Nỗi khổ mang tên ‘làm dâu’

Hải Miên/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Làm dâu không dễ nhưng chỉ cần có tâm, có đức là đủ (Ảnh và lời bình của Báo ĐKN)

—–

Sống chung với gia đình chồng là một trong những nỗi ám ảnh của các cô dâu trẻ. Cứ có dịp ngồi cà phê, tụ tập là chị em lại bắt đầu bài ca muôn thuở “không thể nào chịu đựng nổi mẹ chồng”.

Hôn nhân trong mắt các bạn gái trẻ đơn giản chỉ là chuyện của hai người, giận hờn hay vui vẻ cũng là “chuyện vợ chồng”. Thế nhưng, cuộc sống chẳng bao giờ lãng mạn như ngôn tình, hay đơn giản như cách chúng ta nghĩ. 

Con dâu là “Ô-sin” nhà chồng

Yến là một cô gái cá tính mạnh mẽ, thực tế và giỏi giang. Cô kết hôn với một anh chàng giáo viên cấp I hiền lành – là bạn thân từ thời phổ thông. Hai người quen biết cũng gần mười năm, mối tình của họ đúng nghĩa trong sáng, không toan tính vụ lợi. 

Ảnh minh họa

Kết hôn xong, Yến về làm dâu. Mọi chuyện bắt đầu từ đó. Yến không thể tưởng tượng được mẹ chồng cô, một người phụ nữ được đánh giá là trẻ trung, hiện đại, lại mang tư tưởng “con dâu là đầy tớ nhà chồng”. 

Từ ngày có Yến, bà cho người giúp việc theo giờ nghỉ hẳn và nhẹ nhàng bảo: “Việc nhà bây giờ có con rồi, không cần phải thuê người làm gì nữa”. Với Yến, làm việc nhà cũng chẳng có gì to tát hay mệt nhọc. Thế nhưng, cô không thể chấp nhận được việc mẹ chồng cô thích bày bừa. 

Bà tự nấu một bát mì ăn khuya, là y như rằng sáng hôm sau cô phải dọn một đống đồ bẩn trên bếp: nào dao, nào thớt, nào chén đựng thịt, trứng, xoong nồi. Công việc của Yến vốn đã nhiều áp lực, vậy mà mỗi ngày về nhà, tiếp đón cô là sàn nhà đầy dấu giày dép, những tách trà đầy bã và mấy ly cà phê đen ngòm vứt chỏng chơ đầy phòng khách. 

Thậm chí có hôm phải tăng ca về muộn, mẹ chồng cô vẫn thản nhiên xem ti vi, ăn vặt, rồi bảo cô lo cơm nước cho cả nhà. Thương chồng, Yến cố dằn cơn uất ức. 

Cũng như Yến, Phước về làm dâu với niềm hân hoan bởi chồng cô luôn bảo, mẹ anh là “bồ tát sống”, luôn yêu thương con cái, nhất là con dâu. Vậy mà thực tế khác xa, nhất là sau khi bé gái đầu lòng ra đời. Phước ở cữ nên phải nhờ mẹ chồng cơm nước. 

Bữa cơm đầu tiên cho bà đẻ sau khi ra viện khiến cô ứa nước mắt. Mấy con cá bé tí nằm loe ngoe trên đĩa, thêm một chén canh rau lang lơ thơ vài cọng. Mâu thuẫn càng tăng khi em bé lớn dần. Bà mẹ chồng hiền lành ấy cứ canh chồng cô đi vắng là cạnh khóe, than thở tiền chợ không đủ, tiền gas tăng, tiền điện tăng. 

Tai quái hơn, những đợt chồng cô đi công tác thì xem như hai mẹ con Phước phải chịu đói. Cô than thở: “Phụ nữ sau sinh mà tám giờ sáng cho một bát cháo gạo lứt thêm vài con cá bống, đến mười hai giờ trưa vẫn chưa có cơm ăn. Lấy đâu ra sữa cho con bú”. Cực chẳng đã, cô phải điện thoại về nhà ngoại nhờ bới xách, hỗ trợ lương thực cho hai mẹ con.

Hài hước nhất là bà nội chỉ trông cháu, vỗ về yêu thương khi nghe tiếng xe máy con trai về đến cổng, rồi đon đả bảo “vợ con đang nghỉ, mẹ trông cháu giúp. Con tắm rửa rồi mẹ dọn cơm”. Phước chỉ muốn gào thật to cho thỏa cơn tức, nhưng thoáng thấy vẻ mặt vui vẻ của chồng, cô lại cố nén.

“Khối u” trong quan hệ vợ chồng

Những câu chuyện vụn vặt tưởng như chẳng có gì to tát ấy lại tích lũy dần theo ngày tháng. Vốn là người có giáo dục, Yến không bao giờ tỏ thái độ hay góp ý với mẹ chồng. Thời gian đầu, cô luôn tự nhủ, đừng để chồng mình phải đứng giữa hai người phụ nữ mà anh thương yêu nên gắng gượng chịu đựng. Thế nhưng mỗi lần về nhà, thấy cha mẹ mình lăng xăng lo cho mình, xuýt xoa con gầy, công việc vất vả, Yến lại thấy xót xa trong lòng.

Ảnh minh họa

Cha mẹ nuôi cô ba mươi năm, vẫn chưa được cô nấu cho một bữa ăn, chưa được cô pha cho một cốc sữa. Vậy mà cha mẹ chồng cô, chỉ vì lười xuống bếp mà yêu cầu cô nấu mì rồi bưng lên tận phòng ngủ. Cô nhìn cha mẹ mình mà ứa nước mắt. Bao nhiêu nỗi hờn tủi dâng lên.

Cô còn nhớ cách đây mấy hôm, mưa lụt vào nhà. Vợ chồng cô phải dọn dẹp phờ phạc từ một giờ sáng đến tận trưa. Vậy mà chín giờ sáng mẹ chồng cô thong thả từ trên lầu đi xuống, gương mặt trang điểm kỹ càng, rồi bảo bàn ghế phòng khách chưa sạch, cái này bẩn, cái kia dơ. Cố nén để không buông lời hỗn hào, Yến tức giận bỏ ra chỗ khác. 

Những ấm ức, bực bội dồn nén khiến Yến cáu gắt với chồng. Cô không còn vui vẻ, hồ hởi mỗi khi về nhà. Thậm chí cô tức giận với anh và buông lời cay nghiệt: “Cha mẹ tôi khổ công cho tôi ăn học, rồi để tôi về làm đầy tớ cho nhà anh. Anh nhìn đi, cha mẹ anh xem tôi là cái gì? 

Một tách trà cũng quăng ra đấy để tôi rửa. Nhà cửa tôi lau chùi dọn dẹp sạch sẽ để cha mẹ anh giẫm giày dép cho êm chân. Tôi cũng đi làm chứ mẹ anh có phải nuôi báo cô tôi đâu. Đi làm về là nhà cửa bề bộn y như đống rác. Mẹ anh có bao giờ nấu cho tôi một bữa ăn chưa? Tôi mà bận là cha mẹ anh đi ăn bên ngoài. 

Con tôi ốm, nghỉ học cũng mang về bên ngoại. Sinh hoạt phí tôi đóng có thiếu đồng nào không? Mỗi tháng tôi trả tiền điện, tiền nước, tiền gas, internet rồi đủ thứ tiền. Anh nghĩ đi, lương anh bao nhiêu, tôi cũng phải lo cho cha mẹ tôi, tích lũy tiền cho con cái chứ”.

Thâm tâm Yến biết, chồng cô thương vợ, anh cũng đã cố gắng hỗ trợ cô công việc nhà, đỡ đần cô chăm con. Thế nhưng cô không thể chấp nhận cái kiểu đối xử của mẹ chồng dành cho cô. Vợ chồng Yến thường xuyên “mặt nặng mày nhẹ”, những cái ôm ấm áp thưa dần, những lời âu yếm cũng cạn bớt và dường như, một khoảng cách vô hình đang kéo họ xa nhau.

Không giống như Yến, Phước tỏ rõ thái độ gay gắt với mẹ chồng. Cô chụp ảnh những bữa cơm mẹ chồng chuẩn bị rồi gửi cho chồng, nhẹ nhàng bông đùa: “Anh ơi, mẹ chuẩn bị cho em này. Chắc mẹ muốn em giảm cân hay muốn cháu nội khát sữa đây ạ”. Cô thẳng thắn bảo với mẹ chồng: “Tiền sinh hoạt phí hằng tháng, con đều đưa đủ cho mẹ. Con về đây làm dâu, còn phải chung tay với chồng, với mẹ trả nợ cho ngôi nhà này. Mẹ đối xử với con như thế thì làm sao mà con thương, con quý mẹ được?”. 

Phước biết rõ chồng mình rất thương mẹ, anh cũng nhiều lần tỏ vẻ bực dọc, không hài lòng khi cô cãi nhau với mẹ chồng. Nhưng Phước không thể chấp nhận được kiểu thảo mai, giả tạo của bà. Cô nói thẳng với chồng: “Anh thấy mẹ anh tốt với anh, nhưng bà có thực sự thương dâu không? Tôi đẻ nằm một chỗ mà bà cho ăn như thế, con anh bú nước lã mà lớn à? Anh tưởng mẹ anh tốt lắm à? Tôi ở nhà quần quật thay tã, cho con ăn, con ngủ. Lắm lúc nó khóc rát họng, mẹ anh đóng cửa phòng ngủ đến bốn giờ chiều. Anh đi cả ngày có biết không?”.

Những mâu thuẫn tưởng bé như hạt cát, chẳng mấy chốc hóa thành khối u ác tính, ăn sâu vào mối quan hệ của hai vợ chồng. Họ không còn tìm được tiếng nói chung hay niềm vui giản dị trong những bữa cơm gia đình nữa. Sự ấm ức, so sánh “chồng người ta” bắt đầu bám rễ trong đầu Yến và Phước.

Họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hôn nhân như thế nào đây? Tìm cách giải quyết ổn thỏa hay dần dần xa nhau? Câu trả lời tùy thuộc vào sự nhẫn nại, vị tha và nỗ lực vì hạnh phúc của họ. 

 

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM online

Link bài: Nỗi khổ mang tên ‘làm dâu’

(https://www.phunuonline.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/noi-kho-mang-ten-lam-dau-172244/)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *