Nguồn lao động giá rẻ không còn là lợi thế thu hút đầu tư

Thu Hằng / VNEconomy


Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về việc giải quyết việc làm và đối mặt với gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, vì quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao…

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - Nguyễn Sơn.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ tại hội thảo. Ảnh – Nguyễn Sơn.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đưa ra nhận định này tại Hội thảo Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số tổ chức ngày 8/11.

LAO ĐỘNG CÓ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT CHIẾM TỶ LỆ THẤP

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, chuyển đổi số tác động đến cơ cấu việc làm, đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc, nhằm có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội mới trên thị trường. Doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số.

Theo ông Hoan, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về chất lượng nguồn nhân lực do tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm khoảng 11% tổng lực lượng lao động (theo nghiên cứu của ManpowerGroup); năng suất lao động cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN, năng lực ngoại ngữ hạn chế…

“Người lao động có trình độ kỹ năng hạn chế sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cũng cao hơn dưới tác động của khoa học và công nghệ mới. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về việc giải quyết việc làm, và đối mặt với gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì Việt Nam có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định.

Mặc dù vậy, ông Hoan cho rằng lực lượng lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Có những lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động, đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp. Tuy vậy, cũng có nhiều nhận định tích cực, chẳng hạn Ngân hàng Thế giới cho rằng số lượng việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi.

Đến năm 2045, ước tính sẽ có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại, và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.

Ông Andree Mangels, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, cũng đánh giá công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động. “Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, cũng như xây dựng một chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai”, ông Andree Mangels nói.

 CẦN CƠ CHẾ ĐỂ THU HÚT LAO ĐỘNG CÓ KỸ NĂNG CAO

Cũng theo các chuyên gia, dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và kỷ nguyên số, thế giới việc làm tại Việt Nam trong tương lai sẽ chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động và địa điểm, cách thức làm việc.

“Những xu hướng nổi bật như tầm quan trọng ngày càng lớn của lực lượng lao động thời vụ/ngắn hạn, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực làm việc cho nhân viên thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng, hoặc việc triển khai ngày càng rộng rãi mô hình làm việc linh hoạt… sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành Toàn quốc, Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - Nguyễn Sơn. 
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh – Nguyễn Sơn. 

Với tỷ lệ lao động kỹ năng cao chỉ đạt khoảng 11%, lao động Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh hơn về trình độ kỹ năng so với một số thị trường khác trong khu vực như: Thái Lan, Philippines hay Malaysia.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính rằng nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại nước ta sẽ bị mất đi tính đến năm 2045. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.

Trước những bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, lao động phải là một đầu vào của nền kinh tế, và muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, bền vững, làm chủ được công nghệ.

“Cần có cơ chế kiến tạo, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao nhất để chính họ trở thành nguồn động lực phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.

Hơn hết, trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng; đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.

Song song với quá trình này là việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong bối cảnh tính chất, hình thái công việc và thị trường lao động thay đổi.

Nguồn: https://vneconomy.vn/nguon-lao-dong-gia-re-khong-con-la-loi-the-thu-hut-dau-tu.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *