Nghị định 20 là một loại điều kiện kinh doanh phi lý

Trần Quí Thanh

Quy định khống chế lãi vay được trừ thuế của Nghị định 20 đang gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp trong nước. (Hình và lời bình báo VnEconomy)

—–

Chào anh Trần Quí Thanh!

Tôi là một CEO của DNNN nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn quan tâm nhiều đến kinh tế nước nhà, nhất là các doanh nghiệp “từ đất đai mà đi lên” như Tân Hiệp Phát. Vì thế tôi đọc blog của anh đều đều. Cảm phục anh lắm lắm.

Nay tôi gửi anh tâm sự này (Nói thắc mắc cũng được): Đó là nghị định 20 của CP khống chế chi phí lãi vay. Tôi nghĩ đây là nghị định làm khó cho các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp startup. Các bạn trẻ khởi nghiệp biết xoay xở ra sao trước nghị định này?

Rất mong anh cho ý kiến.

Chúc anh vui. (Tôi gửi lời thăm chị Nụ. Chị ấy biết tôi đó)

Ông Đức Khả (Đà Nẵng): kha_da_nang1952@gmail.com

—–

Anh Đức Khả mến!

Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp được ban hành nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, trong đó quy định khống chế chi phí lãi vay.

Cụ thể, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Trước hết, Nghị định 20 xung đột với quy định của một văn bản pháp luật cao hơn nó, đó là Luật Doanh nghiệp. Luật này quy định quyền “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Như vậy, việc vay vốn bao nhiêu, chi phí lãi vay như thế nào là quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật. Doanh nghiệp vay với chi phí lãi vay cao hay thấp là quyền và sự lựa chọn của doanh nghiệp, dựa trên tính toán lợi ích của doanh nghiệp, không ai có quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh đó.

Luật Doanh nghiệp quy định tự do kinh doanh thì Nghị định 20 lại quy định khống chế chi phí lãi vay, đây chính là sự xung đột trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 20 tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, vậy thì mâu thuẫn hoàn toàn với quy định về tự do kinh doanh.

Theo phân tích của các chuyên gia pháp luật và chuyên gia kinh tế, bản chất của  Nghị định 20 là chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tui nghĩ, nếu vì mục đích chống chuyển giá thì không thể áp dụng một chính sách rào cản đối với toàn bộ doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Nhà nước muốn chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có chính sách khác, đúng đối tượng, có hiệu quả, không thể vì mục đích chống chuyển giá mà gây thiệt hại cho toàn bộ các doanh nghiệp, và đó chính là gây thiệt hại cho cả nền kinh tế.

Tui nói thẳng luôn nghe, Nghị định 20 là một loại điều kiện kinh doanh phi lý. Nó không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp startup như anh nói, mà gây khó khăn, cản trở cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có quan hệ liên kết, trong đó có những doanh nghiệp bất động sản.

Cho nên, trong tinh thần cải cách của Chính phủ kiến tạo, phải sửa đổi gấp Nghị định này, càng sớm càng tốt.

Tui tin là Chính phủ sẽ sửa đổi, vì không thể để tồn tại một chính sách bất hợp lý như vậy.

Cám ơn anh đã có lời hỏi thăm sếp Nụ của tui.

Chào anh, chúc anh khỏe nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *