Ông vua ngành trà Việt với khát vọng thống trị toàn cầu

Christine Hah/  Theo BBC

Nguồn ảnh: BBC.

…………….

Ông Trần Quí Thanh là một con người rất thú vị. Ông cũng được đánh giá là một trong những chủ doanh nghiệp thành công nhất ở Việt Nam với cái tên “ Vua Trà” Việt Nam, một triệu phú đô la với một tập đoàn có báo cáo doanh thu 500 triệu đô la từ những năm 2015.

Hàng năm, tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát của ông đều tổ chức buổi lễ kỷ niệm thành lập tập đoàn với sự tham gia của đối tác và được kết nối với đông đảo mọi người qua truyền hình trực tiếp và phát thanh trên toàn quốc. Tại buổi lễ, vị doanh nhân 64 tuổi này đã cùng hát trên sân khấu với các ngôi sao nhạc pop, nhóm nhạc rock và những người nổi tiếng khác. Cùng lúc, 4.000 nhân viên của tập đoàn cũng tham gia thi văn nghệ để chào mừng sự kiện kỷ niệm thành lập thường niên. Điều đặc biệt là phần lớn các sáng tác bài hát, viết thơ của họ trong đó có viết về ông.

Ông Trần Quí Thanh thành lập Tân Hiệp Phát (THP Group) vào năm 1994, đến nay, doanh nghiệp của ông đã  trở thành tập đoàn sản xuất nước giải khát tư nhân lớn nhất của Việt Nam với hơn một tỷ lít nước giải khát được bán ra mỗi năm trên thị trường nội địa và 16 quốc gia khác. Vị doanh nhân này cũng  dự định sẽ tăng gấp ba lần sản lượng trong vòng 5 năm tới, hướng tới thị trường Mỹ và các quốc gia khác. Đây là một thành tích đáng nể của một vị doanh nhân với nhiều biến cố trong cuộc sống, 6 năm tuổi thơ sống trong một trại trẻ mồ côi sau khi mẹ ông gặp tai nạn xe hơi và qua đời vào năm 1962, khi đó ông mới 9 tuổi. Sau một tuổi thơ đầy khó khăn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Trần Quí Thanh chia sẻ rằng ông “không bao giờ sợ” bất cứ thách thức nào mà ông phải đối mặt trên thương trường. Ông nói: “Tiếp tục chiến đấu là con đường đi đến chiến thắng.”

Là một doanh nhân có bề dày kinh nghiệm, ông Trần Quí Thanh bắt đầu hoạt động kinh doanh vào năm 1976 sau khi tốt nghiệp trường đại học vào năm 23 tuổi. Để kiếm tiền, ông Trần Quí Thanh bắt đầu sản xuất men bánh mì, sử dụng võng nylon của quân đội Mỹ để tạo ra công cụ lọc. Khi tình trạng lạm phát không ổn định khiến kinh doanh men không còn khả thi, ông đã chuyển sang sản xuất đường. “Tại thời điểm đó, chúng tôi không có thiết bị, kiến ​​thức kỹ thuật hạn chế, và hầu như không có vốn. Nhưng hàng hóa rất khan hiếm, vì vậy bất cứ thứ gì sản xuất ra có thể bán được là điều tốt cho chúng tôi.” – Ông chia sẻ.

Khi Tân Hiệp Phát thành lập vào năm 1994, ông Trần Quí Thanh bắt đầu nghiên cứu về thị trường đồ uống. Ông cũng phát hiện ra rằng hội chợ thương mại hàng năm Drinktec tại Đức là một điểm bắt đầu hoàn hảo. Không biết cách nào để đi châu Âu một mình, ông quyết định đăng ký một tour du lịch chính thức. Sau khi đến Đức, ông nhanh chóng rời bỏ nhóm và tham dự hội chợ thương mại để tìm hiểu về tất cả các công nghệ mới nhất của thế giới.

THP bắt đầu sản xuất bia nhưng sớm chuyển sang các loại trà đóng chai và sau đó là nước tăng lực.

“Khi Tân Hiệp Phát bắt đầu hoạt động, chúng tôi chỉ có 20 nhân viên và sản xuất một triệu lít mỗi năm, khoảng 3.000 lít một ngày. Ngày hôm nay chúng tôi đã có hơn 4.000 nhân viên và sản xuất hơn một tỷ lít mỗi năm.”. Ông nói thêm rằng đến năm 2023 sẽ đặt mục tiêu sản xuất hơn ba tỷ lít mỗi năm.

Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng – tăng 6,8% trong năm ngoái và dự đoán sẽ tăng tương đương vào năm 2018 – THP cho biết tập đoàn có kế hoạch tiếp tục tăng xuất khẩu với mục tiêu chiếm 10% doanh thu. Hiện nay tập đoàn xuất khẩu chủ yếu sang các nước khác ở châu Á, nhưng sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa, và đặc biệt tại thị trường Mỹ.

Thành công của Tân Hiệp Phát đã thu hút sự quan tâm của các công ty nước giải khát lớn nhất thế giới. Năm 2011, tập đoàn khổng lồ của Mỹ Coca-Cola đã tiếp cận Tân Hiệp Phát trong một thương vụ mua bán tiềm năng, nhưng ông Trần Quí Thanh đã từ chối lời đề nghị vì mục tiệu của họ không muốn Tân Hiệp Phát mở rộng ra ngoài Việt Nam. “Thời điểm đó, Coca-Cola đánh giá Tân Hiệp Phát ở mức 2,5 tỷ USD, nhưng họ muốn chúng tôi duy trì hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Việt Nam, hoàn toàn khác so với tầm nhìn của chúng tôi. Vậy nên chúng tôi đã từ chối”,  Ông cho biết.

Hiện nay, Tân Hiệp Phát  là một doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình với sự điều hành cố vấn của ông Thanh cùng với hai cô con gái của ông. Họ đều đang đảm nhận những vai trò cao cấp tại tập đoàn. Trong khi con gái cả Trần Uyên Phương phụ trách truyền thông và tiếp thị, thì cô con gái thứ hai Trần Ngọc Bích phụ trách nhân sự.  Doanh nhân Trần Ngọc Bích chia sẻ: “Cha tôi có một phương châm mà bây giờ là phương châm của công ty – Hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai. Ông ấy luôn nhìn về phía trước để tiếp bước.”

Bước kế tiếp cho THP sẽ là kế hoạch kế nhiệm, nhưng trong thời gian đó thì sự tập trung vẫn nằm trong mục tiêu tăng doanh thu.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc của Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh nhận định, nếu THP (hoặc các doanh nghiệp Việt Nam khác) muốn tăng đáng kể lượng hàng xuất khẩu, họ cần phải trở thành những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Đó là một thách thức rất lớn.

Trong khi đó, ông Trần Quí Thanh tự tin cho hay: “Khi nói đến Toyota, người ta sẽ tự động nghĩ tới Nhật Bản. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, khi nhắc tới THP mọi người sẽ nghĩ tới Việt Nam”.

 

Theo BBC

Link bài: The tea boss with a thirst for global domination

(http://www.bbc.com/news/business-42871301)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *