Nghe, hiểu và chia sẻ mục đích, khát vọng cùng sếp

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Báo Dân Trí.

—–

Kính chào bác Dr Thanh!

Thưa bác,

Chúng cháu chỉ là những viên chức quèn mới đi làm 1, 2 năm nay thôi. Tuy vây, ai đi làm cũng muốn có được sự tín nhiệm từ Sếp. Ngoài việc cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn, xin bác “ bật mí” cho chúng cháu biết cần phải làm sao để nhanh chóng lấy được sự tín nhiệm của Sếp. Cần lắm ạ, hi hi.

Kính  bác,

Nguyễn Văn – Hoàng Cơ Mưu – Lê Thị Nhạn ( Tp Thanh Hoá)

Email: startupyeudoi17@gmail.com

—–

Nguyễn Văn – Hoàng Cơ Mưu – Lê Thị Nhạn mến!

Bác nhớ hình như đã có trao đổi đề tài này với một nhóm bạn trẻ như các cháu, và đây đúng là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người.

Trước hết, phải hiểu đúng khái niệm “tín nhiệm”, ở đây nó có ý nghĩa tích cực, đó là niềm tin vào năng lực làm việc và tác phong đạo đức, khác với sự “được lòng”. Một bên là làm việc tốt để được đánh giá về phẩm chất, một bên tìm cách nịnh nọt để lấy lòng. Cho nên, cố gắng để có được sự tín nhiệm không chỉ mang lại sự tốt đẹp cho chính cháu, mà còn tạo ra sự tích cực cho doanh nghiệp.

Đã là người làm sếp, bất cứ ai cũng mong muốn có nhân viên giỏi, một người giỏi mang lại hiệu quả bằng ba người bình thường, có khi tạo ra giá trị to lớn hơn. Vậy thì trước hết cháu phải cố gắng trở thành người giỏi, là nhân tố xuất sắc càng tốt.

Sau đó mới nói đến ứng xử trong mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp. Đã nói là làm, không bao giờ thất hứa, sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ, trao đổi với đồng nghiệp. Các cháu quý mến mọi người thì sẽ được mọi người quý mến. Ở đây không phải là cố gắng làm đẹp lòng ai, mà xuất phát từ lòng chân thành, thì sẽ thuyết phục sếp và đồng nghiệp.

Các cháu là trung tâm của sự đoàn kết thì sếp tín nhiệm, còn các cháu là mầm họa của rắc rối, không lo làm mà nói xấu người khác, ganh ghét đố kỵ, thọc gậy bánh xe, thì không những bị ghét bỏ, mà sẽ bị sa thải.

Một ngày có 8 giờ vàng ngọc, cháu đi làm trễ mà còn tranh thủ bà tám với người khác thì sếp nào tín nhiệm cháu.

Làm được việc nhưng khiêm tốn, không huênh hoang, không kể công, càng không tranh công ai. 

Biết lắng nghe người khác là nghệ thuật sống nhưng cũng thể hiện phẩm chất của con người. Nghe, hiểu và chia sẻ mục đích, khát vọng của sếp, chiến lược phát triển của công ty và đặt ra các chương trình hành động, đóng góp sức lực để công ty đạt được thành công.

Nói vậy được chưa, có gì các cháu cứ gửi meo cho bác nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *