Trương Minh Huy Vũ/ Báo Tuổi Trẻ
Cuối năm, ai cũng bật lên câu hỏi: Tết này, nhà mình ăn Tết thế nào?
Hầu như cả năm 2021, mọi người đã kiên trì trong “pháo đài chống dịch”, nay khi trở lại sống bình thường mới, ai cũng muốn làm sao vừa “giữ” được không khí Tết vừa giữ “sạch” không gian sống an toàn cho mỗi người, mỗi nhà sau Tết.
Đến thời điểm này, TP.HCM đã thiết lập và vận hành khá thuần thục bộ máy phòng chống dịch trên 4 nền tảng nhằm đảm bảo giữ độ mở kinh tế, đồng thời kiểm soát các rủi ro từ dịch bệnh.
Đó là độ phủ vắc xin cao + bắt đầu đồng loạt tiêm mũi tăng cường; lây nhiễm trong cộng đồng cao dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng tự nhiên cũng cao hơn; y tế cơ sở được củng cố; ý thức cùng năng lực tự cứu của người dân được hình thành và chia sẻ với nhau.
Tuy nhiên, dù bất kể biến thể Omicron thế nào, là tin xấu hay tích cực, chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng với nhiều phương án phòng vệ, ứng phó với “đường đi” của một cơn đại dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có bằng chứng vững chắc cho thấy biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với chủng Delta.
Ở trong nước, cũng có nghiên cứu, dự báo về những đợt dịch có thể xảy ra, tùy thuộc vào thực thi các biện pháp phòng dịch.
Dự báo khoa học đều có những sai số nhưng đó là lời nhắc chúng ta cần xây dựng một hay nhiều kịch bản để ứng phó với diễn biến tình hình dịch bệnh dựa trên phương châm “không hối tiếc” là một lựa chọn hợp lý, cẩn trọng, cần thiết. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến câu hỏi: Đón Tết thế nào?!
Nhưng dù phòng chống dịch có ảnh hưởng thế nào đến không khí đón xuân cũng buộc chúng ta phải tập trung để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Trong đó, nếu bộ quy tắc 5K là lá chắn chủ động thì điều kiện tiên quyết như các sự kiện diễn ra với số đông người tập hợp, hoặc nhóm họp trong các không gian kín, hoặc đi lại mật độ cao cần phải được tính toán kỹ lưỡng, không để “bỗng dưng” có sai sót, có lỗ hổng để sau đó phải trả giá.
Nhìn ra thế giới, một trong những biện pháp đầu tiên và cứng rắn nhất nhằm ứng phó với biến chủng Omicron là hạn chế, hủy bỏ các lễ hội đông người.
Dù mỗi người dân đã có hai liều “kháng thể” là vắc xin và ý thức giãn cách, song một khi hình thành đám đông, lại trong không khí lễ hội thì vẫn là môi trường lý tưởng cho chủng Omicron sinh sản, lây nhiễm.
Vì vậy, với kế hoạch hai kịch bản tương ứng với hai cấp độ dịch 1 – 2 và 3 – 4 về việc tổ chức các hoạt động đón chào năm mới 2022 của UBND TP.HCM theo hướng thích ứng linh hoạt nhưng bắt buộc phải dựa trên biên độ an toàn của dịch bệnh trong từng thời điểm, khu vực…
Vấn đề cần đặc biệt chú trọng là ngay cả khi triển khai kịch bản cấp độ dịch 1 – 2 thì cũng phải “đo lường” được độ tiềm ẩn rủi ro của cấp độ dịch 3 – 4, thời gian lẫn không gian tiềm ẩn bởi chắc chắn sẽ có “sai số” lẫn những “sang chấn” hậu F0, nguy cơ tái nhiễm…
Một kịch bản phòng dịch “không hối tiếc” cũng bao gồm gia cố năng lực, điều kiện của y tế cơ sở và phủ rộng vắc xin tăng cường. Xem ra, câu hỏi: “Nhà mình ăn Tết thế nào, thành phố mình đón Tết ra sao?” tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực phòng chống dịch theo kịch bản “không hối tiếc”.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Nhà mình…
https://tuoitre.vn/nha-minh-