Nói “tôi không sợ thất bại” là  nói dóc

Trần Quí Thanh 

Nguồn hình: internews.vn

—–

Kính gởi bác Dr Thanh, 

Chúng cháu thuộc CLB Khởi Nghiệp Q1. CLB chúng cháu mới lập sinh hoạt sôi nổi lắm a. Tuần rồi chúng cháu thảo luận đề tài: Làm sao biến nỗi sợ thất bại thành động lực tiến lên cho các Startup? Chúng cháu tranh luận dữ lắm nhưng không có kết luận được điều gì. Vậy chúng cháu xin bác cho ý kiến về vấn đề này ạ. Cảm ơn bác vô cùng.

Kính chúc bác vui khoẻ

Lê Tùng (chủ nhiệm CLB): Tunglapnghiep_2019@gmail.com

—–

Lê Tùng thân mến!

Không có bất cứ một bạn trẻ khởi nghiệp nào không sợ bị thất bại, nếu ai đó nói “tôi không sợ thất bại” là người đó nói dóc. Bác nói thiệt, bác chỉ sợ mấy ông trẻ tuổi tự cao tự đại, hoang tưởng về khả năng của mình, cho rằng kinh doanh làm giàu dễ dàng như lấy đồ trong túi, mấy ông này trước sau cũng thất bại.

Khi bắt tay vào con đường kinh doanh, mới thấy ngành nghề này không như mơ, phải đối diện với quá nhiều khó khăn, thử thách, cay đắng. Người ta chỉ thấy nụ cười, nhưng không mấy ai thấy được giọt nước mắt của doanh nhân.

Muốn không sợ thất bại, các cháu hãy chọn con đường đi làm công ăn lương, xin một chân vào làm công chức nhà nước. Còn đã bước vào con đường khởi nghiệp, nỗi lo canh cánh trong lòng đương nhiên là chuyện thành bại. Chuyện thành bại của một doanh nhân khởi nghiệp đâu chỉ việc riêng của mình, mà còn ảnh hưởng đến những người đi theo mình, cuộc sống của bao nhiêu gia đình khác.

Nhưng vấn đề là thái độ ứng xử của mỗi người trước nỗi sợ hãi đó.

Có người sợ thất bại như một sự ám ảnh, suốt ngày lo lắng, bất an, đứng ngồi không yên. Sợ bị thất bại là nợ ngập đầu, mất hết vốn liếng, bị người khác chê cười, thậm chí là tù tội, vì thế mà lo lắng mất ăn mất ngủ. Phản ứng này sinh ra năng lượng tiêu cực và làm mất thì giờ cho bản thân. Với những người này, thất bại không chỉ là nỗi lo mà nó sẽ trở thành hiện thực.

Ngược lại, những doanh nhân khởi nghiệp sợ thất bại cho nên luôn tìm ra cách để ngăn chặn nó. Chính vì vậy, “sự sợ hãi” trở thành nguồn động lực để làm việc, thúc đẩy doanh nghiệp đi tới. Sự sợ hãi đó giúp cho start up suy nghĩ sâu hơn, chín chắn hơn trước khi ra quyết định, đổi mới sáng tạo hơn trong công việc, lắng nghe người khác hơn là chủ quan, duy ý chí.

Bác mê chuyện Tam Quốc vì học được ở nhân vật Gia Cát Lượng cái “đức” rất lớn, đó là đức “sợ thất bại”. Chính vì vậy, ông luôn đưa ra các phương án cho một trận đánh, có những đội quân ứng cứu kịp thời để bảo đảm không bị thất bại. Có thể thất trận trong một trận nhỏ, nhưng bảo đảm thắng lợi toàn cục trong một trận chiến.

Sợ thất bại, Khổng Minh tính toán chặt chẽ các phương án, nhưng cũng có những trận chiến phải than lên rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Khổng Minh tiên sinh phải hao tổn bao nhiêu tâm trí để lừa được cha con Tư Mã Ý vào Hồ Lô Cốc. Khổng Minh trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, nhưng cũng không thể ngờ rằng giữa cơn nắng cháy trưa hè lại đổ xuống một cơn mưa phá đi trận hỏa công mà ông bày sẵn.

Bác kể lại câu chuyện trên là muốn nói rằng, sợ thất bại là động lực để tìm cách ngăn chặn thất bại, đi đén chiến thắng. Đồng thời,  cũng phải biết chấp nhận hoặc đón nhận cơ trời. Với Khổng Minh, cơn mưa đó là tai họa, nhưng với Tư Mã Ý, cơn mưa đó là may mắn.

Trở lại với chủ đề sự sợ hãi của doanh nhân, bác lưu ý với các cháu rằng, phải xem đó là yếu tố tích cực. Vì lo thất bại cho nên phải suy nghĩ, tính toán thật kỹ, bịt kín các lỗ hổng khi đưa ra một đề án kinh doanh.

Sợ hãi thất bại là động lực để đưa các cháu tìm đến những nhà tư vấn có kinh nghiệm, hỏi han, lắng nghe cẩn thận trước khi ra quyết định.

Sự sợ hãi thất bại sẽ giúp các cháu luôn tính đến phương án phòng ngự, không chủ quan dốc toàn lực theo kiểu đánh một ván bài xì phé “được ăn cả ngã về không”.

Vậy nhé các cháu. Có gì cần trao đổi thêm cứ gửi thư cho bác.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *