Sống chung  với dịch không có nghĩa là sống như chưa từng có dịch

Vũ Hân/ Báo Thanh Niên

Nguồn hình: Vnews.gov.vn

—–

Không ít người cho rằng chúng ta mua vaccine chậm nên tỉ lệ tiêm vaccine quá thấp. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ biết rằng mua vaccine không dễ, không phải có tiền là mua được như các loại thực phẩm chức năng.

Số nước sản xuất vaccine được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận chất lượng chỉ đếm đầu ngón tay, đa số các nước còn lại đi mua vaccine, cho nên rất khan hiếm. Các nhà sản xuất dựa theo tình hình thực tế của các quốc gia để phân phối, Việt Nam là nước kiểm soát dịch tốt nên không phải được ưu tiên.

Đại diện của Bộ Y tế thông báo trong tháng 7 mỗi tuần sẽ có 1 triệu liều vaccine về Việt Nam, cũng có thông tin sẽ có 8 triệu liều. Cho dù là đúng như vậy thì cũng quá ít ỏi so với quốc gia 100 triệu dân.

Biết được thực tế như vậy để mỗi người tự chủ động để bảo vệ bản thân. Những người chưa tới phiên được tiêm vaccine thì phải chờ, không còn cách nào khác.

Trong thời gian chờ tiêm vaccine, cách tốt nhất là tự bảo vệ mình bằng các quy định được Bộ Y tế đưa ra và chính quyền khuyến cáo. Hãy xem việc tuân thủ các quy định đó là một loại vaccine.

Thực tế cho thấy, chỉ cần một trường hợp chủ quan đã gây ra một ổ dịch cho một tỉnh, bao nhiêu người khổ sở, vất vả, kinh tế địa phương bị ảnh hưởng, nhiều người bị mất kế sinh nhai tạm thời.

Có nhiều người chủ quan cho rằng nếu có bị dính COVID-19 thì cũng chẳng sao, tỉ lệ tử vọng thấp, chỉ đối với người già và người có bệnh nền. Nhưng xin thưa rằng, các nhà khoa học đã chứng minh, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cho dù đã chữa khỏi, thì sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thận và phổi bị tổn thương.

Cho nên, hãy thương lấy thân mình, chưa nói tới là lo cho ai hay giúp đỡ cộng đồng.

Trần Quí Thanh

—–

Những ngày gần đây, Hà Nội bắt đầu tắc đường trở lại. Ngay khi TP nới lỏng giãn cách, Hà Nội lập tức có “ngày phở” – biểu thị cho sự nhung nhớ nhịp sống bình thường, khi người ta còn có quyền thảnh thơi hưởng các thú vui đặc trưng Hà Nội.
Thế nhưng, cũng ngay khi Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, thì có thêm 3 ca bệnh chưa rõ nguồn lây xuất hiện, như một lời cảnh tỉnh về thế giới chúng ta đang sống. Đó không phải là thế giới cho phép chúng ta cư xử một cách bình thường, theo nghĩa vẫn có thể tự do như cũ. Có thể, rất nhiều người đã quá chán nản với việc phải tự kìm kẹp mình trong nỗi lo lắng về một con vi rút mơ hồ; một số người đã cạn kiệt nguồn sống, nhưng mặc kệ không phải là một thái độ.
Ta phải nhớ rằng, trong vòng 2 tháng của đợt dịch thứ 4, số ca Covid-19 của Việt Nam cao gấp 4 lần cả 3 đợt dịch trước đó (vọt lên mốc 15.325 bệnh nhân vào hôm 27.6, trong khi hôm 27.4 mới chỉ có 3.051 bệnh nhân). Từ vị trí số 174, Việt Nam đã “bước lên” vị trí 142 trong các quốc gia có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất – tuy vẫn rất thấp so với thế giới, nhưng là sự “thăng hạng” rất nhanh.
Điều này đồng nghĩa với nguy cơ quanh mỗi người cũng thăng hạng. Trong bối cảnh hệ thống y tế đã vắt kiệt sức mình hơn 1 năm rưỡi qua, trong bối cảnh vắc xin vẫn khan hiếm vô cùng, thì mỗi người nên trông đợi vào đâu để được bảo vệ? Có lẽ là vào chính mình trước hết. Hơn 1 năm rưỡi qua, người dân Việt Nam đã phải được trang bị đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Tuy vi rút có biến chủng liên tục, tuy nguy cơ vẫn luôn tăng, nhưng những nguyên tắc cốt lõi vẫn như vậy: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế.
“Sống chung” với dịch – nhiều người kêu gọi cách hành xử này. Và nó hoàn toàn đúng. Vấn đề ở định nghĩa “sống chung”. Sống chung không có nghĩa là sống như chưa từng có dịch.

Số liệu và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Covid-19 không phải là cúm. Đúng là đa số người bị nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng rất nhẹ, có thể tự khỏi, nhưng gần 4 triệu người chết trên toàn cầu vì Covid-19 là có thật; khủng hoảng y tế, khủng hoảng nhân đạo ở nhiều quốc gia cũng là có thật. Trái đất như đứng khựng lại từ ngày vi rút nguy hiểm này xuất hiện, có thể bịa được sao?

Khoa học chỉ ra rằng Covid-19 gây những hậu quả lâu dài do các tổn thương tim phổi, dẫn tới giảm sức lao động và chất lượng sống, trong một thứ gọi là “Hội chứng hậu Covid-19”. Vì vậy, “Covid-19 chỉ giống cúm khi chúng ta có vũ khí trong tay và biết cách dùng vũ khí đó thuần thục”, theo lời một chuyên gia dịch tễ.
Vũ khí đó, đương nhiên là vắc xin. Vũ khí đó cũng là ý thức của mỗi người nữa.
Một nguy cơ chết người có thể đột ngột xuất hiện bên cạnh bất cứ ai, không có ngoại lệ về trình độ, giàu nghèo, giới tính…, nhưng hành vi có thể làm nên ngoại lệ. Mà nữa, khi các nguồn lực khác đã cạn kiệt dần, thì ý thức buộc phải tăng lên. Không thì, còn biết dựa vào đâu nữa?

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Mặc kệ không phải là thái độ

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/mac-ke-khong-phai-la-thai-do-1405784.html

Xin phép tác giả thay cái tựa

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *