Quản lý nhà nước không phải và không nên dạy doanh nghiệp cách kinh doanh

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Thưa anh,

 Em thực sự vui mừng và thực sự hãnh diện khi được anh trả lời rất nhanh. Thú thật em không ngờ nhanh đến vậy. Cứ tưởng chắc đến tết Công Gô anh mới trả lời, hi hi.

Thừa thắng xốc tới, em gởi tới anh băn khoăn này: Em thấy lâu nay các nhà quản lý cứ soạn ra các chính sách trên trời, chỉ làm khổ các doanh nghiệp chứ chẳng được gì, không ích nước cũng chẳng lợi dân. Em ví dụ Nghị định Phát triển và quản lý hệ thống ngành phân phối của Bộ Công Thương vừa ban hành mà ông xã em (cũng một doanh nghiệp Bình Dương) và bao nhiêu doanh nhân kêu rầm trời đó anh. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Lâm Thị Hiền Hoà (Sài Gòn): hienhoa_saigon@gmail.com

—–

Lâm Thị Hiền Hòa mến!

Đúng là chính anh cũng bất ngờ về dự thảo Nghị định phát triển và quản lý hệ thống ngành phân phối do Bộ Công thương chịu trách nhiệm soạn thảo. Anh lưu ý với em là Bộ Công thương chỉ soạn thảo, còn ban hành là thẩm quyền của Chính phủ. Bởi vì Nghị định là cấp Chính phủ, cấp Bộ chỉ có thẩm quyền soạn thảo và ban hành Thông tư.

Anh nói bất ngờ vì trong thời gian qua, chính Bộ Công thương tiên phong trong việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, làm cho doanh nghiệp sung sướng vô cùng. Nhưng không hiểu tại sao lại soạn thảo một Nghị định có nhiều quy định đi ngược lại với quy luật của kinh doanh và vận động của thị trường như vậy.

Một Bộ dám cải cách bằng việc loại bỏ 675 điều kiện kinh doanh, lại trói buộc siêu thị chỉ được tổ chức khuyến mãi 3 lần trong một năm và trong đợt phải giảm giá ít nhất 70% hàng hóa, phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua điện thoại, qua Internet…

Anh nói thiệt hen, về chuyện buôn bán như thế nào cho có lợi, hiểu được người tiêu dùng cần gì thì không cần Bộ nào chỉ dạy hết. Quản lý nhà nước không phải và không nên dạy doanh nghiệp cách kinh doanh. Chính doanh nghiệp, cụ thể ở đây là siêu thị, sẽ biết được khách hàng của họ cần gì. Khi nắm bắt nhu cầu của khách hàng, thì chính doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp các dịch vụ cho khách hàng. Thị trường có quy luật của nó, các bộ không cần mất thì giờ nghĩ ra quy luật, hay nói khác hơn, chính các loại giấy phép con này là đi ngược lại quy luật, làm trái với quy luật của kinh doanh và thị trường.

Diện tích của siêu thị còn tùy thuộc vào  không gian, địa điểm, giá thuê mặt bằng, nhu cầu cung cấp hàng hóa của doanh nghiệp để họ tính toán, lựa chọn. Dù ở bất kỳ trong tình huống nào, tự doanh nghiệp cũng phải biết cách làm hài lòng khách hàng, nếu không thì họ sẽ sập tiệm, quy luật cạnh tranh bắt buộc họ phải làm thật tốt để tồn tại. Nhà nước khỏi phải lo về chuyện này.

Nhưng em tin anh đi, những quy định đi ngược lại với thực tiễn và quy luật của đời sống thì  trước sau gì cũng bị loại trừ. Những phản biện liên quan đến dự thảo Nghị định này chắc chắn đã tới tai ông Bộ trưởng Bộ Công thương, thế nào ông bộ trưởng cũng lắng nghe và chỉ đạo sửa đổi. Nếu Bộ Công thương không chịu sửa thì khi trình lên Chính phủ, chắc chắn cũng sẽ có những phản biện để hoàn chỉnh. Thủ tướng có Tổ tư vấn gồm những chuyên gia kinh tế và pháp luật, sẽ có trách nhiệm gác cửa để Nghị định đạt chất lượng trước khi được ban hành.

Chúc em vui khỏe, có gì cứ liên lạc với anh nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *