Thành Dương/ Báo VnExpress
—–
Trong các bài viết gần đây, tui ưu tiên cho đề tài về các hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp và được các bạn trẻ quan tâm theo dõi. Các start up quan tâm đến đề tài này là lẽ dĩ nhiên, bởi vì biết được sự hạn chế để xử lý nó là thêm một cơ hội để thành công.
Tui đã nói đến các hạn chế: Một là không tiếp cận được các nguồn vốn; hai là hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động vay vốn và mở các ngành nghề mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ; ba là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo báo cáo của Google, ước tính đến năm 2025, nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 300 tỉ USD, trong đó Việt Nam đạt 43 tỉ USD, xếp sau Indonesia và Thái Lan. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, nếu như tạo được hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp chất lượng hơn thì Việt Nam sẽ thay đổi thứ hạng, vượt qua Thái Lan và Indonesia.
Trong bài “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ là việc của doanh nghiệp”, tui đã nói rõ, việc xây dựng hệ sinh thái chất lượng cao là trách nhiệm của nhà nước, không chỉ riêng sự nỗ lực của cộng đồng.
Bởi vì, xây dựng pháp luật, tạo ra thể chế, cơ chế, chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là việc của nhà nước.
Mời các bạn đọc thêm bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trần Quí Thanh
—–
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Giám đốc Quốc gia (Việt Nam, Lào và Campuchia) của Google cho rằng nguồn vốn ít, thiếu hụt nhân tài cùng hành lang pháp lý chưa theo kịp đang kìm chân startup.
Những nhận định trên được bà Nguyễn Quỳnh Trâm đưa ra tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 vừa diễn ra. Theo bà Việt Nam là một quốc gia đầy sức sống và muốn thử nghiệm những công nghệ mới. Thị trường kinh tế số của Việt Nam trị giá 9 tỷ USD năm 2018, do đó tiềm năng còn rất lớn.
“Nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là một con số khiêm tốn thì hãy nhìn vào tốc độ tăng trưởng suốt ba năm qua. Đến nay, con số đã tăng gấp 3 lần so với 2018”, bà Trâm nói.
Dù khẳng định thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa, tuy nhiên, đại diện Google cho rằng vẫn còn có nhiều thách thức đang làm chậm quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Đầu tiên là vấn đề thiếu nguồn vốn cho các startup công nghệ. Hiện đa phần các startup kỳ lân hay startup ở giai đoạn sau của quá trình khởi nghiệp mới tiếp cận được nguồn vốn. Trong khi startup còn ở giai đoạn đầu thường rất khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư do rủi ro cao.
“Điều này sẽ làm cản trở sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Do đó, cần đẩy mạnh tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ giai đoạn sớm, có thể là thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm”, bà Trâm nói.
Ngoài ra, thiếu hụt nhân tài cũng là câu chuyện không chỉ riêng của khởi nghiệp. Định hướng nghề nghiệp chưa ổn định, đào tạo tại các trường còn chưa sát thực tế nhu cầu của doanh nghiệp không cho ra nhiều nhân tài. Thiếu hụt thông tin mang tính địa phương hoá cũng là khó khăn cho các lập trình viên và chuyên gia trong quá trình nghiên cứu, phát triển. Bà Trâm gợi ý cần tập trung vào các chương trình và sáng kiến phát triển nhân tài cả dưới hình thức hợp tác công tư.
Một điểm nhấn nhỏ khác cũng được đại diện Google đưa ra là hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng đang bất cập. Thủ tục còn phức tạp, đặt biệt là với các lĩnh vực như tài chính, y tế. Chưa có luật tương ứng với các mô hình kinh doanh mới đang nở rộ trên toàn cầu và mang lại giá trị kinh tế cao. Ở nhiều quốc gia, startup thường hưởng những cơ chế riêng, giảm bớt những pháp lý không cần thiết.
Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., ước tính đến năm 2025, nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 300 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đạt 43 tỷ USD, xếp thứ ba sau Indonesia và Thái Lan. Bà Nguyễn Quỳnh Trâm chỉ ra rằng, người dân Việt Nam trẻ, nhiều tham vọng và cũng rất sáng tạo. Họ luôn muốn tìm tòi và thử những cái mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam có một cộng đồng lập trình viên đang phát triển mạnh mẽ.
Trong lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2015, CEO Google Sundar Pichai đã ngồi cà phê với cha đẻ của trò chơi Flappy Bird. “Tại sao lại ngồi cà phê với một người lập trình, một nhà thiết kế trò chơi trẻ tuổi mà không phải là CEO của một công ty lớn ở Việt Nam”, bà Trâm đặt vấn đề.
Theo Giám đốc quốc gia Google, từ lâu tập đoàn toàn cầu này đã nhắm đến và đầu tư vào các lập trình viên tài năng đang phát triển ở địa phương cũng như hỗ trợ các nhà khởi nghiệp của địa phương tiến ra thị trường toàn cầu với hàng loạt nhà lập trình và dự án được thúc đẩy bởi cộng đồng lập trình viên Google (GDG) và chương trình Google for startups.
Đặc biệt, 5 startup của Việt Nam được lựa chọn tham gia các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á, đón nhận hỗ trợ đặc biệt từ Google để xử lý các vấn đề thách thức về xã hội, giáo dục, y tế, thương mại điện tử, hậu cần và tài chính của khu vực. Các startup này đã kêu gọi được hơn 6,4 triệu USD vốn đầu tư.
Riêng trong năm nay, hai startup của Việt Nam gồm Thuocsi và TopCV được chọn tham dự chương trình này.
Về phần mình, thời gian qua, Google đã hỗ trợ cho các startup từ giai đoạn khởi sự đến giai đoạn vươn ra đến khi phát triển. Google tổ chức các sự kiện cho các nhà phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với sự tham gia của các chuyên gia. Năm 2019, hơn 11.000 nhà phát triển và hơn 2.200 sinh viên đã tham gia các hoạt động do Google tổ chức.
Năm 2020 Google tiếp tục hỗ trợ các startup về các công nghệ đám mây, học máy, trí tuệ nhân tạo AI. Google cũng có hai sáng kiến năm nay là Vietnam Online Hackathon và QuanQuanGCP.
NGUỒN: Theo Báo VnExpress
Link bài: Sếp Google…
https://startup.vnexpress.net/