Người Cha và người Chú đáng kính!

Trần Thị Dung/ HR & Admin Manager – Hà Nam Plant

Chú Trần Quí Thanh đang chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình

—–

Có lẽ khi nhắc đến chú Dr. Thanh thì cả Việt Nam và thế giới đều biết đến chú là một doanh nhân tài ba, một thuyền trưởng vĩ đại, một ông chủ của Tập Đoàn Nước giải khát lớn nhất và thành công nhất Việt Nam. Hay một tờ báo Anh có viết “Công bằng mà nói doanh nhân Trần Quí Thanh là một Nhân Vật Nhiều Sắc Thái”. Do vậy, trong bài viết này con không muốn viết thêm về tài thao lược kinh doanh của chú nữa, mà điều con muốn viết ở đây chính là một góc nhìn khác về chú: Góc nhìn về tuổi thơ của chú và con luôn tự hỏi “làm sao chú có thể chịu đựng được và làm được điều to lớn vĩ đại như ngày hôm nay?” Góc nhìn về hình ảnh người cha và người chú luôn đau đáu làm thế nào để cho những đứa con đứa cháu của mình, chúng nó trưởng thành để sống có ích, tạo giá trị cho tổ chức, cho gia đình và đóng góp cho xã hội.

Chú biết không? Con cũng có một tuổi thơ vô cùng dữ dội, bố con bỏ mẹ con từ khi con mới được 6 tháng tuổi, mẹ con sống cô đơn một mình cả đời để chỉ nuôi nấng và dạy dỗ mình con cho đến tận bây giờ. Từ năm lớp 2 con đã phải cùng mẹ làm ruộng, cầy cuốc, mò cua bắt ốc, buôn bán quần áo, bán cả nước mắm và phân đạm và đạp máy khâu may quần áo gia công cho mẹ bán.

Nhưng tuổi thơ của con chưa là gì so với tuổi thơ của chú, con đã đọc đi đọc lại cuốn sách chuyện nhà Dr. Thanh không dưới ba lần, nhưng những trang sách mà lấy đi nhiều nước mắt của con nhất và con gần như lúc nào cũng nghĩ đến nó đó chính là những trang 57 đến trang 76 về tuổi thơ dữ dội của chú.

Nếu không có cuốn sách này thì trong mơ con cũng không bao giờ nghĩ rằng chú lại có một tuổi thơ như vậy, con không bao giờ có thể tưởng tượng được chú đã phải chịu những “trận mưa đòn roi, xát muối và bị bỏ đói rồi phải ngủ trong chuồng heo trong cái lạnh thấu xương với cái áo sát nách và chiếc quần tả lỏn”. (Trích Chuyện Nhà Dr. Thanh).

Con đã đưa cho hai con trai con đọc đi đọc lại đoạn viết này, bạn lớn 15 tuổi thì nói Liệu chuyện này có thật không mẹ, sao ông có thể chịu đựng được”? Cậu bé 8 tuổi thì hồn nhiên nói Ông là siêu nhân hả mẹ?”

Con đã trả lời chúng: “ Chuyện thật 100% đó con ạ, và với mẹ,  ông đúng là Siêu nhân.  Ông không những chịu được mà đã tạo ra tập đoàn Tân Hiệp Phát lớn mạnh như ngày nay đó con”.  Chúng ngơ ngác lặng người một lúc nhìn con với vẻ mặt dường như vừa kinh ngạc vừa vô cùng kính nể. 

Và một điều nữa mà con kính trọng và con đang cố gắng để có thể học được phần nào của chú đó chính là cách mà chú giáo dục con cái.

Con gần như học thuộc những câu nói đầy sức mạnh của chú như: “Sóng gió nào chả bất ngờ như nhau, bão tố nào mà chả gây thiệt hại, nhưng sau cơn bão lũ, cái còn đọng lại là phù sa để nuôi lớn cây non…”  Hay câu: “ Muốn không gặp bão tố sóng gió thì vô ao”.

Và đặc biệt thói quen dậy sớm: Đời người có một gang tay, ai hay ngủ ngày chỉ còn nửa gang” hay quan điểm về học tập đối với con cái không như ông bố bà mẹ của gia đình giàu có khác: Học giỏi là do mình không phải do trường”; “Học là để ra đi làm chứ không phải học để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người chính là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội chứ không phải anh có mấy cái bằng.(Trích Chuyện Nhà Dr. Thanh).

Chính cách giáo dục nghiêm khắc thậm chí là lạnh lùng, hà khắc đó mới tạo ra những người con tài năng xuất chúng và là niềm tự hào của Việt Nam như Ms. Uyên Phương và Ms. Ngọc Bích bây giờ. Con thật sự ngượng mộ và kính trọng chú nhiều lắm!

Thêm một điều mà con muốn viết trong bài này về chú đó chính là cái Quyết tâm xây dựng đội ngũ, phát triển và nâng tầm năng lực của những nhân viên còn nhiều thiếu sót như chúng con bằng việc xây dựng cái tinh thần học tập không mệt mỏi không có tuổi của Chú. Trước đó, khi chưa vào làm việc tại công ty mình, con mới chỉ được biết về chú và Tân Hiệp Phát qua một số bài báo. Con cũng biết đến câu khẩu hiệu Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”, tuy nhiên lúc đó con chỉ nghĩ nó là khẩu hiệu, chứ làm sao mà làm được và cũng không biết cách làm thế nào?

Nhưng từ khi may mắn được gia nhập đại gia đình Tân Hiệp Phát và tận mắt chứng kiến tinh thần học tập tại THP, đặc biệt là khi con nhìn thấy chú, mặc dù một người như chú có thể bận trăm công nghìn việc, thậm chí một giờ làm việc của chú có tạo ra rất nhiều tiền hoặc giống như một số những người thành đạt khác, ngày chủ nhật nghỉ họ sẽ đi đánh golf hoặc đi du lịch nghỉ ngơi thư giãn…

Nhưng chú thì khác, chú dành thời gian quý báu đó để tham gia đầy đủ tất cả các buổi học Crestcom, tham gia hầu hết các diễn đàn hội họp hoặc các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo cho nhân viên. Con hiểu rằng chú tham gia không phải để học thêm những kiến thức đó, mà sự xuất hiện của chú để tạo động lực và quyết tâm học tập cho chúng con. chú tham dự để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những bài học giá trị để chúng con có thể phần nào ngấm và áp dụng.

Mong muốn cuối cùng của chú chính là chúng con có thể thay đổi và phát triển năng lực của bản thân mình, mà phát triển không phải chỉ để đóng góp cho Tân Hiệp Phát mà có thể đóng góp cho toàn xã hội.

Đó chính là quan điểm đầy nhân văn của chú và con có một niềm tin chắc chắn rằng một ngày không xa khi nhắc đến Việt Nam mọi người sẽ nghĩ tới Tân Hiệp Phát.

Một lần nữa con biết ơn vì được là một thành viên của một tổ chức vĩ đại do chú tạo ra – một Tân Hiệp Phát như ngày nay!

Trần Thị Dung

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *