Phá hoại di sản là cắt đứt quan hệ với quá khứ, tự xóa đi trí nhớ của chính mình

Trần Quí Thanh 

Ụ đất là khu di tích lò gốm giờ đây đã bị che lấp (tháng 1.2018). Ảnh tư liệu Vietnamnet

 —–

Nhìn những hình ảnh ghi lại cảnh Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi 300 năm ở Sài Gòn bị san phẳng, tui lặng cả người, cảm giác buồn và nuối tiếc như mất một kỷ niệm gì đó rất quý báu của riêng mình.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng không được quản lý tốt, để nó bị lụi tàn. Sự phá hoại ở đây không phải do thiên nhiên, mà hoàn toàn do con người. Khó có thể phục dựng lại được di tích này, bởi vì sự phá hoại đã đến mức “tuyệt điệt”.

Không riêng gì Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi, mà nhiều vốn quý vố giá đã dần dần bị lụi tàn. Có di tích vì buông lỏng quản lý để dân lấn chiếm, xâm hại, có công trình bị phá dở vì những mưu lợi trước mắt, kể ra không hết.

Những công trình được dư luận lên tiếng bảo vệ nên các nhà quản lý quyết định giữ lại như Dinh Thượng Thư ở Sài Gòn, Dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt là một sự may mắn, còn những “số phận” khác khá bi thảm và Lò gốm cổ Hưng Lợi chỉ là một trong số đó.

Thời gian qua, có lẽ vì tất tả chạy theo chuyện kiếm tiền, phát triển kinh tế, các địa phương nóng ruột tìm nguồn thu nên quên lãng việc giữ gìn tài sản văn hóa. Nhưng đó là một sai lầm rất lớn, để đến khi bình tĩnh soát xét lại, thì không thể cứu vãn được nữa. Từ chuyện Lò gốm cổ Hưng Lợi và một số di tích bị đe dọa mới đây, cần phải thay đổi nhận thức và hành động.

Xin mở ngoặc thêm một chuyện, đó là hơn 20 kiến trúc sư ký tên vào “Đơn đề nghị cứu xét” gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, kiến nghị tạm dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng Di sản Quốc gia. Nhà thờ Bùi Chu chưa được công nhận là di sản quốc gia, nhưng theo đánh giá dựa trên các quy định về xếp hạng công trình di tích của Việt Nam thì đây là di sản văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. Chính vì vậy, sự lên tiếng của cộng đồng cũng rất thuyết phục. Và qua đó, đã có quyết định tạm dừng hạ giải từ phía nhà thờ. Xin đóng ngoặc.

Có nghĩa là, một khi có sự quan tâm của toàn xã hội, thì sẽ có sự tác động tích cực và hiệu quả trong việc bảo vệ di tích, di sản văn hóa.

Các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa, trí thức xã hội đều khẳng định rằng, xây một building hôm nay dù to lớn mấy cũng không thể thay thế được một di sản văn hóa.

Con người hôm nay phá hoại di sản đồng nghĩa với sự cắt đứt với quá khứ, tự xóa đi trí nhớ của chính mình. Hãy tỉnh thức trước khi quá muộn.

 

Sài Gòn ngày 03/07/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Di tích lò gốm 300 năm ở Sài Gòn bị san phẳng như thế nào?

(https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/di-tich-lo-gom-300-nam-o-sai-gon-bi-san-phang-nhu-the-nao-116213.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *