Nhiều người tài cùng hợp sức thì chuyện lớn mới thành

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Baodautu.com

—–

Chào bác Dr Thanh

Chúng cháu là nhóm lập nghiệp trẻ cùng phố cùng trường cùng tuổi mong ước làm được một cái gì đó cho bản thân và cho đất nước. Nhưng có nhiều người khuyên không nên lập nhóm khởi nghiệp, lắm thầy rầy ma, khéo không mất vốn lẫn mất bạn. Chúng cháu chưa biết nên thế nào, nên kính hỏi bác ạ. Mong bác chiếu cố trả lời.

Kính chúc bác vui khoẻ

Hoà- Minh- Lợi- Đức ( Hà Nội): yeubanvaHanoi18@gmail.com

—–

Hòa – Minh – Lợi Đức mến!

Câu hỏi của mấy cháu được thiên hạ hỏi xưa nay, không có gì mới đâu, nhất là người Việt mình, rất hay băn khoăn chuyện làm ăn một mình hay hợp tác với bạn bè hay người khác.

Người ta có ví von, một người Việt Nam hơn một người Nhật Bản, nhưng 3 người Việt Nam thua 3 người Nhật Bản, ý nói người Việt Nam thiếu tính đoàn kết, làm ăn chung là xung đột, chia rẻ, cái đó có cháu à.

Đối với người Tây phương, làm việc nhóm được hình thành từ bé, nên khi trưởng thành, chuyện hợp tác làm ăn là bình thường, thậm chí là một nhu cầu, một đòi hỏi.

Cả hai mô hình đều có cái ưu và nhược, tùy từng người, từng hoàn cảnh, điều kiện để lựa chọn. Có mẫu người không thể hợp tác với ai được, nếu làm chung thì chỉ có đổ vỡ. Có người luôn cần có sự hợp tác, nếu làm ăn một mình thì thiếu tự tin, hoặc không phát huy hết khả năng tập hợp lực lượng, một thứ vốn quý trời ban cho.

Khởi nghiệp một mình có lợi thế là chủ động, tự quyết định, quyết đoán, sẽ nắm bắt được cơ hội. Nhưng với điều kiện, doanh nhân phải là người thông minh, sắc sảo, giỏi giang. Còn lơ tơ mơ thì chết chắc, hoặc chỉ dừng lại ở mức đủ cơm ăn áo mặc, khó xây dựng thành những doanh nghiệp lớn.

Khởi nghiệp nhóm có thêm nhiều người cùng lo toan, vốn dồi dào hơn, ý tưởng phong phú hơn. Gặp việc, có nhiều cái đầu bàn bạc mới ra được giải pháp. Nhưng nhược điểm là dễ nảy sinh xung đột từ việc góp vốn, chia lợi nhuận, bất đồng quan điểm trong kinh doanh. Không khéo, làm ăn đâu chẳng thấy, mà mất tiền, mất bạn mất luôn sự nghiệp.

Bác phân tích hai mô hình trên để các cháu thấy, nhưng bác nghiêng về làm ăn theo nhóm, mặc dù cả đời bác khởi nghiệp “đơn thương độc mã”.

Ở thời đại hôm nay, làm ăn nhóm có nhiều lợi thế hơn. Luật pháp chặt chẽ hỗ trợ tích cực cho việc quản lý, điều hành, tránh những sai sót dễ gây ra xung đột. Tất cả các hoạt động dựa trên quy chế, quy định của doanh nghiệp và căn cứ của pháp luật.

Khởi nghiệp nhóm, khai thác được trí tuệ của nhiều người, chia sẻ được nhiều gánh nặng, phân công công việc và trách nhiệm đúng với năng lực của từng người, công việc sản xuất kinh doanh phát triển nhanh hơn.

Nhiều người cùng làm việc, sẽ tạo ra sức ép của hiệu quả, nó như một cuộc thử sức, so sánh, cạnh tranh ngầm, cho nên sẽ thúc đẩy lao động, sáng tạo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lựa chọn được người đồng hành phù hợp, có tài đức thực sự. Nhiều người tài cùng hợp sức làm việc thì chuyện lớn mới thành.

Nhưng dù là khởi nghiệp cá nhân hay nhóm, thì vai trò của người đứng đầu mang tính quyết định của sự thành bại. Người lãnh đạo phải sáng suốt, có tầm nhìn, có khả năng tập hợp và thuyết phục, làm việc chăm chỉ và hy sinh nhiều hơn người khác, thì mới tiến xa, bay cao.

Chúc các cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *