Phải giám sát lời hứa của Trung Quốc

Quỳnh Trung/ Báo Tuổi Trẻ

Một đoạn sông Mê Kông. (Ảnh: luxurycruise, Mê Kông.com)

—–

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không phải là chuyện đâu đó xa vời, mà nó đang tác động từng ngày lên trái đất, đặc biệt là các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có Việt Nam.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Utecht, Hà Lan khi thực hiện Dự án nghiên cứu Thăng trầm (Rise & Fall) công bố năm 2019, ĐBSCL đang chìm dần khi mỗi năm sụt lún 20 – 30 mm, theo đà này 100 năm nữa mặt đất chỉ cao hơn 0,45 m so với mực nước biển.

Sụt lún ở ĐBSCL sẽ dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sâu, đất nuôi trồng thủy sản và trồng trọt bị nhiễm mặn, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của hơn 17 triệu dân vùng này.

Khó khăn của ĐBSCL là tác động tiêu cực từ ba phía, một là sụt lún lở đất, hai là mặn xâm nhập sâu, ba là không chủ động được nguồn nước sông Mekong.

Hiện nay phía thượng nguồn sông Mekong, các nước xây dựng nhiều đập thủy điện và hồ trữ nước nhân tạo khiến cho nguồn nước chảy về hạ lưu bị khan hiếm, trong đó Việt Nam ở cuối nguồn. Những trận hạn hán khốc liệt của ĐBSCL mấy năm qua có nguyên nhân từ thiếu nguồn nước của sông Mekong.

Ủy hội sông Mekong (MRC) đưa ra những cảnh báo về khô hạn năm nay và mong chờ các quốc gia thượng nguồn cùng chia sẻ nguồn nước, đặc biệt là cam kết từ phía Trung Quốc.

Trần Quí Thanh

—-

Trong 30 năm qua Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước để phục vụ lợi ích quốc gia.

Hội nghị Mekong – Lan Thương lần 3 ngày 24-8 diễn ra trong thời điểm các đập thủy điện và hồ trữ nước nhân tạo của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra dòng chảy thấp kỷ lục ở Mekong trong 2 năm liên tiếp và tình trạng hạn hán nặng nề ở các quốc gia hạ nguồn.

Báo cáo ngày 7-8 của Ủy hội sông Mekong (MRC) dự báo khô hạn nghiêm trọng sẽ gia tăng cường độ tại các phụ lưu sông Mekong ở khu vực đông bắc Campuchia. Đặc biệt, mực nước tại Biển Hồ ở mức thấp nhất từ năm 1997. Bên cạnh đó, MRC cũng dự báo khô hạn đối với miền trung Lào và đông bắc Thái Lan.

MRC cũng kiến nghị nếu dòng chảy vẫn ở mức thấp, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước như năm 2016, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016, mà ĐBSCL của Việt Nam là “nạn nhân” chính, các chuyên gia phân tích có hai nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Đầu tiên là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Hai là lượng nước đổ về ĐBSCL từ sông Mekong bị giảm mạnh do hệ thống các đập thủy điện được nhiều quốc gia xây dựng trên dòng chính của con sông.

Tháng 4-2016, Trung Quốc thông báo sẽ xả nước ở đập thủy điện Cảnh Hồng để giúp chống hạn ở hạ lưu sông Mekong. Tuy nhiên, ông La, trạm trưởng trạm thủy văn Cảnh Hồng, xác nhận với phóng viên Tuổi Trẻ rằng lượng nước xả của Trung Quốc chỉ là 2.300m3/s, thấp hơn nhiều so với lượng xả nước từ đập này vào tháng 6-2015 là 3.800m3/s. Hơn 4 năm sau, hơn chục con đập thủy điện của Trung Quốc chắn ngang thượng nguồn sông Mekong tiếp tục bị giới chuyên gia cho là nguyên nhân gây hạn hán. Ấy thế mà giới nghiên cứu Trung Quốc lại cố chứng minh điều ngược lại mới đây khi cho rằng các đập do nước này xây trên sông Mekong đang giúp giảm nhẹ hạn hán thông qua việc trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô.

Lập luận này ngay lập tức bị giới nghiên cứu quốc tế phản bác. Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), chỉ ra rằng hạn hán xảy ra cả vào mùa mưa, và báo cáo khoa học của Trung Quốc đã không đề cập điểm này. Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe Frankfurt (Đức) cũng cho rằng các đập Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán.

Mới đây, ngày 17-8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết 63% lượng nước sông của Việt Nam phụ thuộc vào các nước bên ngoài.

Do đó, để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trong bối cảnh phụ thuộc lớn vào các nước bên ngoài là bài toán nan giải. Và sự phối hợp, chia sẻ thông tin minh bạch giữa các quốc gia Mekong là vô cùng quan trọng.

Vì vậy, cần hoan nghênh việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn thượng nguồn Mekong để giải quyết tốt hơn các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như lũ lụt và hạn hán ở hạ nguồn.

Tuy nhiên, theo ông Brian Eyler, trong 30 năm qua Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước để phục vụ lợi ích quốc gia.

Do đó, các nước thành viên Mekong cũng như các tổ chức cần phải liên tục giám sát việc Trung Quốc thực thi lời hứa này, nhất là ngày 20-8 vừa qua, Việt Nam phải bị động đối phó khi Trung Quốc xả lũ hồ thủy điện Mã Đồ Sơn khiến mực nước sông Hồng tăng cao nhưng không cung cấp cho nước ta về lưu lượng nước sẽ xả.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Phải giám sát….

(https://tuoitre.vn/phai-giam-sat-loi-hua-cua-trung-quoc-20200825065200119.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *