Thu ngân sách nhà nước (NSNN) kể từ năm 2010- 2017 đã tăng với mức trung bình gộp là gần 12%/năm (xem bảng 1). Mức này khó có thể gọi là cao nếu so sánh với tốc độ tăng trung bình của GDP danh nghĩa (tăng trưởng GDP theo giá hiện hành) của Việt Nam cũng khoảng hai chữ số hàng năm trong thời gian này.
Đáng nói là trong mấy năm gần đây, tỷ lệ thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN có xu hướng sụt giảm mạnh. Bù một phần vào sự thiếu hụt này là sự cải thiện mạnh của nguồn thu về nhà, đất, chiếm 11-12% trong tổng thu NSNN kể từ năm 2016 so với mức dưới một chữ số các năm trước đó (có lúc chỉ chiếm 6% như trong năm 2014).
Trong hạng mục thu về nhà đất, khoản đáng kể và tăng nhanh nhất chính là thu tiền sử dụng đất. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu tiền sử dụng đất (trừ thu tiền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý) là khoản thu thuộc ngân sách địa phương. Đây là khoản tiền mà người sử dụng đất/nhà phải nộp để có quyền sử dụng đất/sở hữu nhà. Như vậy, có thể hiểu khoản thu về nhà, đất càng tăng lên thì tài sản đất đai, nhà cửa thuộc sở hữu nhà nước có xu hướng bị chuyển giao càng nhiều cho cá nhân, hộ gia đình và tổ chức kinh tế (bên cạnh những lý do như giá đất tăng, tăng thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản…).
Khoản thu về nhà, đất đương nhiên là rất có ý nghĩa ở khía cạnh là giảm thâm hụt ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu hoặc là tăng chậm, hoặc là sụt giảm do nhiều lý do (dư địa tăng thu thuế không còn nhiều, giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do…). Tuy nhiên, cũng giống như việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, nhà và đất đai sở hữu nhà nước cũng chỉ có hạn, không thể cứ bán và bán mãi được.
Sự lệ thuộc lớn của NSNN vào nguồn thu từ nhà đất sẽ đem đến một rủi ro lớn là khi nguồn nhà đất, công sản cạn kiệt hoặc thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo giá bất động sản và nhu cầu sụt giảm, thu NSNN sẽ không kịp được bù đắp bởi những nguồn khác có tính chất thường xuyên, dẫn đến gia tăng thâm hụt NSNN, buộc phải dựa nhiều hơn vào vay nợ trong và ngoài nước. Tình hình này cũng tương tự như việc một quốc gia xuất khẩu dầu lửa có nền kinh tế què quặt, dựa hoàn toàn vào xuất khẩu dầu lửa để trang trải mọi thứ nên nền kinh tế sẽ nhiều lúc thăng trầm, khủng hoảng.
Và cũng như là một minh họa cho việc phải dựa vào bán nhà, đất công, chắc hẳn không ít người trong chúng ta đã từng cảm thấy ái ngại cho Hy Lạp khi họ phải bán cả những tài sản nhà nước như sân bay, cảng biển, đường sắt và cả các hòn đảo du lịch trong cơn tuyệt vọng kiếm tiền để trả nợ nước ngoài. Hậu quả của những chuyện tương tự không chỉ ở hình ảnh quốc gia bị đánh giá xấu đi trong con mắt quốc tế mà còn ở khía cạnh an ninh, chủ quyền quốc gia khi nhiều “tấc đất” rơi vào tay người nước ngoài, không ít trong số đó biến thành lãnh thổ riêng của họ.
Do vậy, việc bán nhà đất, công sản cần luôn được coi chỉ là một giải pháp tạm thời, đặng chẳng đừng khi không còn (nhiều) giải pháp và công cụ khác (và dư địa tăng thu).
Tuy nhiên, điều nghịch lý là dường như ở Việt Nam chuyện tăng thu ngân sách nhờ đất đai lại được coi như là một thành công vì đã “đóng góp lớn cho ngân sách địa phương”! Thậm chí tại những thành phố lớn và là đầu tàu kinh tế cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM thì tỷ lệ thu từ nhà đất trên tổng thu NSNN còn lớn hơn cả mức trung bình cả nước.
Bảng 2 tập hợp số liệu quyết toán được Quốc hội thông qua có trên trang web của Bộ Tài chính về các khoản thu về nhà, đất tại Hà Nội và Đà Nẵng (số liệu tương ứng của TPHCM vì một lý do nào đó không có trên trang web này). Theo đó, nhìn chung tỷ lệ các khoản thu về nhà, đất của hai thành phố này, nhất là Đà Nẵng, trên tổng thu NSNN cao hơn nhiều so với mức chung của cả nước.
Gần đây có một số cảnh báo rằng nguồn thu từ nhà đất tại TPHCM đã sụt giảm mạnh trong năm 2018, theo đó năm 2018, ước thu ngân sách từ đất tại TPHCM đạt khoảng 22.600 tỉ đồng, giảm khoảng 5.139 tỉ so với 2017(1).
Dù đây mới chỉ là những con số thống kê sơ bộ (thường biến động rất lớn so với con số thực tế, quyết toán) nhưng đây chắc chắn sẽ là hiện tượng không thể tránh khỏi, không thể đảo ngược khi mà quỹ nhà đất, công sản của các địa phương trên cả nước dần cạn kiệt và càng cạn kiệt nhanh chóng tỷ lệ thuận với tốc độ khai thác được đẩy mạnh qua những “sáng kiến” như đổi đất lấy hạ tầng. Tuy việc đổi này cũng quy ra tiền nhưng chính quyền các cấp lại thanh toán cho nhà đầu tư các dự án đối tác công- tư (PPP) bằng đất đai, công sản với giá rẻ mạt.
Sự “đổi chác” trên không hiếm khi diễn ra với lý do rất chính đáng là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương trong khi nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng được. Vì là cấp thiết nên chính quyền thường, trong kịch bản “trong sạch” nhất, tiến hành các thủ tục trái quy định, quy trình với các nhượng bộ lớn cho nhà đầu tư để mau chóng đổi lấy dự án cho địa phương.
Trong kịch bản tệ hơn (và phổ biến hơn), đã và sẽ có những “cái bắt tay” của các nhóm lợi ích, lợi dụng chủ trương đổi đất lấy hạ tầng này để trục lợi. Ví dụ, hàng chục, hàng trăm héc ta đất mới đổi lấy được một ki lô mét đường của dự án. Chính những việc làm sai trái và trục lợi này càng làm quỹ nhà đất, công sản cạn kiệt nhanh chóng.
Bài học rút ra, tuy khá muộn, là cần giảm ngay tỷ lệ và mức độ bán nhà đất, công sản. Muốn thực hiện được điều này thì chỉ còn một cách là phải cắt giảm ngay chi NSNN để giảm áp lực lên tăng thu, tận thu, bán gấp và bán hết. Đồng thời, muốn dùng đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì phải thực hiện thông qua đấu giá, đấu thầu công khai cả đất đai lẫn dự án phát triển cơ sở hạ tầng để chi phí phát triển dự án và giá bán đất đai là chi phí và giá bán cạnh tranh trên thị trường.
—–
(1) https://vnexpress.net/kinh-doanh/nguon-thu-ngan-sach-tu-dat-cua-tp-hcm-giam-hon-5-000-ty-dong-3862462.html
—–