Thiên Điểu thực hiện/ Báo Tuổi Trẻ
Đến TP.HCM 9 năm trước và lập tức bị hút hồn bởi những công trình kiến trúc nhưng đồng thời cũng “sốc nặng” khi thấy những tòa nhà đẹp thời Pháp thuộc ấy dần không còn nữa, nhiếp ảnh gia Pháp Alexandre Garel đã quyết định ở lại thành phố này.
Sống tại TP.HCM từ năm 2011, Alexandre Garel bắt đầu “sự nghiệp” chụp ảnh những tòa nhà cũ ở Sài Gòn, những công trình theo anh là tuyệt đẹp và rất đặc biệt khi pha trộn giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Alexandre Garel về niềm đam mê chụp ảnh kiến trúc Sài Gòn và câu chuyện bảo tồn di sản ở đây.
Tôi yêu kiến trúc các tòa nhà cũ ở Sài Gòn
* Điều gì đã khiến một chàng trai Pháp chọn Sài Gòn làm nhà của mình trong gần một thập kỷ qua?
– Tôi chọn Sài Gòn chứ không phải Hà Nội, vì tôi thích thời tiết ấm áp ở đây và người dân rất thân thiện.
Hà Nội khi tôi đến vào năm 2011 chưa có cuộc sống về đêm sôi động như Sài Gòn, điều đó thật khó khăn với một người thích lang thang đêm hôm, gặp gỡ bạn bè và cùng nhau uống một chút như tôi.
* Phải chăng nhiều tòa nhà cũ tuyệt đẹp liên tục mất đi đã khiến anh phải cầm máy ghi lại?
– Vâng, tôi bắt đầu dự án của mình ở Sài Gòn khi tôi thấy người dân địa phương tháo dỡ những di sản quý giá đó với tốc độ nhanh chóng.
Điều này thực sự khiến tôi sốc. Ở Pháp, chúng tôi không làm như vậy. Nếu bạn nhìn vào một bức ảnh chụp Paris 40 năm trước, bạn sẽ thấy nó gần như giống với Paris bây giờ.
Hà Nội vào thời điểm khi tôi đến thì các tòa nhà cũ được bảo tồn tốt hơn Sài Gòn và cũng có nhiều nhiếp ảnh gia kiến trúc chụp các công trình cổ.
Nhưng khi tôi bắt đầu dự án chụp những tòa nhà cũ ở Sài Gòn, hầu như không có nhiếp ảnh gia nào quan tâm đến kiến trúc ở đây. Đây là một lối đi riêng và cũng là để thỏa mãn tình yêu của tôi với những tòa nhà cổ đẹp lạ thường ở Sài Gòn.
* Thực trạng và tốc độ biến mất của các di sản này cũng diễn ra ở các nước đang phát triển khác?
– Ở Myanmar, họ bảo tồn kiến trúc Anh rất tốt. Trung Quốc cũng dỡ bỏ rất nhiều kiến trúc thuộc địa ở Thượng Hải, nhưng họ đã kịp thời ngăn chặn hành động này. Sài Gòn đối xử chưa tốt với di sản.
Để hình dung về sự biến đổi của thành phố, tôi đã tìm kiếm nhiều hình ảnh Sài Gòn xưa, và tôi nhận ra nó đã biến đổi khủng khiếp. Rất nhiều tòa nhà cổ xinh đẹp đã biến mất.
Ba Son thật sự là một công trình độc đáo, duy nhất. Nhưng nó không còn nữa. Tòa nhà 213 Catinat, Thương xá Tax cũng vậy.
* Anh dường như có một tình yêu đặc biệt với kiến trúc?
– Cha tôi là một kiến trúc sư và ông đã truyền cho tôi tình yêu với kiến trúc. Tôi đặc biệt yêu kiến trúc của các tòa nhà cũ ở TP.HCM.
Bạn không thể chụp ảnh kiến trúc nếu bạn không yêu những kiến trúc ấy. Bạn cần phải cảm nhận được nó bạn mới chụp được nó, thậm chí còn phải mạo hiểm.
Tôi đã rất khó khăn khi cố gắng “đột nhập” vào bên trong các công trình cổ để chụp ảnh trước khi chúng bị tháo dỡ, nhiều khi tôi phải lén lút như một gián điệp.
Có tòa nhà không ai có thể đột nhập vào bên trong để chụp ảnh trước khi nó bị tháo dỡ, nhưng tôi đã cố gắng giữ lại được những hình ảnh về tòa nhà tuyệt vời đó.
Việt Nam không chỉ có nón lá, áo dài
* Anh có nghĩ những bức ảnh của anh sẽ giúp bảo vệ những tòa nhà cũ ở Sài Gòn?
– Tôi ước chúng có thể giúp, nhưng tôi không nghĩ chúng có thể.
Chỉ có tiền mới có thể cứu được chúng. Tiền để mua khu đất của những tòa nhà cũ đó, cải tạo chúng thành những khách sạn sang trọng hoặc nhà hàng cao cấp.
Như Ba Son có thể được tái phát triển thành một tổ hợp thương mại và công viên cho người dân địa phương. Sài Gòn không có đủ công viên cho cư dân.
* Nếu những bức hình của anh không thể giúp ngăn chặn sự phá hủy các tòa nhà cũ, tại sao anh muốn chụp chúng?
– Tôi muốn lưu giữ lại lịch sử của thành phố qua những công trình tuyệt đẹp từng được xây dựng ở đây, để nhắc mọi người không lãng quên những vẻ đẹp này. Bạn hãy tưởng tượng 20 năm sau, những bức ảnh sẽ tiếp tục kể chuyện với mọi người về lịch sử của thành phố.
Việt Nam không chỉ có nón lá, áo dài, vịnh Hạ Long… Các bạn còn có kho báu di sản kiến trúc, những ngôi nhà cổ độc đáo. Đất nước của các bạn thật giàu có về di sản và chúng cần được bảo vệ. Các bạn đã dỡ bỏ Eden để xây dựng lên một trung tâm thương mại, tòa nhà mới cũng không thể thay thế viên ngọc kiến trúc Thương xá Tax.
* Anh nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu di sản Sài Gòn nhờ những bức ảnh chụp các tòa nhà cổ, nhưng dường như chúng không nuôi sống anh?
– Tôi làm những thứ khác để kiếm sống. Hiện tại những tấm ảnh chụp di sản Sài Gòn không mang lại cho tôi tiền bạc mà chỉ tiêu tốn tiền của tôi, nhưng có thể điều này sẽ thay đổi nếu một ngày nào đó người Việt bắt đầu mua sách hoặc ảnh của tôi.
Nhiếp ảnh gia kiến trúc Alexandre Garel bắt đầu sống ở TP.HCM từ năm 2011 bằng nghề nhiếp ảnh. Anh cùng với tác giả Mel Schenk đã xuất bản cuốn sách tiếng Anh với nhan đề Southern Vietnamese Modernist Architecture (tạm dịch: Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam).
Trong năm nay, anh sẽ xuất bản tiếp hai cuốn sách: Saigon: Portrait of city (tạm dịch: Sài Gòn: Chân dung một đô thị), và cuốn Yangon: Portrait of city (tạm dịch: Yangon: Chân dung một “đô thị).
Một số tác phẩm khác của Nhiếp ảnh gia Pháp Alexandre Garel:
Link bài: Nhiếp ảnh gia…
(https://tuoitre.vn/nhiep-anh-gia-alexandre-garel-va-nhung-buc-anh-se-ke-lai-lich-su-sai-gon-20200605095102296.htm)