Start up thất bại vì không đánh giá đúng về mình

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Dân Trí

—–

Anh Thanh quí mến!

Tôi ở Sài Gòn, xêm xêm tuổi anh, làm nghề gõ đầu trẻ, chẳng biết gì kinh doanh đâu nhưng rất kính trọng và khâm phục anh.  Tôi viết thư này tâm sự với anh, là, tụi nhỏ nhà tôi (cả con lẫn cháu) cả chục đứa khởi nghiệp đều thất bại. Chúng có ý tưởng tốt, gọi được vốn nhưng loay hoay thế nào đều “chết đứng” hết trọi. Rất buồn anh ạ. Tôi không biết lý do gì nhưng cảm giác chúng tự tin quá, nóng vội quá anh ạ. Mong anh cho hay thất bại mà tụi nhỏ hay gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp là gì?

Mong nhanh được hồi đáp của anh.

Chúc anh mạnh giỏi, may mắn.

Lê Đình Lực (Sài Gòn): dinhluc1957_TpHCM@gmail.com

—–

Lê Đình Lực mến!

Theo thống kê gần đây, tại Việt Nam, khoảng 90% start up thất bại. Và có lẽ, đây là một tỉ lệ “ổn định”, không phải nhất thời.

Còn riêng lĩnh vực công nghệ, mỗi năm trên quả đất này có khoảng 50 triệu dự án khởi nghiệp về công nghệ ra đời, Việt Nam chiếm khoảng 1.000 dự án. Và một con số tuy đau đớn nhưng không có gì mới, đó là trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có 92% start up thất bại và giải thể.

Cho nên, con cháu anh thất bại trong khởi nghiệp là chuyện bình thường, khi nào tụi nó đều thành công hết mới là chuyện không bình thường đó anh. Biết vậy để anh bình tĩnh, nhẹ nhàng tìm ra giải pháp để giúp các cháu thành công.

Tui đã từng có trải nghiệm khởi nghiệp cho nên rất thấm về thất bại, giờ nhìn lại thấy mình nông nổi, vội vàng và có chút kiêu ngạo. Tuổi trẻ ai cũng thế, tự tin là tốt, nhưng tự tin thái quá thành tự cao tự đại, đánh giá không đúng thực lực của mình, thất bại là không thể tránh khỏi.

Tại sao trong lĩnh vực công nghệ, 92% start up thất bại? Câu hỏi không khó trả lời.

Đa số các bạn trẻ giỏi về công nghệ đều thông minh, tự tin và có tư duy đột phá. Đây là những ưu điểm và cũng là nhược điểm, vì chỉ cần quá đà sẽ bước sang giới hạn khác, đó là ảo tưởng về mình, hoảng tưởng về sản phẩm của mình.

Sản phẩm công nghệ khác với các sản phẩm tiêu dùng khác, cho nên việc định giá nó rất mơ hồ, mông lung. Các start up trẻ “giàu trí tưởng bở”, cứ nghĩ rằng sản phẩm của mình sẽ lật nhào cả quả đất như Bill Gates hay Steve Jobs từng làm, cho nên hét giá huy động vốn trên trời, các nhà đầu tư lắc đầu thoái lui. Thế là chết trong sự “cô độc của thiên tài”, cho rằng thế gian không ai hiểu được mình.

Vì vậy, để các satrt up tránh được những cảm xúc quá đà, cần phải có những mentor giàu kinh nghiệm, biết can gián và đưa ra những ý kiến tư vấn xác đáng.

Trong quá trình làm việc với các đối tác, cũng cần có những đối tác mạnh dạn “dội một xô nước lạnh” vào đầu để cho các start up trẻ tỉnh ngộ. Có không ít trường hợp start up đặt ra giá quá cao cho doanh nghiệp khởi nghiệp của mình, các nhà đầu tư lẳng lặng đi về. Nhưng chẳng mấy ai – vì quá lịch sự – đã không “quát” vào mặt để cho start up thấy rằng mình kẻ hoang tưởng.

Tui đã từng phỏng vấn một số bạn trẻ, có người tự tin nhưng chừng mực, biết núi cao có núi cao hơn, nhưng có không ít bạn chưa có gì trong tay đã đặt điều kiện rất ghê gớm. Tui biết chắc những người đó sẽ gặp thất bại.

Ngoài việc tự điều chỉnh cảm xúc và đánh giá đúng bản thân, start up trẻ nên học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Tui đã có nhiều bài viết nói về những yếu tố giúp khởi nghiệp thành công, anh có thể tham khảo  trên trang của tôi nhé.

Cám ơn anh.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *