Người đàm phán phải biết lắng nghe và bắt được cảm xúc của đối tác

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Dr Thanh

Thưa bác,

Trước hết cháu xin chúc mừng blog của bác đã đạt 1 triệu views. Chời, khủng khiếp à nha bác. Ngày xưa blog triệu views không hiếm, nhưng bây giờ mạng xã hội chiếm hết không gian mạng nên blog đạt triệu views là cực siêu bác ạ. Lần nữa chúc mừng bác!

Sau đây cháu muốn bác giảng cho cách thức thuyết phục người khác khi đàm phán. Nói phải củ cải cũng nghe nhưng lắm củ cải lì quá bác ơi, hi hi. Mong bác giúp đỡ ạ

Kính chúc bác vạn an

Nguyễn  Ngô Hồng Thắm (Sài Gòn): ngnghtham1989@gmail.com

—–

Nguyễn Ngô Hồng Thắm mến!

Trước hết bác cám ơn cháu  về lời chúc mừng blog của bác đạt triệu views,và có được con số này cũng nhờ sự tương tác của các bạn trẻ, trong đó có cháu.

Trong cuộc sống thường ngày, gần như chúng ta thường gặp những trường hợp phải trao đổi, thuyết phục ai đó. Còn khi đại diện cho một đơn vị, một tổ chức, một doanh nghiệp thì sự trao đổi, thuyết phục cho công việc chung được gọi là đàm phán.

Người nhận trách nhiệm đàm phán đương nhiên phải đạt được mục đích mà tổ chức của mình đề ra. Và trong kinh doanh, khi đại diện cho doanh nghiệp, cho công ty, thì cá nhân người đó phải giữ danh dự, uy tín cho tổ chức của mình. Phải biết phân thân, lúc đó cần bỏ cái tôi cá nhân để thay vào đó cái tôi đại diện. Điều này rất quan trọng bởi vì có nhiều người thấy điều gì đó ở đối tác không hợp với mình là khó chịu, bức xúc, thậm chí tức giận thì hỏng việc.

Trong cư xử, giao tiếp phải lịch sự, ăn mặc chỉnh tề, nói năng chừng mực. Làm được việc này, ít nhất là tạo được ấn tượng tốt trong mắt của đối tác.

Kinh doanh đương nhiên ai cũng tìm lợi ích nhiều nhất có thể, nhưng khi đàm phán, phải bày tỏ thái độ chân thành, gần gũi và nêu cho được lợi ích cho khách hàng hay đối tác. Nếu chỉ chăm chăm vào lợi ích của mình thì cuộc đàm phán đó sẽ thất bại.

Người đàm phán cần một cái đức, đó là đức “kiên nhẫn”. Đừng bỏ cuộc khi thấy khó khăn, phải chấp nhận thuyết phục nhiều lần cho đến khi đạt được mục đích.

Người đàm phán phải biết lắng nghe, nếu chỉ nói mà quên lắng nghe thì sẽ không bắt được ý của đối tác. Lắng nghe sẽ giúp cho người đàm phán hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của người đối thoại, từ đó đưa ra các cách tiếp cận, thuyết phục hiệu quả.

Điều cuối cùng rất quan trọng trong đàm phán mà bác muốn chia sẻ với cháu là sự đồng cảm. Khi làm công viêc thuyết phục, trao đổi với bất cứ ai, cháu không chỉ lắng nghe mà thấu hiểu được những suy nghĩ của họ. Một khi đối tác thấy được sự hiểu biết và đồng cảm ở cháu, thì rất dễ đồng ý về những điều kiện mà cháu đưa ra.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *