Trần Quí Thanh
—–
Kính chào bác Dr Thanh,
Dạ chúng cháu là một CLB khởi nghiệp ở Nha Trang (CLB To Live), năm mới kính chúc bác và đại gia đình THP vui khoẻ, an lành, may mắn, an khang thịnh vượng.
Chúng cháu xin gởi tới bác vấn đề này ạ: Làm thế nào để bảo hộ được ý tưởng khởi nghiệp. Chúng cháu thực sự đau đầu. Muốn khởi nghiệp thì không thể cất giấu ý tưởng khởi nghiệp, nhất là với các nhà đầu tư, mà công khai ra lắm khi chỉ một ngày ý tưởng của mình bỗng trở thành ý tưởng của người khác.
Rất mong bác chỉ giáo ạ.
Kính bác
CLB To Live (Nha Trang): linhlethao2007@gmail.com
—–
Các cháu CLB To live mến!
Vấn đề mà các cháu đặt ra đã được các bạn trẻ khởi nghiệp bàn đến rất nhiều, vì trên thực tế, không ít trường hợp bị “ăn cắp” ý tưởng trước khi đưa ra thực hiện.
Có nhiều vụ, người khởi nghiệp trình bày ý tưởng kinh doanh của mình cho các nhà đầu tư để kêu gọi vốn, nhưng dốc hết ruột gan ra, thậm chí gửi luôn tài liệu cho nhiều người tham khảo. Đến một ngày đẹp trời, không thấy ai góp vốn, mà thấy một dịch vụ trên thị trường tương tự như ý tưởng của mình. Biết là bị “ăn cắp”, nhưng không có cách nào thưa kiện.
Để tránh rơi vào tình trạng này, chỉ có cách duy nhất là sử dụng luật pháp làm công cụ bảo vệ.
Trước hết, các cháu phải biết rõ, Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ về sở hữu trí tuệ, nhưng chưa có quy định để bảo vệ “sở hữu ý tưởng”.
Ý tưởng là cái chưa hình thành một sản phẩm, cho nên không dễ để chứng minh ý tưởng này là của riêng ai. Anh có ý tưởng đó, thì có thể nhiều người có chung ý tưởng. Cái thứ nằm trong đầu làm sao chứng minh được ý tưởng của ai có trước, của ai có sau.
Cho nên, khi chưa tạo ra sản phẩm cụ thể, thì các cháu phải chứng minh được ý tưởng đó do mình đưa ra trước bằng cách trình bày nó thành một bộ hồ sơ thật khoa học. Bộ hồ sơ đó phải làm được ít nhất 3 việc: Một là định nghĩa được nội dung của ý tưởng, hai là đưa ra được các bước triển khai, ba là xây dựng khái quát bộ nhận diện thương hiệu khi ý tưởng đó được đưa vào kinh doanh trên thị trường.
Bước thứ hai là khi công bố để kêu gọi đầu tư, phải sử dụng các loại công cụ, phương tiện để ghi lại mốc thời gian, công nghệ số hỗ trợ đắc lực cho những ai muốn lưu trữ thông tin. Gửi thông cáo báo chí đến các cơ quan báo chí, đây chính là cách để chứng minh sở hữu ý tưởng khi có tranh chấp xảy ra.
Nhưng theo bác, tốt hơn hết vẫn là tập trung toàn lực để cho ra sản phẩm trí tuệ và các cháu có quyền sở hữu công nghiệp hoặc tác giả của một nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích. Đối với các sản phẩm này, Luật Sở hữu trí tuệ 2002, sửa đổi và bổ sung năm 2009; các các bản hướng dẫn thi hành có liên quan sẽ bảo vệ. Tùy theo từng sản phẩm, luật có những quy định cụ thể để bảo hộ theo hình thức đăng ký cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Để có được các loại bằng này, cần có thời gian, nhưng ít nhất, sản phẩm của các cháu được ghi nhận từ thời gian nộp đơn xin bảo hộ.
Bác có lời khuyên với các cháu rằng, mỗi người giỏi một thứ và có chuyên môn sâu riêng, nên các cháu cần hợp đồng với một công ty luật chuyên về hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ để thực hiện hồ sơ.
Chúng ta sống trong đất nước có pháp luật, hãy khai thác tối đa quyền công dân, sử dụng các quy định pháp luật để bảo vệ cho mình, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ.
Chúc các cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)