Người của công chúng đôi khi là nạn nhân của công chúng

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: TBKTSG

…………….

Mở các trang báo điện tử suốt hai tuần qua tui thấy tràn ngập hình ảnh và tin tức về đội tuyển U23 Việt Nam. Thông tin nhiều đến độ bão hoà, thậm chí nhàm chán.

Cảm xúc nóng bỏng ban đầu còn sự rung động, càng về sau tui thấy gượng ép, chính gương mặt các cầu thủ nói lên điều đó. Cái gì thừa mứa cũng ngán, kể cả lời tán tụng.

Thế nhưng, các địa phương, nhiều đơn vị khác vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc giao lưu với đội tuyển U23 Việt Nam, các cầu thủ cũng hết hào hứng, nụ cười không còn tươi như trước. Tối 4.2, tui xem truyền hình trước tiếp chương trình “Bình tĩnh sống”, cuối chương trình, có mời các cầu thủ U23 đến như là đại sứ truyền cảm hứng sống. Tui thấy các cháu hình như quá mệt mỏi, Quang Hải nói qua loa vài câu rồi xuống, không cháu nào cười nổi.

Tui nghĩ, không phải các cháu muốn “chạy sô” kiểu như vậy, cũng muốn dành thời gian cho chuyện riêng tư, với gia đình, bạn bè, người thân, người yêu. Nhưng các chương trình đón tiếp giao lưu đó đã cuốn cầu thủ chạy theo, không còn thời gian cho sự riêng tư của mình, âu cũng là bi kịch của người nổi tiếng, cho dù mới nổi và rất chông chênh.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, các kênh thông tin khai thác đời tư của cầu thủ quá mức, có biểu hiện xâm phạm bí mật cá nhân của họ. Lẽ dĩ nhiên người nổi tiếng luôn chịu sức ép từ truyền thông, nhưng không thể vì nhu cầu cung cấp thông tin cho công chúng và thị hiếu tò mò mà vượt quá quy định của pháp luật về tôn trọng quyền riêng tư, nhân phẩm của con người. Ví dụ như viết về mẹ cầu thủ thiếu nợ phải chờ tiền thưởng của con để trả, chưa kể những trang đồn đãi những chuyện riêng “trên trời” của cầu thủ khiến họ và gia đình bị ảnh hưởng.

Không chỉ cầu thủ, có nhiều người trong giới showbiz từng là nạn nhân của tin đồn thất thiệt, nhưng cũng chẳng biết kêu ai, cầu cứu ai. Người của công chúng đôi khi là nạn nhân của công chúng.

Rồi doanh nhân có số má  được dư luận chú ý cũng không thoát nạn, có những thông tin bịa đặt về đời tư rất nguy hiểm, có khi làm tan nát cả gia đình họ, không ai có đủ thời gian và điều kiện để đi thanh minh cả thiên hạ, nên đành ngậm đắng nuốt cay. Báo chí còn có luật để điều chỉnh, phải đính chính, cải chính nếu đưa tin sai, còn mạng xã hội thì chịu chết. Chưa kể, cho dù được đính chính thì hậu quả cũng đã xảy ra, thiệt hại không thể đo đếm được.

Việc bịa đặt thông tin hay đưa tin bí mật cá nhân đôi khi không đơn giản chỉ là cung cấp thông tin để câu view, quảng cáo, mà có khi trong đó ẩn chứa những mưu kế cạnh tranh, triệt hạ hạ uy tín đối thủ. Đối thủ trong giới showbiz, trong kinh doanh không phải bao giờ cũng cạnh tranh lành mạnh.

Việt Nam có nhiều quy định của pháp luật để điều chỉnh các hành vi xâm phạm đời tư, từ luật dân sự đến hình sự, nhưng theo hiểu biết của tui, nạn nhân bị xâm phạm quyền riêng tư vẫn sờ sờ trước mắt nhưng không được bảo vệ.

Sài Gòn 5/2/2018

TQT

Bài đọc thêm, link: Sự nổi tiếng và quyền riêng tư – Đâu là lằn ranh

(http://www.thesaigontimes.vn/268601/su-noi-tieng-va-quyen-rieng-tu—dau-la-lan-ranh.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *