Người thầy trong mắt học trò là chữ nghĩa – đạo lý, không phải tiền bạc

Trần Quí Thanh 

Nguồn hình: Báo mới (ICT News)

—–

Một năm học mới bắt đầu, phụ huynh học sinh đối mặt với chuyện tiền nong. Người có cuộc sống khá giả thì bình thường, nhưng đa số dân mình còn khó khăn, nên đóng một khoản tiền nào cũng phải tính toán rất kỹ lưỡng.

Đi học thì phải đóng học phí, đó là việc đương nhiên. Trong điều kiện đất nước mình chưa miễn phí cho học sinh công lập, người dân đóng tiền cho con cái mình được học hành là chia sẻ một phần trách nhiệm với nhà nước trong giáo dục và đào tạo.

Đồng ý hoàn toàn, nhưng chuyện tui muốn bàn là cách làm.

Hiện nay, việc thu tiền học phí gần như khoán cho giáo viên chủ nhiệm. Người thầy đến trường dạy chữ, nhưng phải hò hét học sinh đóng tiền. Có nhiều trường hợp học sinh không đóng tiền, giáo viên phải nêu tên, nhắc nhở, phải đòi như đòi nợ.

Về chuyện học hành, người Việt Nam dù khó khăn mấy cũng cố gắng lo cho con cái, cho nên nếu có học sinh chưa đóng tiền học phần lớn vì hoàn cảnh, cha mẹ nghèo quá không có đủ tiền trang trải việc học cho con. Người thầy lên lớp dạy chữ, nhưng lại cứ đòi tiền học trò quả thực rất không phù hợp.

Hình ảnh người thầy trong mắt học trò là chữ nghĩa- đạo lý, không phải tiền bạc. Hồi xưa tui đi học, không bao giờ có chuyện thầy lên lớp đòi tiền đóng học phí hay bất kỳ khoản tiền nào. Xã hội kính trọng người thầy vì xã hội trọng chữ, không trọng tiền.

Về việc thu học phí, nhà nước có Thông tư, trong đó quy định bộ phận kế toán, tài vụ nhà trường chịu trách nhiệm. Không có quy định bắt giáo viên thu học phí thì hiệu trưởng không thể bắt buộc giáo viên làm. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ, đó không phải là việc của người thầy.

Chưa kể, hầu như các trường đều đặt ra các khản phí và bắt giáo viên chủ nhiệm phải thu từ học sinh. Vậy là ngoài học phí, người thầy còn đi “đòi nợ thuê” cho nhà trường.

Dưới con mắt phụ huynh và học sinh, người thầy không còn đẹp đẽ khi luôn luôn đòi tiền đủ các loại.

Chưa hết, nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm. Lại một lần nữa thu học phí, lại nhắc nhở, nêu tên, đòi tiền. Xét cho cùng dạy thêm thì phải thu tiền, nhưng trong mối quan hệ giáo viên và học sinh, đụng đâu cũng tiền xem ra cũng ảnh hưởng đến những giá trị đẹp đẽ vốn có của người thầy.

Để hạn chế chuyện tiền nong, trước hết nhà trường nên tổ chức cách thu học phí chủ động, không bắt giáo viên chủ nhiệm làm việc này. Thời đại công nghệ, hãy khai thác công nghệ, đừng làm theo cách thủ công.

Dẹp bớt những khoản thu khác, nếu có thì cũng không bắt giáo viên chủ nhiệm làm mà đó là việc của hội phụ huynh và bộ phận kế toán nhà trường.

Hãy để cho người thầy làm đúng việc của họ mà thôi.

Sài Gòn, ngày 20/08/2019

TQT

Bài đọc thêm,Link: Đừng bắt giáo viên thành “chủ nợ” của học sinh

(https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/dung-bat-giao-vien-thanh-chu-no-cua-hoc-sinh-559640.html)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *