Người lớn hãy soi gương để nhận lỗi!

Quỳnh Thư/ Báo TBKTSG
Giáo dục không thể trở thành quốc sách hàng đầu nếu tất cả những vấn nạn lâu nay của nó được quy hết cho bệnh thành tích và lỗi hệ thống. Ảnh minh họa Hải Nguyễn.

Các nước trên thế giới đều xem giáo dục là quốc sách. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí chúng ta còn nhấn mạnh hơn khi nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tuy nhiên, trên thực tế có sự khác biệt trong việc thực hiện “quốc sách” này. Ở nhiều nước, nỗ lực của họ hiện nay là tạo kỹ năng giúp học sinh ra trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, tiệm cận tốt hơn với những điều kiện của nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi từng ngày.

Trong khi đó, sau hơn ba mươi năm đổi mới, Việt Nam vẫn còn đang mắc cạn trong mớ bòng bong dù đã thực hiện hết đợt cải cách giáo dục này đến kỳ cải cách giáo dục khác. Cứ mùa thi đến lại vang lên các “điệp khúc” xưa cũ: thi hay không thi; tỷ lệ thi đậu cao vẫn than, mà tỷ lệ đậu thấp càng than hơn nữa… Hè năm nay có thêm “điều mới”, nhưng lại là chuyện buồn. Vụ gian lận thi cử đang như vết dầu loang lan ra khắp nơi, lan đến diễn đàn Quốc hội.

Thời kinh tế bao cấp, nhiều cơ quan nhà nước khen thưởng cho con em cán bộ, nhân viên căn cứ vào điểm số và bằng khen do nhà trường cấp. Vô hình trung, điều này lại gây ra sự ganh đua ngầm giữa các bậc phụ huynh, ai cũng muốn con mình có điểm số cao hơn con đồng nghiệp. Nay thì thời bao cấp đã qua. Nhưng não trạng “con tôi phải là học sinh giỏi” đã lan rộng khắp nơi và góp phần phát triển nạn “lạm phát học sinh giỏi, khá”.

Có người nói các vấn nạn trên do “bệnh thành tích” của ngành giáo dục mà ra. Chẳng hạn, vtc.vn dẫn lời một đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta đang dùng thành tích ảo để tôn vinh lẫn nhau. Ngành giáo dục bị bệnh thành tích? Đúng. Nhưng trong xã hội không phải chỉ có ngành giáo dục thiếu miễn nhiễm với bệnh này. Chúng ta phải đủ dũng khí thừa nhận rằng bệnh thành tích đã là một căn bệnh chung trong xã hội.

Có người bảo chuyện gian lận thi cử thì ngay ở Mỹ cũng vừa có một vụ to đùng. Chuyện ở ta trị giá 1 tỉ đồng một em thì nhằm nhò gì. Ở Mỹ mỗi thí sinh là 1 triệu đô la nhé, gấp hai mươi mấy lần ta nhé! Cũng đúng. Nhưng hãy nhìn cách người Mỹ xử lý vi phạm.

Cục điều tra liên bang (FBI) lập ngay chuyên án. Đến nay, các chủ mưu và các bên liên quan, kể cả phụ huynh, đã bị lôi ra ánh sáng, xử tội, vào tù. Còn ta thì sao? Hơn một năm sau khi vụ gian lận thi cử bị phát hiện, làm rõ trắng đen sao mà quá khó. Ngay tại “điểm nóng” Sơn La, hồi tuần rồi chính đại biểu Quốc hội tỉnh này cũng nói với báo chí rằng họ vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Trên báo Thanh niên, một đại biểu còn nêu lên mối nghi ngờ của công luận rằng gian lận không chỉ ở Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang, mà có thể còn ở những địa phương khác.

Đại biểu này cũng cho rằng các vi phạm đó là “lỗi hệ thống, lỗi quy trình”. Ông nói đúng. Tuy nhiên, cũng giống như câu chuyện bệnh thành tích trong ngành giáo dục, chúng ta cũng sẽ chẳng đi đến đâu nếu chỉ dừng lại ở đó. Giáo dục không thể trở thành quốc sách hàng đầu nếu tất cả những vấn nạn lâu nay của nó được quy hết cho bệnh thành tích và lỗi hệ thống.

Người ta cần soi gương để nhận ra được chân dung thực của mình. Nếu còn xấu thì phải dũng cảm công nhận chưa đẹp để phấn đấu sửa mình trở thành tốt đẹp hơn. Nếu ngành giáo dục đã nhận ra bệnh thành tích, vậy thì ai phải chịu trách nhiệm và phương án khắc phục là gì? Nếu đã xác định là lỗi hệ thống, vậy thì vì sao sai, ai sẽ sửa sai và sửa ra sao?

Các bậc phụ huynh cũng phải trung thực. Chẳng phải mua điểm, mua chỗ cho con cũng là một biểu hiện của “bệnh thành tích” hay sao? Hãy trả học lực của con mình về đúng vị trí của nó. Nếu không ai mua điểm thì không ai bán điểm được. Rộng hơn, xã hội không thể chấp nhận người ‘học giả có bằng thật’ chui vào bộ máy.

Điều cốt lõi là chính người lớn chúng ta phải soi gương, đứng ra nhận lỗi về mình để có phương cách sửa sai. Nếu cứ mãi quy trách nhiệm cho “bệnh thành tích” và “lỗi hệ thống”, cả dân tộc này – trong đó có cả con cháu chúng ta – sẽ trả giá đắt, rất đắt. 

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Người lớn hãy soi gương để nhận lỗi!
(https://www.thesaigontimes.vn/td/289696/nguoi-lon-hay-soi-guong-de-nhan-loi-.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *