“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế – Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa

Theo Nguyễn Giang – Diễn đàn doanh nghiệp/ CafeF

“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa
Lực lượng chức năng kiểm tra một lô hàng là xe đạp xuất khẩu

Tình trạng gian lận thuế thông qua kê khai hải quan có diễn biến phức tạp. Trong đó, việc “hô biến” xuất xứ hàng hóa nhằm trục lợi đang là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng…

Theo số liệu báo cáo từ Tổng cục Hải quan, bắt đầu từ năm 2019, các vi phạm lợi dụng hoạt động thông qua kê khai hải quan, việc gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp ngày càng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn khó lường.

Điển hình như năm 2019, chỉ trong 1 tuần giữa tháng 12, hơn 140 container gỗ xuất khẩu gian lận thuế với số tiền lớn đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 – Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, ngăn chặn.

Vụ đầu tiên là Công ty TNHH thương mại Sài Gòn Á Châu (Bình Phước), mở 14 tờ khai và làm thủ tục xuất khẩu 25 container gỗ tại Chi cục Hải quan Chơn Thành – Cục Hải quan Bình Phước, hàng xuất qua cảng Cát Lái đi Trung Quốc. Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu là “ván lạng sản xuất từ gỗ cao su”, có mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%. Tuy nhiên, do nghi vấn, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã cho dừng thông quan, đưa hàng qua khu vực giám sát. Kết quả kiểm tra thực tế với sự chứng kiến của đại diện cơ quan chức năng cho thấy, toàn bộ 25 container hàng là gỗ xẻ, thuế suất thuế xuất khẩu 25%. Số tiền doanh nghiệp trốn thuế là gần 3 tỉ đồng.

Ngay sau đó, cũng tại cảng Cát Lái, lực lượng hải quan và các cơ quan chức năng phối hợp mở 111 container “viên nén mùn cưa” thuế suất xuất khẩu 0% xuất sang Trung Quốc của Công ty TNHH chế biến gỗ Chí Lâm (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, Bình Dương). Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trực tiếp nhiều ngày cho thấy, 111 container hàng này là gỗ xẻ như lô hàng trên, thuế suất xuất khẩu 25%. Theo một cán bộ hải quan tại cảng, mẫu lô hàng đang được giám định, thực trốn thuế của doanh nghiệp có thể hàng chục tỉ đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, qua kết quả đấu tranh, cơ quan này đã phát hiện một số phương thức, cách thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ như: doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu, hoặc doanh nghiệp có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Có tình trạng hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam, nhưng các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khai nhập khẩu các loại linh kiện/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nhưng thực chất là sản phẩm gần như hoàn chỉnh, không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Trắng trợn hơn, có doanh nghiệp không có chức năng cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O để cấp cho doanh nghiệp khác xuất khẩu..

Điển hình như thời điểm cuối năm 2021, qua kiểm tra sau thông quan đối với một số thành phẩm kệ các loại xuất khẩu của Công ty TNHH MTV PANGLORY (Tây Ninh), Cục Hải quan Tây Ninh đã phát hiện doanh nghiệp sử dụng tự chứng nhận xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và in trên nhãn hàng hóa, bao bì các thành phẩm dòng chữ “MADE IN VIETNAM” không đúng theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 05/2016/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa.

Doanh nghiệp này đã bị xử phạt 140 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền trên 2,9 tỷ đồng thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm; đồng thời cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa.

Một vụ việc khác cũng khá điển hình là vụ phát hiện, bắt giữ lô hàng giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton của Công ty TNHH SH Logististic (Lạng Sơn) quá cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài. Với hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và khai sai so với thực tế về số lượng, công ty này đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 93 triệu đồng.

Tại thị trường nội địa, các đơn vị quản lý thị trường cùng lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm vụ việc vi phạm chủ yếu là các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đa phần các mặt hàng này được chào bán qua hình thức livestream, zalo, facebook…. Chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa.

Theo các chuyên gia, từ khi Việt Nam tham gia ký kết và đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); khi thực hiện các Hiệp định FTA này, phần lớn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các đối tác FTA. Trong khi đó, nhiều nước, đối tác trên thế giới đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ… với mức rất cao, gây nhiều hệ lụy và làm giảm khả năng xuất khẩu của nước bị áp thuế, dẫn tới việc một số đối tượng doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, lợi thế thương mại hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách bất hợp pháp.

“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa - Ảnh 1.
Một doanh nghiệp sản xuất gỗ dán cứng từ Việt Nam

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, việc thấy lợi trước mắt của những doanh nghiệp “trung gian” trong xuất khẩu có thể gây ra tình trạng “quýt làm cam chịu”. Hàng hóa có xuất xứ thật từ Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực khi muốn xuất khẩu vì sau đó bị đánh thuế cao. Trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trong thời gian qua, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỉ lệ 30% trong tổng số các vụ kiện.

Luật sư Hiệp cho biết, ngành da giày cũng từng bị áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu sang thị trường EU hồi năm 2005. Dù mức thuế suất chỉ 10%, nhưng mãi đến năm 2011 khi được dỡ bỏ thuế các doanh nghiệp gần như phải gây dựng lại từ đầu cho việc tiếp cận các đơn hàng mới.

“Hành vi gian lận xuất xứ để tránh thuế sẽ khiến nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Điều đó dẫn tới việc ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhận định, tình trạng doanh nghiệp thiếu hiểu biết hay cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu không những gây ra những trở ngại khó khăn đối với cơ quan chức năng trong việc xử lý, mà quan ngại hơn, sự sai lệch xuất xứ hàng hóa xuất khẩu còn là nguyên nhân của nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại làm giảm uy tín của doanh nghiệp, ngành hàng và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

“Doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ những quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM” – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt khuyến nghị.

Nguồn: https://cafef.vn/nghin-le-mot-chieu-tro-tron-thue-bai-3-ho-bien-xuat-xu-hang-hoa-20220811075031023.chn

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *