[THP trong tôi]: Con đường hoàn thiện bản thân

Vũ Quang Phú/ Khối R&D

Thấm thoát cũng vừa tròn 5 năm kể từ ngày tôi gia nhập vào ngôi nhà Tân Hiệp Phát thân thương này. Tôi, từ một cậu sinh viên non choẹt vừa mới ra trường, tính tình rụt rè ít nói và ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh giờ đây đã trưởng thành hơn, lớn dần lên mỗi ngày khi tôi được sống và làm việc tại ngôi nhà thứ hai này.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu làm việc tại đây. Vốn bản tính ít nói, tôi thường chỉ lẳng lặng ngồi đọc tài liệu, lên đường chuyền thực tế để tìm hiểu và học thêm về dây chuyền chiết rót vô trùng Aseptic bậc nhất thế giới. Thế nhưng học như vậy thỉ chưa đủ, nếu chỉ học mà không đặt ra những câu hỏi “khó” cho đồng nghiệp, cho những người vận hành trực tiếp thiết bị dây chuyền thì không thể nào hiểu sâu được thực tế, sẽ không biết được những kinh nghiệm mà lý thuyết không bao giờ truyền tải hết được. Tôi tự nhận thấy mình phải tự vượt lên bản thân mình, không được rụt rè và phải biết mở rộng giao tiếp với những người xung quanh thì tôi mới học hỏi thêm được. Tôi lớn hơn tôi của ngày hôm qua một bước.

Rồi sau 2 tháng thử việc, khi đã được chính thức là nhân viên của Tân Hiệp Phát, tôi lần đầu tiên được sếp Tư tin tưởng giao trách nhiệm đi Hà Nam công tác để cùng team nghiệm thu line Aseptic 2. Khi ấy, tôi vừa vui vì được sếp tin tưởng lại vừa lo; lo vì đấy là lần đầu tiên “đứa con trai cưng bé bỏng của mẹ” phải đi công tác xa nhà nhiều ngày, lo rằng phải xa mẹ tận 2 tháng. Nhưng mẹ nói với tôi “Mày đi đi cho lớn!”. Mẹ nói thế thôi chứ tôi biết là mẹ lo cho tôi lắm, “con cưng của mẹ” mà. Nhưng mẹ nào mà không muốn con mình trưởng thành và mẹ tôi biết đây là một cơ hội lớn cho tôi. Câu nói của mẹ như giúp tôi tự tin hơn khi bước chân ra đường đời taị một nơi đất khách xa nhà. Và quả thật, ở nơi đất khách Hà Nam này, tôi một lần nữa được tiếp xúc với thật nhiều cái mới. Không kể tới những chuyện như phải tự mình lo chuyện giặt giũ, ăn ở đi lại, kiểm soát tài chánh; tôi được làm việc tại Number One Hà Nam với nhà nấu trung tâm và dây chuyền chiết rót vô trùng Aseptic Procomac hiện đại. Ở đây tôi không chỉ học được những công nghệ mới để so sánh với công nghệ tại nhà máy Bình Dương, bổ sung thêm kiến thức chuyên ngành mà thứ khiến tôi thay đổi nhiều nhất đó chính là khả năng làm việc và quản lý công việc độc lập ít có sự can thiệp từ cấp trên cũng như khả năng giao tiếp và làm việc với các phòng ban khác. Từ phòng Sản xuất, QC, động lực, kho đến các chuyên viên của Nhà cung cấp, tôi học cách giao tiếp phù hợp và xử lý tình huống xảy ra giữa các bên trong quá trình làm việc. Tôi cũng học được cách lên kế hoạch các đợt chạy test nghiệm thu nhà nấu nghiệm thu line chiết, tổ chức thực hiện và theo dõi tiến độ của các kế hoạch này. Tôi lớn hơn tôi của ngày hôm qua một bước nữa.

Sau đợt đi công tác Hà Nam về, tôi được chú Tư tin tưởng nhiều hơn và được chú phân cho làm trưởng các dự án từ nhỏ đến lớn. Dự án đầu tiên mà tôi làm Trưởng dự án là Dự án cải tiến chương trình CIP cho nhà nấu và line chiết RGB. Làm trưởng dự án là một vinh dự và là cũng là một trách nhiệm lớn. Từ những kinh nghiệm từ chuyến đi công tác Hà Nam về, tôi có thể áp dụng vào dự án này để phát triển khả năng lên kế hoạch tổng cho dự án, lập kế hoạch chi tiết cho từng tuần và theo dõi tiến độ thực hiện, tổ chức các cuộc họp với các phòng ban liên quan để cùng nhau giải quyết các vấn đề tồn đọng của dự án, để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ và chương trình cải tiến mới có thể tự động hóa và kiểm soát chặt chẽ tất cả các thông số quy định trong quá trình CIP, thỏa mãn được bộ phận sử dụng là Sản Xuất cũng như bộ phận quản lý chất lượng là QC. Cũng qua dự án “đầu tay” này, tôi đã phát triển bản thân thêm một bước. Chính nhờ làm việc trực tiếp với Nhà cung cấp, tôi đã học hỏi và hiểu thêm được về lập trình các chương trình tự động. Đây chính là một trong các mảnh ghép giúp tôi hoàn thiện thêm kiến thức và kinh nghiệm của bản thân mà trên ghế nhà trường tôi không được học. Từ sau dự án này, tôi được sếp giao cho làm trường dự án các dự án có liên quan nhiều tới chương trình lập trình và điển hình là dự án gần đây nhất “Dự án cải tiến chất lượng sữa đậu nành – Lắp đặt máy ly tâm tách bã decanter cho Nhà nấu 6T1”. Tôi lần đầu tiên có thể tự mình viết toàn bộ mô tả chương trình vận hành cho toàn bộ hệ thống 2 máy decanter chạy hoàn toàn tự động và chương trình đã được đưa vào sử dụng thực tế, thỏa mãn bộ phận sử dụng là Sản xuất. Tôi lại lớn hơn tôi của ngày hôm qua một bước nữa.

Tân Hiệp Phát không chỉ giúp tôi lớn hơn về những kiến thức chuyên ngành, những kinh nghiệm làm việc mà còn giúp tôi lớn hơn về tâm tư, tình cảm, về những kinh nghiệm sống và cách đối nhân xử thể với những người xung quanh mình. Tôi được học các lớp học như Landmark, Crestcom… tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Những lớp học khiến tôi không rơi nước mắt thành dòng nhưng lại ứa nghẹn trong tim khi nghĩ về mẹ, về những quan tâm lo lắng, về công ơn sinh thành mà mẹ đã dành cho tôi, và về “Tôi đã làm được gì cho mẹ?”. Tôi thương mẹ, tất nhiên là thế rồi, nhưng qua những điều tôi học được tại Tân Hiệp Phát, tôi biết mình phải làm gì để thể hiện tình cảm đó với mẹ, làm gì để đền đáp công ơn sinh thành và quan trọng là phải làm gì để tránh làm mẹ buồn, mẹ rơi nước mắt. Tôi đã lớn hơn ngày hôm qua rất nhiều!

Con đường để hoàn thiện bản thân còn dài và xa lắm. Hằng ngày tôi vẫn tiếp tục bước trên con đường đó. Mỗi bước đi là mỗi bước trưởng thành của cuộc đời tôi. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ bước sang một ngã rẽ khác không còn mang tên Tân Hiệp Phát, nhưng đây vẫn là con đường đời đầu tiên mà tôi đặt chân, con đường đã giúp tôi có những bước đi vững chãi như ngày hôm nay.

Vũ Quang Phú

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *