Trần Quí Thanh
Nguồn hình: Internet
—–
Chào anh Dr Thanh,
Dạ thưa anh tui vốn là một doanh nhân, nay là mụ già ngồi xó bếp rồi. Bây giờ mong mỏi con cháu khởi nghiêp thành công là mình phấn khởi. Đọc trang web của anh, thấy anh quan tâm nhiều đến lớp trẻ khởi nghiệp, thật mừng hết nỗi. Những người đi trước kiên trì soi đường cho người đi sau thì chỉ có những người có trái tim Đan Kô mới làm như vậy thôi anh ơi.
Thôi không dám “tán” anh nhiều, xin mạo muội hỏi anh: Vậy chớ điểm yếu nhất, điểm mạnh nhất của khởi nghiệp nước ta là sao anh. Nếu trúng điều này có ích cho các Start up Việt lắm đó anh.
Mong anh hồi âm
Chúc anh mạnh giỏi
Kính anh
Đỗ Thị Liên Minh (Sài Gòn): minhlien1959_sgthuong@gmail.com
—–
Chị Liên Minh mến!
Trước tiên, tui xin nói đến điểm mạnh nhất của Start up Việt đã nhé. Đó là chúng ta có một cộng đồng khởi nghiệp đông đảo, các bạn trẻ Việt Nam rất có quyết tâm khởi nghiệp, có tinh thần làm giàu, có khát vọng cống hiến.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 1.500 start up hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Xét theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì tỷ lệ ở Việt Nam thậm chí cao hơn nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, hay Indonesia.
Tuy nhiên, có khát vọng, có số đông người khởi nghiệp không quan trọng, mà là số người thành công. Và tỉ lệ Star up thành công ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 1/100, cho nên chúng ta cần phải tỉnh táo, đừng quá tự hào về con số khởi nghiệp.
Chị hỏi về điểm yếu nhất của Start up Việt, tui xin nói ngay là chưa có sự kết nối. Sống trong thời đại 4.0 mà không kết nối được thì coi như thất bại. Tất nhiên, điểm yếu này một phần là do tự thân các Start up, một phần do hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia chưa hoàn chỉnh.
Một Star up không thể “đơn thương độc mã” trên thương trường, mà cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Thời đại công nghệ, thông tin và sự kết nối là cốt lõi của sự tồn tại, nếu không sẽ bị loại trừ ra khỏi môi trường sống. Start up phải kết nối giới công nghệ trên phạm vi toàn cầu, nắm vững thông tin vượt phạm vi quốc gia. Nếu không thì không thể biết người ta đang đi tới đâu, còn mình đang ở vị trí nào.
Hiện nay, AI hay Big Data tại Việt Nam chỉ ở giai đoạn sơ khai, cho nên rất cần kết nối với các cộng đồng công nghệ trên thế giới.
Ngoài chuyên môn công nghệ, còn là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng, là những đối tác hợp tác đầu tư và cung cấp tài chính để một Start up có thể tồn tại, phát triển.
Kết nối với các chuyên gia tư vấn chiến lược, tư vấn công nghệ, tư vấn pháp lý để giúp cho một Start up phát triển ổn định, đảm bảo về mặt pháp lý.
Và để làm được những điều trên, ngoài sự nỗ lực của Start up, rất cần có sự hỗ trợ từ các chính sách khởi nghiệp hiệu quả của Chính phủ.
Vậy chị nhé, có gì cứ gửi thư cho tui.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)