Nhân sự, vấn đề cốt tử của đặc khu kinh tế

Trần Quí Thanh

Phối cảnh thiết kế quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh. (Theo VnEconomy)

Mô hình đặc khu kinh tế được đặt ra từ lâu nhưng chưa áp dụng vào thực tiễn. Xin lưu ý, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trước đây không phải là mô hình đặc khu kinh tế theo quan điểm kinh tế hiện nay.

Việt nam đưa ra 3 đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỉ USD mỗi năm.Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Trên thế giới không thiếu những đặc khu kinh tế, anh bạn Trung Quốc có các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải, Sán Môn, Hải Nam. Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc tạo ra 30 triệu việc làm, đóng góp 22% vào tăng trưởng GDP trong những năm qua và chiếm 45% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc.

Đã là đặc khu kinh tế thì phải có cơ chế quản lý đặc biệt, khác với các địa phương khác, và mô hình hoạt động chính quyền địa phương được đề xuất theo hướng không tổ chức HĐND và UBND.

Không tổ chức HĐND và UBND thì người đứng đầu đặc khu là trưởng đặc khu, do Thủ tướng bổ nhiệm, 77/116 nhóm quyền được giao thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh. Rõ ràng, sự thông thoáng trong hệ thống quản lý hành chính là một lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, còn đối với trưởng đặc khu, có quyền hạn cao để tự quyết các dự án đầu tư và linh hoạt trong quản lý điều hành.

Đã là đặc khu kinh tế thì phải có những ưu đãi về chính sách để kêu gọi đầu tư, riêng về  đất đai, được đề xuất thời hạn giao đất kéo dài từ 70 – 99 năm. Ngoài ra, còn có chính sách ưu đãi về tiền tệ, ngân hàng, thuế.

Theo tui nghĩ, đã là đặc khu kinh tế thì phải vậy, không thì nó chỉ giống như các khu chế xuất, khu công nghiệp, không thể có cơ hội để đột phá.

Nhưng khi trao quyền quá lớn cho đặc khu trưởng (giống như thị trưởng), thì những rủi ro có thể xảy ra, đó là lạm quyền, và đặc biệt là tạo ra một nhóm người thao túng đặc khu.

Vì sao tui nói vậy, bởi vì ngay ở các địa phương, có đầy đủ HĐND, UBND, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn hình thành những ngóm lợi ích, vậy thì liệu ở mô hình đặc khu kinh tế, giao toàn bộ quyền lực, quyền tự quyết cho trưởng đặc khu, thì lấy gì để đảm bảo sự minh bạch.

Không phải tui không tin vào sự thành công của việc xây dựng đặc khu kinh tế, mà cảnh báo trước điều “cốt tử” là con người, sự quyết định của thành công.

Chọn nhân tài thật đặc biệt mới đủ sức gánh vác và đủ niềm tin giao chức vụ trưởng đặc khu, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ. Nếu không thì ba đặc khu sẽ là ba nơi sản sinh những vụ án tham nhũng.

Sài Gòn ngày 22/9/2017

TQT

Link bài: Đừng để đặc khu kinh tế thành ‘miếng mồi’ của lợi ích nhóm

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *