVID-19.
Số liệu của Singapore và một số nước khác cho thấy có đến 98% những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin bị nhiễm COVID-19 thì đều có thể tự nhiễm, tự khỏi. Tỉ lệ tử vong của 2% những người phát bệnh có cao đến 5% đi chăng nữa thì số người tử vong vì COVID-19 vẫn có thể được coi là thấp nhất so với bất kỳ loại bệnh tật nào khác.
Để dễ cảm nhận, ở Việt Nam chúng ta, chỉ riêng trong năm 2020 có đến 122.000 người tử vong vì ung thư, nhiều gấp 6-7 lần những người đã tử vong vì COVID-19.
Vậy thì sự hợp lý của những địa phương có tỉ lệ tiêm chủng cao và rất cao vẫn không chịu mở cửa sân bay, không chịu giảm bớt thủ tục để nền kinh tế có thể được vận hành trở lại nên được hiểu thế nào?
Hiểu thế nào thì cũng khó có thể chối cãi là chúng ta đang xác lập các ưu tiên có thể sai lầm. Chính vì vậy, muốn mở cửa nền kinh tế, chắc chắn chúng ta cần phải mở cửa tư duy của mình.
Sống chung an toàn với COVID-19 nghĩa là khống chế tỉ lệ phát bệnh (không phải tỉ lệ lây nhiễm) không vượt quá năng lực của ngành y tế. Các biện pháp phòng chống dịch được đề ra và được điều chỉnh là để bảo đảm được sự cân đối này, không phải để tận diệt COVID-19.
Đời sống kinh tế – xã hội cũng được điều chỉnh để đạt được sự cân đối nói trên, không phải là bị khóa cứng.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Muốn mở…
https://tuoitre.vn/muon-mo-cua-kinh-te-phai-mo-cua-tu-duy-20211009075717797.htm