Parag Agrawal: Vị CEO ‘đen đủi’ của Twitter

Tấn Đạt (Theo CNN)

Khi Parag Agrawal tiếp quản vị trí CEO Twitter vào tháng 11 năm ngoái sau khi người đồng sáng lập Jack Dorsey bất ngờ từ chức, ông không được nhiều người biết đến. 

Mười tháng sau, Agrawal trở nên nổi tiếng khi tên tuổi thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Ông cũng phải nhận những lời chỉ trích từ Elon Musk – tỷ phú giàu nhất thế giới (và có thể là sếp tương lai của Agrawal) cả công khai và riêng tư.

Vị CEO kém may?

Elon Musk vừa đề nghị nối lại thỏa thuận mua Twitter với mức giá ban đầu là 54,20 USD/cổ phiếu, theo hồ sơ chứng khoán hôm 4/10. Động thái này có thể chấm dứt cuộc chiến pháp lý đang diễn ra xung quanh hành động “quay xe” của Musk khi muốn rút khỏi thỏa thuận mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD. Nếu Twitter quyết định tiếp tục với đề nghị này, Agrawal có thể sẽ rơi vào thế thất nghiệp hoặc buộc phải làm việc cho tỷ phú mà ông đã bất đồng trong nhiều tháng qua.

Ngay cả đối với một công ty đã quen với những giai đoạn biến động, ở thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ Agrawal làm lãnh đạo, Twitter vẫn đang trong một trạng thái hỗn loạn khác thường: một trận chiến thâu tóm ác mộng với ông chủ hãng Tesla; một cựu lãnh đạo cáo buộc lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng; và suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của nền tảng mạng xã hội này.

Sẽ có rất nhiều việc cần phải điều chỉnh ngay cả đối với một giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm nhất. Nhưng Agrawal, mặc dù từng là một nhân viên kỳ cựu có thâm niêm làm việc cho Twitter nhiều năm, từng giữ vị trí CTO, trước đây chưa bao giờ điều hành một công ty – chứ chưa nói đến đây lại là một trong những nền tảng truyền thông xã hội quan trọng nhất thế giới.

-7081-1665150010.jpg
 Parag Agrawal – CEO Twitter. Ảnh: Getty Images

Bill Klepper, Giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Columbia, bình luận: “Tôi nghĩ Agrawal được đưa lên làm lãnh đạo bởi họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ đi theo đúng kế hoạch”, tuy nhiên, năm vừa qua chẳng có gì theo đúng kế hoạch của Twitter.

Bất chấp những thách thức, Agrawal đã cố gắng tiếp tục phát triển cơ sở người dùng của nền tảng và đã tung ra nhiều tính năng mới khác nhau, bao gồm việc thử nghiệm nút chỉnh sửa đã được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghi ngờ về khả năng tại vị thêm một năm nữa của Agrawal, khả năng bị tỷ phú Musk sa thải sau khi mua lại hoặc hội đồng quản trị sẽ thay thế ông nếu thỏa thuận không thành công.

Trong khi đó, một số nhà lập pháp và cơ quan quản lý đã hướng đến việc Agrawal có thể bị điều tra sau những cáo buộc của người tố giác, liên quan trực tiếp đến Agrawal, cả với tư cách là CEO và vai trò trước đây của ông ở vị trí CTO.

Klepper nói: “Tôi chắc rằng khi về nhà vào buổi tối, ông ấy sẽ phải tự hỏi bản thân: ‘Mình đã dính vào cái quái gì vậy?'”.

Twitter từ chối bình luận về nội dung này.

Một năm tại vị khó khăn

Ngay từ đầu, Agrawal đã có một nhiệm vụ khó khăn. Mục tiêu hiện tại của công ty là bằng cách nào đó có thêm 100 triệu người dùng hoạt động hàng ngày vào năm 2023, tăng 45% so với quý IV năm 2021 và tăng doanh thu từ hơn 5 tỷ USD vào năm 2021 lên 7,5 tỷ USD. Đồng thời, nền tảng cũng đang khai phá những cơ hội doanh thu mới chẳng hạn như dịch vụ đăng ký Twitter Blue và các tính năng liên quan đến tiền điện tử.

Forte nói: “Thách thức đối với Twitter là họ vẫn chưa thể phát triển cơ sở người dùng và cải thiện khả năng kiếm tiền của mình đến mức mà khả năng kiếm tiền ngang bằng với tầm ảnh hưởng của họ”.

-4861-1665150010.jpg
Dù Elon Musk có mua Twitter hay không, Parag Agrawal vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Getty Images

Và sau đó là câu chuyện với tỷ phú Musk.

Vào tháng 3, sau nhiều tháng lặng lẽ tích lũy cổ phiếu trên Twitter, ông chủ hãng Tesla đã đến gặp Dorsey, mặc dù Dorsey lúc này không còn là CEO Twitter, để “thảo luận về hướng đi trong tương lai của mạng xã hội”, theo hồ sơ của công ty. Trong những ngày sau đó, Musk đã gặp gỡ hội đồng quản trị của Twitter và một số người trong ban lãnh đạo, bao gồm cả Agrawal; thông báo công khai rằng ông sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter; và chấp nhận một ghế trong hội đồng quản trị của công ty.

Vài ngày sau, Musk đã tweet, “Có phải Twitter đang chết?”. Agrawal đã nhắn tin cho Musk vào cuối ngày hôm đó để nói rằng, dòng tweet đang khiến cuộc sống của ông trở nên khó khăn với tư cách là CEO.

“Ông có thể tự do tweet ‘Twitter đang chết?’ hoặc bất cứ điều gì khác về Twitter,”, Agrawal nói với Musk, được tiết lộ trong một hồ sơ tòa án vào tuần trước, “Nhưng tôi có trách nhiệm phải nói với ông rằng điều đó không giúp tôi cải thiện Twitter trong bối cảnh hiện tại. Lần tới khi chúng ta nói chuyện, tôi muốn ông đưa ra quan điểm của mình về mức độ mất đoàn kết nội bộ của công ty hiện tại và điều này ảnh hưởng đến khả năng làm việc của chúng tôi như thế nào…Tôi mong muốn Twitter là công ty mà chúng tôi có thể làm việc trong bình yên, không bị phiền nhiễu nhưng hiện giờ chúng tôi không thể có được điều đó”.

Đáp trả lại ý kiến của Agrawal, Musk chỉ hỏi một câu ngắn gọn: “Trong tuần này, anh đã làm được những gì?”. Trong hai văn bản tiếp theo, ông đã hủy bỏ thỏa thuận tham gia hội đồng quản trị, nói rằng, “Tôi không tham gia hội đồng quản trị. Đây là một sự lãng phí thời gian”.

Cú “quay xe” bất ngờ

Sau đó, Musk từ bỏ ghế hội đồng quản trị, đe dọa một cuộc tiếp quản thù địch và cuối cùng đồng ý mua Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, một mức giá cao đáng kể so với giá cổ phiếu của công ty vào thời điểm đó, chỉ để một vài tháng sau đó, lại cố gắng rút khỏi thỏa thuận vì lo ngại về số lượng bot và tài khoản spam trên nền tảng.

Twitter đã kiện Musk để hoàn tất thương vụ – và bây giờ phải quyết định có nên chấp nhận đề nghị của Musk về việc tạm dừng quá trình kiện tụng và tiến tới hoàn tất thương vụ hay không. (Hôm 4/10, Twitter cho biết đã nhận được thư của Musk và dự định “kết thúc thoả thuận ở mức 54,2 USD/cổ phiếu”)

Trong suốt cuộc tranh chấp, Agrawal đã phải trấn an các cổ đông, nhà quảng cáo và nhân viên về việc mua lại của tỷ phú giàu nhất thế giới, người vừa đồng thời công khai chỉ trích nền tảng và bản thân ông.

Hồi tháng 5, Musk và Agrawal dường như đã công khai đối đầu trên Twitter liên quan đến những tuyên bố của CEO Tesla về các thư rác. Agrawal đã đăng một chuỗi tweet cố gắng giải thích sự phổ biến của các tài khoản giả mạo và thư rác trên nền tảng và nỗ lực của công ty để định lượng và giải quyết chúng; đáp lại, vị tỷ phú chỉ đưa một biểu tượng hình đống phân.

Mối bất hoà giữa hai bên

Twitter – mà nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng có thể sẽ ở thế trên nếu vụ tranh chấp được đưa ra xét xử – đã tìm cách yêu cầu một thẩm phán buộc Musk phải tuân theo thỏa thuận mua lại. Trong trường hợp đó, có vẻ như Musk sẽ không giữ Agrawal làm CEO hoặc bản thân Agrawal sẽ không chọn ở lại.

Trong một cuộc trao đổi tin nhắn với Dorsey vào tháng 4 sau khi thỏa thuận được ký kết, Musk cho rằng ông sẽ không thể làm việc với Agrawal. “Parag đang tiến quá chậm và cố gắng làm hài lòng những người sẽ không bao giờ thoả mãn cho dù anh ta có làm gì đi nữa”, Musk nói trong một văn bản.

Nếu Musk tiếp quản công ty và Agrawal bị sa thải, Agrawal có thể nhận được khoản thanh toán trị giá hàng chục triệu USD, bao gồm cả khoản bồi thường cho các quyền chọn cổ phiếu của mình.

Nhưng ngay cả khi Musk thắng, hoặc hai bên đồng ý về một thỏa thuận cho phép Musk huỷ bỏ giao dịch, Klepper cho biết việc Agrawal tiếp tục làm CEO có thể là một mục tiêu lâu dài. Trong trường hợp Musk huỷ kèo, cổ phiếu của Twitter có thể bị ảnh hưởng. Công ty cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự đối với hoạt động kinh doanh của mình, cùng với khả năng suy thoái trong bối cảnh về một tương lai bất định với với Musk.

“Họ có rất nhiều thứ cần thay đổi”, tỷ phú Musk đưa quan điểm: “Điều đầu tiên họ cần làm là có nhà lãnh đạo mới với một người có kinh nghiệm xoay chuyển”.

Khó khăn ở khắp mọi nơi

Khi cuộc chiến pháp lý với Musk nóng lên, Twitter lại bị giáng một đòn khác: Peiter “Mudge” Zatko, cựu Giám đốc an ninh của công ty và là một nhân vật được đánh giá cao trong thế giới an ninh thông tin, đã công khai đệ đơn tố cáo .

Zatko cáo buộc công ty có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đe dọa người dùng, nhà đầu tư và an ninh quốc gia Mỹ. Ông cũng cáo buộc rằng, nền tảng có nguy cơ bị nước ngoài can thiệp và các lãnh đạo của nó, bao gồm cả Agrawal, đã đánh lừa các cơ quan quản lý và hội đồng quản trị của chính công ty.

Vào tháng 1, Ủy ban kiểm toán của Hội đồng quản trị Twitter đã mở một cuộc điều tra về những lo lắng của Zatko.

Theo Twitter, cuộc điều tra kết luận những cáo buộc của Zatko là vô căn cứ và người này bị sa thải vì hiệu suất kém. Trong khi đó, Zatko khẳng định mình bị sa thải để “trả đũa” vì đã lên tiếng.

Tuy nhiên, những tố cáo của cựu lãnh đạo công ty đã gây ra một chú ý lớn hơn đối với công ty và Agrawal. Đầu tháng này, các thành viên hàng đầu của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã gửi cho Agrawal một lá thư thu thập thông tin và yêu cầu phản hồi trước ngày 26 tháng 9. Không rõ liệu Twitter có trả lời bức thư hay không.

Trong cuộc điều trần tại Thượng viện với Zatko, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley đã chỉ trích Agrawal vì không chấp nhận lời mời làm chứng cùng với người tố giác. Theo Grassley, Twitter từ chối cung cấp thông tin về Agrawal trong bối cảnh họ lo ngại rằng lời khai của ông có thể gây nguy hiểm cho vụ kiện tụng đang diễn ra của công ty với Musk.

Nguồn: https://ndh.vn/lam-giau/parag-agrawal-vi-ceo-den-dui-cua-twitter-1325549.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *