Quản trị công nghệ luôn đi liền với đào tạo nguồn nhân lực

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Tạp chí Tài chính.

—–

Thưa bác Trần Quí Thanh,

Năm mới chúng cháu kính chúc bác mạnh giỏi, vui khoẻ, vạn sự như ý. Được bác khuyến khích nên chúng cháu gửi bác câu hỏi  này ạ:

Với dây chuyền sản xuất Aseptic hiện đại nhất Châu Âu, có thể nói Tân Hiệp Phát đi đầu trong việc nâng cao chất lượng công nghệ hiện đại. Xin bác giảng giải cho chúng cháu về quản trị công nghệ. Làm thế nào để nâng cao năng lực quản trị công nghệ? Kính mong bác trả lời ạ.

Lần nữa kính chúc bác mạnh giỏi.

Lê Hoà – Lê Hùng (Sài Gòn) brother_sg2011@gmail.com

—–

Lê Hòa – Lê Hùng mến!

Trước hết, bác xin đính chính là với dây chuyền Aseptic, Tân Hiệp Phát đi đầu trong việc nâng cao chất lượng công nghệ trong ngành sản xuất đồ uống, bởi vì ở các lĩnh vực khác, nhiều doanh nghiệp cũng tiếp cận công nghệ hiện đại.

Về câu hỏi của hai cháu, bác trao đổi cụ thể thế này:

Ở thời đại này, không chọn cách đi bằng tiếp cận công nghệ mới có nghĩa là lựa chọn sự thất bại. Chỉ có công nghệ mới tạo ra sản phẩm cạnh tranh, chất lượng cao, giá thành phù hợp và tiết kiệm nhân công.

Để sở hữu một dây chuyền công nghệ không chỉ là đầu tư một số tiền, mà quan trọng là năng lực quản trị, chủ động khai thác được dây chuyền công nghệ đó.

Đã là công nghệ hiện đại đương nhiên hệ thống điều hành và thiết bị máy móc kỹ thuật được tổ chức ở trình độ cao, chủ yếu là tự động hóa, số hóa, robot thế hệ mới, chưa kể có các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Do đó, cần có đội ngũ kỹ sư chuyển giao và vận hành được dây chuyền công nghệ.

Bác lưu ý với các cháu, có nhiều dự án lớn, khi nhập dây chuyền công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài vận hành, họ lấy lương rất cao. Lương một chuyên gia cao gấp mười đến hai mươi lần lương kỹ sư trong nước.

Lực lượng kỹ sư tiếp nhận và khai thác công nghệ phải có trình độ cao, làm chủ được dây chuyền công nghệ, không những trong sản xuất mà kể cả khi xảy ra sự cố thì cũng đủ khả năng xử lý. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài, thì khi gặp sự cố, phải thuê mướn chuyên gia, vừa tốn kém, vừa mất thời gian, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Quản trị công nghệ luôn đi liền với đào tạo. Kỹ sư, công nhân kỹ thuật phải luôn luôn được huấn luyện, tiếp thu cái mới, tham gia được vào quy trình sản xuất. Có máy móc hiện đại mà không có con người vận hành hoặc khai thác không hiệu quả là lãng phí. Đào tạo nguồn nhân lực chính là nâng cao năng lực quản trị công nghệ.

Một khâu rất quan trọng của quản trị công nghệ là nghiên cứu phát triển công nghệ. Các cháu phải nhận thức rằng, một dây chuyền công nghệ dù hiện đại cỡ nào thì chắc chắn sẽ bị lạc hậu, vấn đề là thời gian, vì thế cần phải nghiên cứu phát triển trên nền tảng có sẵn. Đây là quá trình thường xuyên, liên tục, và muốn làm được thì phải có đội ngũ nhân sự giỏi.

Chúc các cháu thành công.

 

Trần Qúi Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *