Nguyễn Khắc Giang/ TBKTSG
Ngày 18-5 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm lấy ý kiến xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Cách đặt vấn đề như vậy, một cách tự nhiên, sẽ đưa đến câu hỏi là từ trước đến nay chúng ta ứng xử theo quy tắc nào khi online?
Gần 20 năm sau khi Yahoo Messenger và Blog 360 “đổ bộ” vào Việt Nam, mạng xã hội từ không gian riêng biệt của giới trẻ sành công nghệ, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tốc độ phát triển người dùng mạng xã hội nhanh nhất, ước tính có đến 55 triệu người dùng, chiếm 57% dân số. Trung bình một ngày người Việt dành 2,5 giờ để sử dụng mạng xã hội, một con số không hề nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều “cư dân mạng” chỉ coi mạng xã hội là sân chơi giải trí đơn thuần, mà không nhận ra đó thực chất đã là một không gian công cộng khổng lồ, nơi mối quan hệ giữa người với người không chỉ dừng lại ở các nút like (thích), comment (bình luận), và share (chia sẻ). Mạng xã hội có thể tạo ra tiền qua các kênh bán hàng online. Mạng xã hội có thể dựng vợ gả chồng qua các ứng dụng hẹn hò. Và mạng xã hội cũng có thể giết người bằng ức hiếp trên mạng (cyberbullying), tin giả (fake news), hay lừa đảo công nghệ.
Không gian công cộng nào cũng cần được điều chỉnh bởi quy tắc và luật lệ, mạng xã hội cũng không phải là ngoại lệ. Nếu như pháp luật đặt ra giới hạn về hành vi với chế tài cụ thể, quy tắc ứng xử là thể chế mềm, chỉ ra phải – trái – đúng – sai nhưng không có cơ chế ép buộc cá nhân phải tuân theo. Thay vào đó, quy tắc ứng xử vận hành bằng sức ép dư luận. Chính vì vậy, đâu đó trong lịch sử vẫn có một vài cá nhân vượt lên khuôn khổ của thời kì họ sống nhưng không bị pháp luật trừng phạt.
Quy tắc ứng xử thay đổi theo không gian và thời gian: mỗi một xã hội vào từng thời kỳ phát triển sẽ có những quan niệm ứng xử khác nhau. Trong thời kỳ toàn cầu hóa khốc liệt, nơi các nền văn minh đan xen phức tạp như hiện tại, hầu như không tồn tại một bộ quy tắc chuẩn mực cho tất cả ngay chỉ trong phạm vi một quốc gia. Ví dụ như chuyện sống thử trước khi kết hôn: nhiều người trung niên sẽ kịch liệt phản đối, nhưng thế hệ 9x có thể sẽ nhún vai và coi như là chuyện thường ngày ở huyện.
Nói vậy để thấy, xây dựng được một bộ quy tắc phổ quát, với sự đồng thuận của đa số, là không hề dễ dàng. Một bộ quy tắc không mang tính ràng buộc thì chỉ dùng để thuyết phục “cư dân mạng” thay đổi thái độ và thói quen sử dụng. Nhưng ngay cả nhiệm vụ đó cũng sẽ rất khó khăn.
Chúng ta đều đồng ý mọi người đều phải biết ứng xử phù hợp trên mạng xã hội, nhưng mức độ “phù hợp” của từng đối tượng lại khác nhau. Một công chức nhà nước nhất định sẽ chịu ràng buộc nhiều hơn về những thông tin, quan điểm anh ta chia sẻ trên Facebook, nhưng sẽ không có nhiều hạn chế như vậy với một người làm nghề tự do.
Ưu tiên nên là thúc đẩy các mạng xã hội thực hiện nghiêm túc những “tiêu chuẩn cộng đồng” của riêng họ, thay vì tốn công sức tạo ra những “tiêu chuẩn” mới. Những hành vi vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” sẽ bị các nhà mạng xử lý, còn Nhà nước chỉ nên can thiệp nếu hành vi vượt quá giới hạn pháp luật cho phép. |
Để giải quyết vấn đề đó, mỗi tổ chức sẽ phải tự xây dựng “bộ quy tắc” phù hợp với đặc thù hoạt động của mình. Hiện tại, hầu hết các thể chế lớn đều tự ban hành những quy chuẩn ứng xử riêng cho nhân viên, với mức độ ngặt nghèo phụ thuộc vào từng đối tượng. Điều này gắn liền với đặc điểm quan trọng nhất của một bộ quy tắc ứng xử: chúng mang tính bán tự nguyện. Thành viên buộc phải chấp hành quy tắc của tổ chức, nhưng nếu không muốn, họ vẫn còn lựa chọn từ bỏ tổ chức đó. Bởi vậy, Nhà nước có thể đưa ra quy tắc cho nhân viên của mình, nhưng không nên áp đặt toàn bộ công dân phải làm theo, nếu họ không phạm pháp.
Khi Nhà nước đích thân tham gia xây dựng, sẽ nảy sinh ra vấn đề thứ hai: “Bộ quy tắc ứng xử” này có ý nghĩa pháp lý như thế nào? Nếu do Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, nó có mang tính cưỡng chế thi hành cho các đối tượng điều chỉnh hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu một bên vi phạm “Bộ quy tắc ứng xử” đó? Ai kiểm soát được nguy cơ tăng thêm gánh nặng quản lý hành chính, gây tốn kém chi phí cho nhà nước và phiền nhiễu với doanh nghiệp?
Lý lẽ cho bộ quy tắc ứng xử mà cơ quan chức năng đưa ra như “thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, đồi trụy, kích động bạo lực phát tán tự do” thực chất thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Trên thực tế, việc xử lý hành chính, và thậm chí là khởi tố hình sự, những cá nhân sử dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật đã diễn ra vài năm nay.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng ngay chính các mạng xã hội cũng đều có các “tiêu chuẩn cộng đồng” (community standards) mà người dùng buộc phải đồng ý khi gia nhập. Những văn bản này thường bao hàm đầy đủ những vấn đề tiêu cực của mạng xã hội mà các cơ quan chức năng đề cập. Chính vì thế, ưu tiên nên là thúc đẩy các mạng xã hội thực hiện nghiêm túc những tiêu chuẩn cộng đồng của riêng họ, thay vì tốn công sức tạo ra những “tiêu chuẩn” mới. Những hành vi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng sẽ bị các nhà mạng xử lý, còn Nhà nước chỉ nên can thiệp nếu hành vi vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.
Không gian mạng xã hội trong thời điểm hiện nay không khác gì “miền Tây hoang dã”, nơi bùng nổ những cơ hội mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sau những xì căng đan tin giả và lộ bí mật thông tin cá nhân trên Facebook trong hai năm trở lại đây, các quốc gia đang loay hoay tìm cách quản lý thế giới số khổng lồ này. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Nhà nước phải lấn quá sâu vào những vấn đề mà mạng xã hội có thể tự điều chỉnh như quy tắc ứng xử.
Nguồn: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Có cần bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?
(http://www.thesaigontimes.vn/2