Thế nào là thất bại khôn ngoan?

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Thưa bác, 

Cháu là CEO nhỏ xíu đã từng nghe bác nói chuyện ở CLB 1000CEO, cháu nhớ bác nói thất bại khôn ngoan nhất là thất bại thật nhanh.  

Thưa bác, vậy có bao nhiêu cách thất bại khôn ngoan?  Bác có thể bật mí được không ạ?

Chúc bác mạnh giỏi

Lê Minh Thái (Sài Gòn): thai_leminh_1983@gmail.com

—–

Lê Minh Thái mến!

Lý thuyết về thất bại khôn ngoan đã được các lý thuyết gia phân tích nhiều, còn bác chỉ đúc kết từ thực tế mà bác trải nghiệm trong kinh doanh và chiêm nghiệm từ cuộc sống. Cho nên, bác định nghĩa thất bại khôn khoan chính là thất bại nhanh. Thất bại nhanh là nhận thất bại và tìm cách ngăn chặn ngay, cắt đứt ngay thất bại, đừng để nó kéo dài, nó âm ỉ, nó tiêu huỷ mọi nguồn sinh lực của bản thân.

Có nhiều nguyên nhân để đi đến thất bại, vậy thì sẽ có nhiều cách để thoát ra, bác không thể nói bao nhiêu cách thất bại khôn ngoan, mà bác chía sẻ với cháu về sự đối mặt với thất bại để rồi thành công. 

Y khoa cổ truyền cũng như hiện đại đều khẳng định, phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm thì cơ hội chữa lành gần như 100 đối với bệnh thông thường, ngay cả bệnh nan y, nếu chữa trị sớm, thì khả năng sống sót cũng rất cao. Hãy so sánh sự thất bại của cháu như một thứ bệnh tật, phát hiện nhanh, chẩn bệnh nhanh, điều trị nhanh thì chữa lành là đương nhiên. Còn giấu thất bại như người bệnh giấu bệnh, không dám đi bác sĩ, tự đánh lừa về sức khoẻ của mình, thì bệnh tật kéo dài, trầm trọng hơn, giải quyết hậu quả sẽ khó khăn hơn.

Chơi chơi vậy nhưng muốn thất bại nhanh không dễ, bởi vì thông thường con người ta ưa giấu dốt, sợ người khác thấy sự yếu kém của mình. Cho nên khi gặp thất bại, không dám đối diện với nó, né tránh nó, tìm cách bao biện cho nó để tự lừa dối rằng mình không phải là người thất bại.

Đối với người có bản lĩnh thì ngược lại. Khi gặp thất bại, họ không đổ cho bất kỳ ai, là CEO thì càng không đổ cho cấp dưới, mà nhận trách nhiệm về mình. Samurai Nhật Bản có lối hành xử với thất bại rất tiêu cực, nhưng phần nào đó làm nên tính cách quyết liệt, lì lợm của người Nhật ngày hôm nay. Đó là khi thất bại, theo tinh thần Samurai, một thủ lĩnh, một vị tướng hay một chiến binh đều rút kiếm mổ bụng tự sát, gọi là harakiri. Hiện nay, tuy người Nhật không harakiri khi thất bại, nhưng tinh thần Samurai vẫn y nguyên. Không đổ lỗi cho người khác, nhận trách nhiệm và tìm cách xử lý, khắc phục.

Trở lại chuyện của bác cháu mình, khi phát hiện ra thất bại, hãy nhanh chóng thông báo cho người cần thông báo để tìm ý kiến xử lý, như người bệnh đi tìm thầy thuốc giỏi, đúng chuyên môn để chẩn bệnh và trị liệu.

Đối mặt với thất bại, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp, không chần chừ, không chậm trễ. Kiên trì theo đuổi các giải pháp khôi phục thiệt hại cho đến khi thành công.

Chúc cháu luôn là người thành  công cho dù có lúc gặp thất bại.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *