Sản xuất được vắc xin mới là chủ động toàn diện trong cuộc chiến chống COVID-19

Việt Trung/ Báo Phụ nữ TP HCM

Tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax tại Học viện Quân y

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra chiến lược chống “giặc COVID-19” từ phòng ngự sang chủ động tấn công. Đây là một chiến lược đúng đắn, nhưng muốn tấn công thì phải có vũ khí, không thể đánh giặc bằng tay không.

Và chúng ta phải xác định rằng, vũ khí ở đây chính là vaccine.

Không có vaccine, chúng ta luôn rơi vào thế bị động, dù 5 K hay 7 K cũng bị con virus SARS-CoV-2 đẩy vào mối nguy hiểm cùng với nỗi lo thường trực. Dập được ổ dịch này lại bùng ổ dịch khác, không bao giờ tự tin hoàn toàn được.

Nhìn ra thế giới, Mỹ là nước bị dịch COVID-19 nặng nề nhất, số người bị nhiễm và số người tử vong đều cao. Nhưng khi họ chủ động được vaccine thì tình thế hoàn toàn thay đổi. Đến nay, nước Mỹ tuyên bố người đã tiêm vaccine không cần đeo khẩu trang, họ có thể ung dung đi giúp các nước khác chống dịch, cụ thể là tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 nước, trong đó có Việt Nam.

Các nước khác như Israel và cộng đồng châu Âu, khi chủ động được nguồn vaccine và tiêm cho số đông dân chúng, họ trở lại cuộc sống bình thường, từ 1.7, nhiều nước mở cửa du lịch, giao lưu quốc tế.

Không chỉ châu Âu mà châu Á, Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, đã áp dụng “hộ chiếu vaccine” để đón tiếp du khách và các nhà đầu tư. Vậy thì, rõ ràng chìa khóa để mở cách cửa đi ra với thế giới cũng là vaccine.

Nhưng vaccine từ đâu?

Hiện nay Việt Nam đã và đang đàm phán với các hãng sản xuất vaccine COVID-19 và chốt được con số ít nhất là 150 triệu liều và kế hoạch là nhập về trong năm 2021. Số vaccine này đủ để tiêm cho 70% dân số và quả thực nếu về kịp trong năm nay thì quá lý tưởng.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 rất phức tạp, các biến chủng của nó làm cho thế giới suy vi, thì sự chủ động vaccine là việc mà chúng ta phải làm cho bằng đươc. Đi mua vaccine vừa tốn kém quá nhiều tiền, vừa bị động về thời gian và thời cơ dập dịch.

Ngay từ lần bùng dịch đầu tiên năm 2020. Chính phủ đã có chủ trương ngay lập tức là nghiên cứu sản xuất vaccine, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa ra được sản phẩm.

Vừa qua, Bộ Y tế chính thức phê duyệt thử nghiệm vaccine NanoCovax giai đoạn 3, đây là thông tin rất đáng vui mừng. Hy vọng sẽ có sớm có sản phảm “make in Việt Nam” đúng như khẩu hiệu mà Việt Nam đã hô hào suốt mấy năm qua.

Trần Quí Thanh

—–

Nếu nhìn lại cuộc chiến của toàn thế giới chống lại dịch bệnh chết chóc đang hoành hành khắp nơi trên hành tinh này chúng ta thấy rõ một điều: quốc gia nào có vắc xin khá đầy đủ, quốc gia đó chiến thắng một cách chủ động và tuyệt đối, như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga…

Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng COVID-19 tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình được thực hiện với mục đích lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của người dân chung tay vì cả nước, vì sức khỏe của chính mình, người thân và đồng bào; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có vắc xin để ngăn chặn đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, để thực hiện mua và tiêm 150 triệu liều vắc xin thì cần hơn 25 ngàn tỷ đồng. “Nhiệm vụ chính của Quỹ là tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ để hỗ trợ, tài trợ hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định”.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra vào chiều muộn 3/6, đại diện Bộ Tài chính thông tin, Quỹ vắc xin COVID-19 đã tiếp nhận hơn 3.000 tỷ đồng tiền ủng hộ từ người dân. Trong thực tế, người dân hiểu rằng Chính phủ không thiếu tiền mua vắc xin, vì 25 ngàn tỷ đồng chỉ bằng TPHCM thu ngân sách trong vòng 20 ngày. Nhưng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn chung tay với Chính phủ. Đây là điều rất đáng được trân trọng, không chỉ cho thấy nhân dân sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ để chiến thắng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường mà còn khẳng định khi Đảng, Nhà nước đặt lợi ích của nhân dân, hạnh phúc của nhân dân lên hàng đầu thì nhân dân luôn ủng hộ.

Không chỉ việc thành lập quỹ và vận động nhân dân đóng góp mua vắc xin cho toàn dân mà việc ra sức tìm kiếm nguồn cung và thương thảo mua vắc xin đủ liều cho tất cả người dân trong diện cần tiêm ngừa cũng được nhân dân đánh giá cao vì những nỗ lực đó cho thấy một Chính phủ hành động thật sự vì hạnh phúc nhân dân chứ đó không phải là khẩu hiệu suông.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại cuộc chiến của toàn thế giới chống lại dịch bệnh chết chóc đang hoành hành khắp nơi trên hành tinh này chúng ta thấy rõ một điều: quốc gia nào có vắc xin khá đầy đủ, quốc gia đó chiến thắng một cách chủ động và tuyệt đối, như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga…

Những quốc gia này đã đầu tư cho việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 ngay từ những ngày đầu khi các nhà virus học khẳng định dịch bệnh hết sức nguy hiểm. Và đương nhiên khi vắc xin thành công những quốc gia này được ưu tiên cung cấp nguồn vắc xin cho chính mình. Chúng ta có gào lên rằng việc phân phối vắc xin COVID-19 không được phân biệt chủng tộc thì cũng không công bằng cho họ.

Câu chuyện đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc xin cũng cho thế giới một bài học rằng trong thời gian qua chúng ta chỉ chạy theo việc chữa bệnh mà chưa chú trọng việc phòng ngừa bệnh, cụ thể là đầu tư cho vắc xin các loại. Nên khi virus chết người xuất hiện, thế giới vô cùng bối rối và lúng túng trong những ngày đầu.

Việt Nam chúng ta cũng đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất vắc xin COVID-19 ngay từ những ngày đầu, các nhà khoa học gần như chạy đua không ngừng nghỉ với thời gian và với chính virus SARS-CoV-2 và nay chúng ta đã có được thành công bước đầu.

Điều này khẳng định chúng ta đã đi đúng hướng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2021 cũng khẳng định chúng ta phải chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công trong cuộc chiến này.

Đây cũng là quyết định sáng suốt mà ngay từ lúc mới nghe Thủ tướng phát biểu nhiều người chưa hiểu cho rằng viễn vông. Thế tấn công là chúng ta phải chủ động và chủ động được hiểu là phải có vắc xin. Và trong bối cảnh hiện nay, việc mua vắc xin mới chủ động một nửa vì có tiền chưa chắc chúng ta có được vắc xin. Vậy chủ động toàn diện chắc chắn phải là sản xuất được vắc xin.

Trong khi việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin đòi hỏi một nguồn kinh phí không hề nhỏ, cần một sự đầu tư dài hơi, để không phải chỉ là sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 mà còn để đối phó với nhiều virus chết người khác nữa trong tương lai – đó mới nên là mục đích cuối cùng của việc lập ra một quỹ vắc xin. Việc kêu gọi thành lập Quỹ vắc xin COVID-19 là hết sức cần thiết, nhưng trong tương lai cần có một quỹ vắc xin để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa những đại dịch trong ngày mai mà các nhà khoa học cảnh báo có thể mức độ nguy hiểm còn gấp nhiều lần đại dịch COVID-19.

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Sản xuất…

https://www.phunuonline.com.vn/san-xua-t-du-o-c-va-c-xin-mo-i-la-chu-do-ng-toan-die-n-trong-cuo-c-chie-n-cho-ng-covid-19-a1436276.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *