Nỗi khổ đau của các doanh nghiệp trước nạn hàng giả, hàng nhái


“Nếu cơ quản quản lý của Nhà nước không có các giải pháp để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái… sẽ làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng vào hàng Việt, các doanh nghiệp Việt cũng không yên tâm sản xuất kinh doanh…” (Theo temchonghanggia.vn)

Anh Thanh mến,
Giới thiệu với anh tôi là một giám đốc một DNNN nhỏ, đã về hưu. Theo dõi blog của anh mấy tháng nay với rất nhiều thích thú. Qua blog này biết anh rất có trách nhiệm với cộng động doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đọc bài: Doanh nghiệp mất sức vì tin đồn tôi rất nhất trí. Cũng muốn nói thêm với anh doanh nghiệp không chỉ mất sức vì tin đồn mà sạt nghiệp vì hàng giả, hàng nhái. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Hoàng Hữu Hiệp ( Đà Nẵng): hiepdanang@gmail.com

 

—–
 

Chào anh Hiệp,
Cảm ơn anh đã chia sẻ với tui qua blog. Qua thư anh, tui biết anh dù đã về hưu vẫn quan tâm nhiều tới cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Câu hỏi của anh là mối quan tâm lớn của cộng đồng mà chúng ta đang nói tới. Là chủ một doanh nghiệp tất nhiên tôi không thể bỏ qua vấn đề này.

Môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro sẽ gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà cho toàn xã hội, chính vì thế mà số doanh nghiệp ngừng kinh doanh, phá sản chiếm tỉ lệ rất lớn trong những năm qua.
 
Đọc blog của tui anh biết, tui đã có những bài viết nói về rủi ro từ tin đồn hoặc cố tình đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm của doanh nghiệp vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh.  Tui nói nhiều về chuyện đó vì chính Tân Hiệp Phát đã trả giá quá nhiều vì cách phá hoại này.
 
Anh nói rất đúng, các doanh nghiệp có thể sạt nghiệp về hàng nhái, hàng giả.  Quả thật nó đang làm điên đầu các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
 
Để có được một sản phẩm đưa ra thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư từ khâu nghiên cứu thị trường, thực hiện các thủ tục pháp lý, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, tổ chức hệ thống bán hàng, phân phối, rồi đóng thuế cho nhà nước. Làm cật lực và tốn kém rất nhiều mới xây dựng được một thương hiệu sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Nhưng khi hàng bán chạy, rất dễ bị kẻ gian làm hàng giả. Bọn chúng có thể hạ giá thành bởi vì không mất chi phí đầu tư, gặp chiêu này hàng thiệt chết tươi.
 
Đau đầu nhất là sản phẩm bị làm giả nhưng không dám kêu lớn tiếng, chỉ âm thầm trình báo với quản lý thị trường. Đơn giản vì để người tiêu dùng biết thông tin hàng hóa bị giả, họ tẩy chay sản phẩm đó ngay vì sợ mua trúng đồ giả. Nếu lộ tin, doanh nghiệp tung hàng thật ra thị trường, có thuyết phục gãy lưỡi người tiêu dùng cũng lắc đầu vì chẳng biết tin ai. Đường nào cũng chết.
 
Nhưng trong hai đường “chết”, một là im lặng, hai là lên tiếng thì theo tui nên chọn cách thứ hai. Đằng nào cũng chết thì hãy đối mặt với kẻ gian, thông tin về hàng giả để cho người tiêu dùng được biết. Nếu không biết thông tin, người tiêu dùng cứ vô tư xài hàng giả thì quá nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là đối với hàng thực phẩm, các loại nước uống. Đồng thời, cung cấp các thông tin cần thiết để người tiêu dùng phân biệt được hàng thật và hàng giả, hướng dẫn người dân mua hàng chính hãng thông qua các kênh phân phối chính thức.
 
Doanh nghiệp nỗ lực để tự cứu mình là đương nhiên, nhưng vai trò của cơ quan chức năng, cụ thể là quản lý thị trường, công an kinh tế vô cùng quan trọng. Khi có tin báo từ doanh nghiệp bị làm hàng giả, các cơ quan này vào cuộc triệt phá kịp thời và xử lý theo pháp luật các cơ sở làm hàng giả thì doanh nghiệp còn có đường sống.
 
Đối với những kẻ tung tin đồn phá hoại cũng vậy, điều tra và xử lý nghiêm là cách cứu doanh nghiệp chân chính. Dân mần ăn tụi tui rất mong được như vậy. Tui tin anh Hiệp cũng mong như vậy, đúng không anh?
 
Gửi anh bài báo về cuộc chiến chống hàng giả hàng nhái để anh và mọi người cảm thông chia sẻ với nỗi khổ đau của các doanh nghiệp trước nạn hàng giả, hàng nhái.
 
Chúc anh vui khoẻ.
 

 Trần Quí Thanh
 (Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

 
Link bài: Cam go chống hàng giả, nhái

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *