Rời ghế sớm!

Hữu Khá/ Báo Tuổi Trẻ

—–

Chỉ thời gian ngắn sau khi để xảy ra các vụ việc “lùm xùm” tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc sở này, đang được các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Nam làm thủ tục cho nghỉ công tác.

Động thái thay thế một giám đốc sở khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là cần thiết đối với cán bộ hạn chế về năng lực, uy tín thấp.

Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ quản lý năng lực yếu, uy tín thấp và không còn xứng đáng với chức vụ đang đảm nhiệm.

Thực tế ở nước ta đã có quy định để mở đường cho việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, quản lý năng lực hạn chế, có uy tín thấp. Nhưng trên thực tế, số cán bộ có năng lực yếu hoặc uy tín thấp xin từ chức hoặc bị cho nghỉ công tác là rất hiếm. Đã hiếm, nhưng nếu có những trường hợp như vậy, lý do đưa ra thường là bản thân… sức khỏe kém, trong khi thực tế các vị đang “dính vết” hoặc đang bị thanh tra, kiểm tra do liên quan trách nhiệm mình quản lý.

Quán tính này càng khiến việc giữ ghế cho hết nhiệm kỳ, hoặc đến tuổi hưu trở thành “thói quen” ở một số người đứng đầu, cán bộ giữ các vị trí quan trọng dù họ thừa biết bản thân mình năng lực yếu kém, uy tín thấp, không gương mẫu, phẩm chất đạo đức có vấn đề.

Vì thế phải mạnh tay hơn nữa xóa bỏ quán tính, thói quen này. Thay vào đó, cán bộ đương chức phải có thói quen “rời ghế” nếu không còn đủ uy tín, năng lực. Bộ Chính trị đã ban hành quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, theo đó những người còn đương chức nhưng không xứng đáng với chức vụ mình đang đảm nhiệm thì phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm.

Nói về việc cán bộ năng lực yếu, uy tín giảm, ông Nguyễn Chín – trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam – cho rằng vừa qua tỉnh Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có quy định “mở đường” cho cán bộ chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp. Đối với các trường hợp cán bộ chưa đến mức xem xét miễn nhiệm hoặc kỷ luật nhưng giảm sút uy tín, không thể tiếp tục đảm trách chức vụ thì cũng tạo điều kiện cho nghỉ sớm.

Có hai phương án đặt ra, một là khi cán bộ không còn đảm đương chức vụ đó thì điều chuyển qua một chức vụ phù hợp hơn hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Như vậy, theo tinh thần này, việc nhanh chóng thay thế một vị giám đốc sở có uy tín thấp của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam được xem là động thái tích cực.

Cứ thử so sánh, để một vị giám đốc, người đứng đầu không còn uy tín tại vị, với việc nhanh chóng đưa vị đó rời ghế lãnh đạo và thay vào một người khác đủ năng lực, có uy tín, người dân sẽ chọn ai? Chắc chắn, người dân sẽ ủng hộ người có năng lực, uy tín.

Còn để ông X, bà Y cố giữ ghế, làm sao có thể điều hành, rất khó tâm phục khẩu phục khi họ đã xử lý yếu vấn đề C, dính phốt vụ D…

Ngược lại, người lãnh đạo đủ uy tín, có năng lực, có thể tạo sự đồng lòng, đồng thuận trong triển khai công việc, được như thế có lợi cho dân.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Rời ghế sớm!

https://tuoitre.vn/roi-ghe-som-20211228074350166.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *