Trần Quí Thanh
—–
Australia ngập trong biển lửa, cả thế giới theo dõi tình hình cháy rừng ở Australia và cầu mong một cơn mưa. “Pray for Australia”, nguyện cầu cho nước Úc.
Nhìn những con chuột túi bị thiêu cháy chết đứng, những chú gấu Koala tội nghiệp xoay xở trong khói lửa, ai cũng thương cảm đến rơi nước mắt. 2/3 số gấu Koala của đất nước này chết cháy, quá thảm thương…
Những cảnh báo về biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ozon dường như bị nhân loại bỏ ngoài tai. Các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà hoạt động môi trường gào khản cổ, nhưng xem ra không mấy động tâm đến đa số con người trên trái đất này.
Và trận cháy rừng khủng khiếp ở Australia có lẽ đã làm tỉnh thức nhiều người. Vì sao nắng nóng cực độ và kéo dài dẫn đến thảm họa, là vì nhiều nơi trên thế giới phá rừng, hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Những hành vi ứng xử tiêu cực của con người với thiên nhiên đã nảy sinh những hậu quả tàn khốc, báo chí Australia gọi là “hỏa ngục khổng lồ”.
Chưa kể, những trận lũ lụt diễn ra khắp nơi, cho thấy thiên nhiên nổi giận thì không thể tưởng tượng được hậu quả mà con người phải gánh chịu.
Sự bất lực của một đất nước văn minh tiên tiến trước nạn cháy rừng đủ để nhân loại nhận ra, đừng ngông cuồng đòi chống lại thiên nhiên, đừng tự đại cho rằng có thể “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Con người rất bé nhỏ trước thiên nhiên, con người chỉ có cách sống hòa thuận với đất trời, cư xử lịch sự với vạn vật.
Australia bị thảm họa cháy rừng đương nhiên quốc gia này phải gánh chịu những thiệt hại ghê gớm, nhưng đừng quên cả thế giới đều chịu ảnh hưởng. Sự mất cân bằng sinh thái ở một quốc gia sẽ gây mất cân bằng sinh thái cho trái đất, và ngược lại, thêm một lá phổi xanh ở một quốc gia, sẽ giúp cho con người trên địa cầu này hít thở trong lành hơn.
Bhutan có diện tích rừng bao phủ 70% diện tích quốc gia, là lá phổi chung cho nhiều nước chung quanh. Tương tự, những quốc gia xanh như Costa Rica, Singapore, Thụy Sĩ, cũng giúp cân bằng được một phần khuyết tật do phá rừng khắp nơi.
Do vậy, cầu nguyện cho Australia là nguyện cầu cho tất cả chúng ta, cho cả thế giới nhiều nông nổi này.
Nhưng cầu nguyện thôi chưa đủ, nước mắt của 7 tỉ người cũng không đủ để dập tắt một đám cháy nhỏ. Hãy hành động, từ những ứng xử đơn giản nhất cho đến những chương trình quy mô lớn để bảo vệ thiên nhiên.
Đừng vứt rác bừa bãi, trồng thêm cây xanh, đừng đánh đổi một nhà máy bằng phá một cánh rừng.
Xin thêm một lời nguyện cầu cho Australia và cho chính chúng ta.
Sài Gòn ngày 07/01/2020,
TQT