Hải Yến/ TNCK
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát trải lòng, từ những bài học truyền thông trong quá khứ, việc chia sẻ thông tin là cần thiết để người tiêu dùng hiểu doanh nghiệp đang làm gì, phát triển tới đâu.
Việt Nam đã thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình phục hồi trước áp lực của lạm phát, chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh… Tân Hiệp Phát đối diện với những thách thức đó ra sao?
Trong những giai đoạn khủng hoảng, bối rối, người tiêu dùng thường có xu hướng lựa chọn những thương hiệu uy tín, chất lượng. Chúng tôi tập trung vào việc tạo ra những giá trị phục vụ người tiêu dùng và cho đến hôm nay, chiến lược ấy hoàn toàn đúng.
Khi trải qua khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn 2 năm đối diện với Covid-19, tôi nhận thấy thành công được đo bằng sự an toàn của tổ chức. Đó là tổ chức không sụp đổ và tiếp tục đi tới để chuẩn bị cất cánh.
Trong giai đoạn vừa qua, an toàn là cột mốc, bởi lẽ cái gì không làm chúng ta chết đi sẽ làm cho chúng ta mạnh hơn. Tuy nhiên, sẽ có nhiều thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, nên hoạt động marketing, bán hàng của doanh nghiệp cũng cần được cải tiến.
Bà vừa chia sẻ doanh nghiệp vẫn tiến lên phía trước và đang chuẩn bị cất cánh. Vậy yếu tố nào thúc đẩy Tân Hiệp Phát cất cánh?
Yếu tố quan trọng để Tân Hiệp Phát cất cánh là sự thích nghi, lắng nghe nhu cầu người tiêu dùng và thay đổi.
Dù nguyên vật liệu tăng, chúng tôi chấp nhận giá sản xuất cao nhưng vẫn ổn định giá cho người tiêu dùng. Chúng tôi hiểu trong bối cảnh các mặt hàng tăng cao thì yếu tố giá được người tiêu dùng cân nhắc. Để tồn tại, doanh nghiệp sẽ cần có những quyết định như thế để ổn định thị trường. Sau 6 tháng triển khai, chúng tôi thấy quyết định đó là đúng đắn và đang dần đi vào phát triển.
Trong quá trình phát triển thương hiệu doanh nghiệp, bà nhận thấy vai trò của truyền thông đối với Tập đoàn Tân Hiệp Phát thế nào?
Có nhiều quan điểm trái chiều về truyền thông, nhiều người nói truyền thông là con dao hai lưỡi, nhưng Tân Hiệp Phát với bài học trong truyền thông, chúng tôi đã có cải tiến. Trải qua các vấn đề, chúng tôi nhận thấy việc chia sẻ thông tin là cần thiết để người tiêu dùng hiểu doanh nghiệp đang làm gì, phát triển tới đâu.
Chú trọng trong quản trị thông tin, chúng tôi đào tạo sinh viên thực tập hiểu rõ các chức năng của truyền thông, marketing, định nghĩa cơ bản marketing là gì, làm những việc gì. Nhiều người nghĩ marketing là tiêu tiền, truyền thông quảng cáo tính bằng giây, nhưng cần có bài toán phù hợp chia sẻ gì tới đâu, không phải giữ thông tin kín, im lặng là tốt.
Ngày nay, sự phát triển của internet với nhiều nền tảng khác nhau, thông tin đa dạng, việc thay đổi phù hợp tiếp cận nhanh, đúng với thị trường là cần thiết. Đó cũng một trong những điểm nổi bật của Tân Hiệp Phát.
Với xu thế như vậy, Tân Hiệp Phát mong muốn tổ chức các lớp đào tạo với bước đầu tiên là các bạn thực tập sinh tiếp cận hệ thống về quy trình tài liệu chính sách của Tân Hiệp Phát có định hướng đúng, định nghĩa đúng về mặt chức năng, quản trị, tư duy.
Những định nghĩa về quản trị, khuyến khích nhân viên vượt qua giới hạn bản thân minh bạch thông tin và những thông tin cần được bảo mật thì phải hiểu bảo mật ở mức độ như thế nào, lý do tại sao nó cần bảo mật bởi có những thông tin là tài sản nên việc quản lý và ý thức về quản lý thông tin là yếu tố quan trọng.
Được biết, Tân Hiệp Phát đang là một trong những doanh nghiệp tiên phong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Để triển khai mô hình này, Tân Hiệp Phát đã phải chuẩn bị 10 năm?
Tân Hiệp Phát phát triển mô hình 3R (Reduce, Reuse, Recycling). Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần được hiệu quả nhất có thể. Đó là tiêu chí đặt ra đầu tiên.
Với yêu cầu đó, chúng tôi luôn tạo ra áp lực cho tổ chức để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu. Trong 5 năm đầu (2013 – 2018), chúng tôi liên tục cải tiến và giảm được 50.000 tấn giấy và nhựa, đó là nền tảng đầu tiên để tiếp tục vượt qua những cột mốc do chính bản thân mình đặt ra.
Áp lực bên ngoài không có, nhưng đối với trách nhiệm của một tổ chức, chúng tôi nhận thấy đây là một phần công việc của các chuyên gia, kỹ sư, nhân viên. Khi đạt được mục tiêu giảm sử dụng nguyên vật liệu, tài nguyên thiên nhiên và tạo ra niềm tự hào cho chính bản thân họ.
Bà vừa nói rằng không có áp lực từ bên ngoài với việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Vì sao Tân Hiệp Phát lại tạo sức ép cho mình đi theo mô hình phát triển bền vững, nhưng rõ ràng khó khăn hơn, đòi hỏi sự đầu tư lớn trong giai đoạn đầu?
Đối với Tân Hiệp Phát, đối thủ lớn nhất là bản thân mình, chứ không phải chờ khi có ai đó áp lực lên mình mới thay đổi. Do đó, chúng tôi chủ động đi trước rất nhiều bước và đầu tư công nghệ hiện đại từ năm 2008, khi đó chưa ai nói về công nghệ chiết lạnh, công nghệ vô trùng, cũng chưa ai đề cập đến dây chuyền khép kín hoàn toàn.
Chúng tôi triển khai từ năm 2005, sau đó đến năm 2008 và nâng cấp lên một bậc, nâng cấp về công nghệ cũng là cả thách thức lớn với chúng tôi vì các máy móc thiết bị cũ sẽ không còn sử dụng nữa. Tuy nhiên, để tổ chức phát triển và để thực hiện được cam kết cung cấp ra thị trường sản phẩm tốt nhất, chúng tôi luôn nỗ lực cải tiến.
Với nhiều biến động trên thị trường trong thời gian qua, việc doanh nghiệp chưa tập trung yếu tố thúc đẩy kinh tế tuần hoàn mà tập trung để tồn tại trước là điều dễ hiểu. Tân Hiệp Phát đã tạo nền móng đầu tiên cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp đi theo mô hình này có thể trao đổi với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tôi tin là họ sẽ không phải mất nhiều thời gian tìm tòi như Tân Hiệp Phát trong giai đoạn đầu.
Việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, theo bà, có tạo ra cú huých phát triển mới cho Tân Hiệp Phát?
Tôi cho rằng không. Xử lý rác thải nhựa hiệu quả đến từ trách nhiệm và bây giờ có thể nó chuyển thành mục tiêu kinh doanh. Chúng tôi phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một mục tiêu trách nhiệm mà chúng tôi phải làm để duy trì sự phát triển chung với cộng đồng.
Thế giới đi trước Việt Nam hàng chục năm trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Việt Nam trong dòng chảy tương lai giống với thế giới đã trải qua. Bà đã đem câu chuyện kết nối, dẫn dắt đầu tư để phát triển Tân Hiệp Phát thế nào?
Tôi nghĩ rằng, không nhất thiết chúng ta khởi đầu chậm, mà cần thời gian dài như các đơn vị khác, bởi chúng ta có thể tiết kiệm và dùng chiến lược khác. Ví dụ, bạn Thanh Vũ đạt giải vô địch thế giới ở cự ly siêu bền 2.260 km.
Trước đây bạn ấy đều tham gia half ironman, chưa bao giờ tham gia giải full ironman, nhưng khi tham gia giải full, bạn đã làm được. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ theo kịp nếu tập trung và đủ nguồn lực, ra kế hoạch cụ thể.
Mục tiêu 5 năm tới, Tân Hiệp Phát sẽ như thế nào trên bản đồ doanh nghiệp thế giới?
Chúng tôi sẽ làm hết sức, kết quả sẽ đến một cách tự nhiên và chúng tôi trân trọng, thú vị với quá trình. Mục tiêu lớn mà Tân Hiệp Phát đề ra là trở thành doanh nghiệp hàng đầu châu Á. Chúng tôi có thể thực hiện mục tiêu này trong 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm. Quan trọng là có cơ hội, chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn nguồn lực để chớp cơ hội khi nó đến.
Việc nuôi dưỡng khát vọng, trung thành với tầm nhìn sứ mệnh là điều đang diễn ra ở Tân Hiệp Phát. Chúng tôi muốn lan tỏa điều ấy đến nhiều doanh nghiệp như thế, tạo nên dấu ấn để có mô hình doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/pho-tong-giam-doc-tan-hiep-phat-tran-uyen-phuong-truyen-thong-chia-se-thong-tin-doanh-nghiep-la-rat-quan-trong-post306464.html