Nhà máy ở TP HCM bố trí F1 làm việc ra sao

Lê Tuyết/ VnExpress

Có thể thấy các nhà máy đang nỗ lực hết sức để giải bài toán thiếu hụt lao động. Mới đây, Chính phủ cho biết đang xem xét nghiên cứu loại COVID-19 khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm. Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã đề xuất dừng công bố ca nhiễm hàng ngày. Thực tế thì dù số ca cộng đồng tăng nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong vì COVID-19 lại giảm sâu và vắc xin được bao phủ diện rộng. Tôi nghĩ sẽ sớm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh và doanh nghiệp không còn vừa sản xuất vừa lo F0.


Các nhà máy chia F1 thành nhiều nhóm tiếp xúc xa, gần với F0, nguy cơ lây nhiễm cao, thấp để có phương án làm việc phù hợp, bảo đảm sản xuất khi đơn hàng tăng.

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất F0, F1 được làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp kèm một số điều kiện. Đơn cử, với F1 làm việc trực tiếp, cơ sở phải bố trí khu vực làm việc dành riêng, đảm bảo khoảng cách, không tập trung đông người và thoáng khí, tuân thủ 5K; xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ năm hoặc khi có dấu hiệu bất thường. Kiến nghị đưa ra trong bối cảnh ca nhiễm chủng Omicron tăng nhanh, song phần lớn F0 triệu chứng nhẹ, rất ít F1 chuyển bệnh.

Trên thực tế, việc cho F1 đi làm được nhiều nhà máy ở TP HCM thực hiện cuối năm ngoái, giúp doanh nghiệp không thiếu hụt lao động. Cơ sở để áp dụng là từ tháng 11/2021, Sở Y tế TP HCM hướng dẫn doanh nghiệp có 80% lao động tiêm đủ vaccine hoặc F1 đã tiêm đủ liều theo quy định sẽ được làm việc. F1 được xét nghiệm vào ngày thứ ba, bảy và tiếp tục mỗi bảy ngày đến khi khu vực không còn F0; khai báo sức khỏe hàng ngày, xét nghiệm khi có triệu chứng.

Công nhân nhà máy Đại Dũng trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương
Công nhân nhà máy Đại Dũng trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh), nói khi thành phố “mở cửa” trở lại, nhà máy liên tục xuất hiện ca nhiễm. Doanh nghiệp đã duy trì xét nghiệm nhanh định kỳ để tìm F0, ngày nhiều nhất 50 ca, có tuần 70-80 trường hợp nhiễm bệnh. Số F1 thường gấp ba lần F0. Công ty hơn 1.000 lao động, có thời điểm số người nghỉ ở nhà chiếm gần 30%.

“Đơn hàng gấp, nhân lực thiếu, ban giám đốc tính quay lại phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, qua ghi nhận của tổ y tế hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi, tỷ lệ F1 trở thành F0 rất thấp. Cùng lúc đó, ngành y tế thành phố ban hành quy trình xử lý khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, trong đó có điều kiện cho F1 đi làm.

Sau nửa tháng lấy ý kiến người lao động, công ty lên phương án bố trí F1 làm việc. Khi công nhân trở thành F1, nhà máy cho xét nghiệm nhanh, đảm bảo âm tính và được theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày. Mỗi ngày tổ y tế nhà máy đều lên danh sách F1, thông báo đến từng khu vực để người xung quanh chú ý tuân thủ 5K. Khu vực của F1 được phun khử khuẩn hàng ngày, không tổ chức ăn uống tập trung. Sau 3 tháng thực hiện, hoạt động sản xuất của nhà máy được đảm bảo. Các ca nhiễm ở doanh nghiệp không tăng so với trước.

Tương tự, hơn 3 tháng qua, Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) với hơn 4.400 người đã bố trí lao động là F1 đi làm bình thường. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty, nói khi thành phố “mở cửa”, nhà máy ghi nhận nhiều ca nhiễm. Có thời điểm cả chuyền, xưởng sản xuất không có người làm vì F0, F1 nghỉ hết.

“Công ty tốn rất nhiều chi phí khi vừa trả ít nhất 70% lương cho công nhân nghỉ lại không có người làm, nhiều đơn hàng rất gấp”, ông Tuấn nói. Người lao động cũng không muốn ở nhà vì bản thân họ không hề bị bệnh. Trong khi đó, tiền hỗ trợ của doanh nghiệp không đủ trang trải chi phí cuộc sống đặc biệt khi vừa trải qua đợt dịch thứ 4 và Tết sắp đến.

Công nhân nhà máy Dệt may Thành Công sản xuất sau khi thành phố mở cửa. Ảnh: An Phương
Công nhân nhà máy Dệt may Thành Công sản xuất sau khi thành phố mở cửa. Ảnh: An Phương

Trước tình thế đó, nhà máy phải thay đổi phương án để F1 được đi làm. Nếu công nhân bị xác định là F1 do tiếp xúc gần F0 ở nhà máy, có đeo khẩu trang, đã tiêm ít nhất hai mũi vaccine vẫn được đi làm. Trường hợp nguy cơ cao hơn được xét nghiệm nhanh và theo dõi sức khỏe. Chỉ những F1 chung nhà với F0, không thể cách ly mới phải tạm nghỉ việc.

“Nhờ cách này, hoạt động sản xuất của công ty được đảm bảo, đặc biệt trong lúc nguồn lao động thiếu hụt, ông Tuấn cho biết. Thời điểm hiện tại khoảng 80% lao động ở nhà máy Thành Công đã tiêm mũi ba nên phương án để F1 đi làm được mạnh dạn áp dụng.

Bên cạnh nhiều công ty cho F1 đi làm vẫn còn một số doanh nghiệp dè dặt. Công ty TNHH Juki Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã chia F1 làm ba nhóm. F1 được đi làm khi chỉ tiếp xúc thoáng qua với F0 ở nhà máy, xét nghiệm âm tính. Số này ở nhà máy được bố trí nơi làm việc và ăn riêng. Với F1 ở gia đình có phòng cách ly riêng, tiêm đủ ba mũi sẽ được đi làm lại sau thời gian tiếp xúc 5 ngày, test nhanh âm tính. Trường hợp F1 ở cùng phòng trọ với F0, nguy cơ lây nhiễm cao, phải tạm nghỉ việc.

Giống với Juki Việt Nam, Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) cũng chia F1 thành hai nhóm gần và xa. F1 tiếp xúc gần, sống chung nhà với F0, nguy cơ lây nhiễm cao phải tạm nghỉ ít nhất 5 ngày, đi làm lại khi xét nghiệm nhanh âm tính. F1 tiếp xúc xa là người làm chung chuyền, bộ phận, có đeo khẩu trang vẫn đi làm bình thường, được theo dõi sức khỏe và test nhanh vào ngày thứ ba tính từ thời điểm tiếp xúc.

Từ tháng 11/2021, nhà máy Quốc tế Phong Phú bố trí công nhân là F1 đi làm. Ảnh: An Phương
Từ tháng 11/2021, nhà máy Công ty Quốc tế Phong Phú cho công nhân là F1 đi làm. Ảnh: An Phương

Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM, 18 khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố có hơn 350.000 lao động, gần 100% đã tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, phần lớn đã được tiêm mũi tăng cường. Chiếu theo hướng dẫn về phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Sở Y tế TP HCM hồi tháng 11/2021 hầu hết nhà máy đủ điều kiện bố trí F1 đi làm.

Phía Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM cho rằng thời điểm đó hướng dẫn của ngành y tế thành phố phù hợp Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Việc cho F1 đi làm kèm điều kiện giúp các nhà máy phục hồi nhanh, duy trì nhân lực trong lúc thiếu hụt lao động.

Nguồn: https://vnexpress.net/nha-may-o-tp-hcm-bo-tri-f1-lam-viec-ra-sao-4435918.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *