Nịnh bợ và thích nịnh bợ

Gia Minh/ Báo TBKTSG
Nguồn hình: Internet
—–

Tuần qua, rất nhiều báo khi thông tin về “Đề án Văn hóa công vụ” vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, đã đồng loạt đưa dòng tựa đầy ấn tượng “Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng”. Thật ra, nội dung này chỉ được ghi đúng một dòng trong đề án, đoạn nói về quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với lãnh đạo cấp trên, nhưng lại được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chẳng qua đây là thói hư tật xấu của người đời đã được “hành chính hóa” trong một đề án về văn hóa công vụ có nhiều điểm trùng lắp với nội dung các pháp lệnh về cán bộ – công chức hay các nghị quyết về cải cách hành chính được ban hành trước đây. Suy nghĩ phổ biến trong dư luận xã hội là bộ máy hành chính của chúng ta hoạt động kém hiệu quả, phần lớn công chức vẫn còn trong người “vi rút” quan liêu cùng nhiều thói hư tật xấu ăn sâu vào não trạng, một phần ba trong số công bộc của dân “sáng xách ô đi tối xách ô về” như phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc hồi còn là Phó thủ tướng. Dân số 93 triệu người mà phải nuôi 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, chưa kể 7,5 triệu người hưởng lương ngân sách (theo con số của ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại một hội thảo hồi cuối năm 2017). Rất nhiều người luôn than vãn đồng lương chết đói vậy mà vẫn tìm đường dây lo lót tiền bạc kiếm cho được một chân công chức. Những nghịch lý đó khiến bất cứ điều gì liên quan đến “gánh nặng” này người dân đều quan tâm theo dõi.

Nay lại thêm chuyện công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng, vậy nịnh bợ vì động cơ trong sáng thì sao đây?

Thật ra, nịnh bợ là một căn bệnh thuộc phạm trù đạo đức đã có từ ngàn xưa, tuy không lây nhiễm vì còn tùy thuộc nhân cách từng người, nhưng thời nào và nơi nào cũng có. Nịnh bợ có nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ khác nhau, từ lộ liễu trơ trẽn, như kiểu nhắc nhở “cái sai của sếp là làm việc quá nhiều” hay soi mói vào gia đình cấp trên để khen lấy khen để về con cháu của sếp, cho đến tinh vi, tiềm ẩn rất lâu đến một thời điểm nào đó mới bộc lộ. Nịnh bợ là một thủ thuật thấp hèn nhằm tìm kiếm lợi ích hoặc tình cảm riêng tư mà đất sống của nó chính là những người thích nịnh bợ.

Làm sếp mà thích nịnh bợ thì sẽ có nhiều kẻ dưới sẵn sàng dùng lời ngon ngọt để lấy lòng.

Xưa nay, trong đời sống xã hội, mối quan hệ giữa người với người được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, đó là một hành vi văn hóa và hãy xem chuyện khen chê là bình thường. Tuân Tử (313-235 trước Công nguyên), nhà tư tưởng Trung Hoa thời Chiến quốc, đã cho người đời những bài học quý báu. Ông nói:

“Người ta chê mà chê phải là thầy của ta vì hơn ta tầm hiểu biết. Người ta khen mà khen phải là bạn vì hiểu được ta. Người vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.

Lịch sử loài người từng chứng minh nhiều bậc vua chúa mất ngôi, mất nước vì nghe lời kẻ xu nịnh. Thế cho nên mới có câu chuyện ông Chu Văn An (1292-1370 ) – một nhà giáo, thầy thuốc, bậc hiền tài làm quan cuối đời nhà Trần – dâng sớ lên vua đòi chém đầu bảy kẻ nịnh thần.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, người lãnh đạo với tư cách là kẻ bề trên thường có một số hạn chế: (1) Khó chịu với những ý kiến không thuận tai mình, (2) Ghét ai qua mặt, (3) Đề xuất hay của người khác chỉ được thực hiện khi đã được chế biến thành “sản phẩm” của mình, (4) Thích kẻ nịnh bợ, sợ người thông minh. Điều cuối cùng phổ biến hơn cả – mà có người cho là thuộc tính của người có chức có quyền – và là nguyên nhân của nhiều thất bại trong việc quản lý con người.

Cho nên, trong Đề án Văn hóa công vụ, khi nói đến chuyện nịnh bợ – cũng như một số quy định khác trong văn hóa giao tiếp – thì đối tượng được nhắm đến chính là cấp trên của cán bộ, công chức, là những người cần làm gương trong một bộ máy hành chính còn nhiều khuyết tật, quan hệ trên dưới không lành mạnh là nguồn gốc của tệ nạn bè phái. Làm sếp mà thích nịnh bợ thì sẽ có nhiều kẻ dưới sẵn sàng dùng lời ngon ngọt để lấy lòng. 

NGUỒN: Theo Thời Báo kinh tế Sài Gòn
Link bài:Nịnh bợ và thích nịnh bợ
(https://www.thesaigontimes.vn/td/283959/ninh-bo-va-thich-ninh-bo.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *