Đào Loan/ Báo TBKTSG
—–
Tôm hùm ở Bình Định rớt giá tận đáy, người nuôi tôm hùm có ý định buông tay. Cá mú bị bỏ đói vì người nuôi không bán được, phải đến 4-5 ngày mới cho ăn một lần. Hàng nghìn tấn ngao bị ứ đọng, người nuôi còn gùi ngao đổ xuống biển.
Những dòng tin trên chỉ là một góc nhỏ của nền kinh tế u ám hiện nay, cho thấy chúng ta cần phải thay đổi nhiều trong cách chủ động phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Ở đây xin bàn về kinh tế du lịch.
Nếu quá sợ hãi, co cụm lại không dám đi đâu, thì hàng không “chết”, khách sạn nhà hàng “tử vong”. Khách sạn nhà hàng không có khách thì tôm hùm, cá mú, ốc hương bán cho ai? Vậy thì chúng ta phải tỉnh táo để chống dịch mà vẫn tiêu xài, nuôi nhau và nuôi nền kinh tế.
Người lao động trong ngành hàng không, dịch vụ du lịch bị mất việc hàng loạt. Các ngành hỗ trợ du lịch cũng chết theo, khách sạn, resort “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa”.
Tại sao chúng ta không đi du lịch an toàn?
Vừa qua, chỉ bùng dịch ở các tỉnh miền Trung, nhưng ngành du lịch cả nước tê liệt. Tại sao lại co cụm như vậy? Trong lúc, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long yên ổn, Các tỉnh Tây Nguyên từ Đà Lạt đến Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đều bình thường, có thể du lịch an toàn. Chưa kể nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Yên và nhiều tỉnh phái Bắc.
Nếu như truyền thông tỉnh táo, cảnh báo không đến vùng dịch bệnh nhưng khuyến khích du lịch nơi an toàn, kèm theo các biện pháp phòng dịch ở các điểm du lịch cũng như du khách, thì câu chuyện đã khác, không đến mức con tôm hùm phải thê thảm như hiện nay.
Phòng dịch nhưng quá cực đoan vẫn chưa phải là lựa chọn giải pháp thông minh. Thế giới cũng đang trả giá cho điều này nên cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại.
Trần Quí Thanh
—–
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vừa kêu gọi chính phủ các nước hợp tác để khởi động lại du lịch an toàn trước tác động quá nặng nề của đại dịch đến ngành du lịch. Ước tính, Covid-19 có thể khiến từ 100-120 triệu việc làm du lịch trực tiếp bị ảnh hưởng.
Thiệt hại gấp 3 lần so với khủng hoảng kinh tế
Trong thư ngỏ đăng tải trên trang web của UNWTO, ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký tổ chức này ước tính, du lịch thế giới đã thiệt hại đến 320 tỉ đô la Mỹ vì đại dịch. Con số này lớn gấp hơn 3 lần so với thiệt hại của du lịch trong giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới từ năm 2007- 2009 và tiếp tục sẽ còn lớn hơn nữa vì đây mới chỉ là thống kê cho đến tháng Năm vừa qua.
Các kịch bản về ảnh hưởng của đại dịch với ngành du lịch cho thấy, số lượng du khách quốc tế trong năm nay có thể giảm đến 78%, làm cho chi tiêu của du khách giảm từ 1.500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019 xuống còn từ 310 – 570 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Điều này khiến từ 100 – 120 triệu việc làm du lịch trực tiếp gặp rủi ro. Thách thức lớn đang ở phía trước bao gồm diễn biến khó lường của đại dịch và cách thức phục hồi niềm tin của người tiêu dùng.
Theo UNWTO, tổn thất của ngành du lịch ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Những số liệu trên cho thấy tầm quan trọng của việc cần phải khởi động lại du lịch ngay khi thấy đã an toàn.
Ông Zurab Pololikashvili cho biết, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, tổ chức này đã kêu gọi các chính phủ có nhiệm vụ đặt sức khỏe của công dân lên hàng đầu cũng như cần có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp và sinh kế của người lao động. Tuy nhiên, ở nhiều nơi đã quá tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong một thời gian quá dài, trong khi doanh nghiệp du lịch và hàng triệu lao động du lịch không được chú trọng.
Người đại diện đánh giá, việc mở lại biên giới cho du lịch hành động đáng hoan nghênh cho hàng triệu người phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ mà cần những thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng và nhất quán để xây dựng lại lòng tin đi du lịch.
Trong đó, thay đổi nhận thức là bước đầu tiên. Tiếp theo, các chính phủ phải làm mọi thứ có thể để người dân đi du lịch trở lại, tuân theo và thực hiện tất cả các giao thức an toàn vốn là một phần của thực tế mới ở thời điểm hiện tại.
Mở cửa và hỗ trợ du lịch như thế nào?
Theo số liệu từ UNWTO, việc khởi động lại du lịch có trách nhiệm đang được tiến hành trên khắp thế giới. Tính đến cuối tháng Bảy, đã có khoảng 87 điểm đến trên thế giới đã nới lỏng các hạn chế với du lịch quốc tế. Trong đó, có 4 điểm đến đã dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các hạn chế, 83 điểm đến đã nới lỏng nhưng vẫn giữ một số biện pháp như đóng cửa một phần biên giới.
Tổ chức này cho rằng, trong bối cảnh các điểm đến tiếp tục giảm bớt hạn chế về du lịch thì hợp tác quốc tế là điều quan trọng để tạo niềm tin cho du khách đi du lịch trở lại.
Quá trình chờ đợi vắc-xin phòng dịch có thể kéo dài trong nhiều tháng nữa. Vì thể, để thúc đẩy du lịch khởi động lại an toàn, các nước cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, phòng dịch nghiêm ngặt tại các cảng và sân bay quốc tế, đẩy nhanh việc sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe du lịch…
Ông Zurab Pololikashvili cho rằng, khởi động lại du lịch có trách nhiệm có thể được thực hiện theo cách ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và những người có công việc phụ thuộc vào ngành du lịch.
“Khởi động lại du lịch có trách nhiệm có thể được thực hiện theo cách ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và những người có công việc phụ thuộc vào ngành du lịch”, ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO nói. |
WNWTO dẫn ra nhiều chính sách được các điểm đến như Ai Cập, Hàn Quốc, Mauritius, Hy Lạp, Argentina, Ý, Campuchia… thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Điểm chung của các chính sách đó là tạm hoãn các khoản phí phải đóng cho doanh nghiệp, chi trả các khoản bảo hiểm mà người sử dụng lao động nợ, viện trợ trực tiếp cho các công ty buộc phải đóng cửa vì đại dịch, cho vay với lãi suất thấp.
Thêm vào đó là các chính sách đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, kéo dài thời gian trả nợ…
Ở Việt Nam, ngành du lịch trong nước vẫn đang trong giai đoạn trình trệ. Nhiều doanh nghiệp tuy rất kỳ vọng vào việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế để phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng cho rằng khó mà có tín hiệu tốt trong ngắn hạn. Có nhiều người cho rằng, sớm nhất phải đến giữa năm sau thì du lịch quốc tế mới có thể rục rịch đón khách trở lại.
Trong khi đó, hầu hết các thành viên trong Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO (UNWTO Panel of Tourism Experts) đều hy vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Người lao động…
https://www.thesaigontimes.vn/