Tái chế nhựa phế liệu, có công không có tội

Trần Quí Thanh

Hàng chục ngàn container phế liệu bị tồn đọng và  hàng trăm doanh nghiệp đang dở sống dở chết do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu phế liệu bị ách tại cảng. Ảnh: TTXVN

 —–

Đến cuối tháng 1-2019 có đến 24.184 container phế liệu phải nằm lại ở các cảng trên cả nước, trong đó 6.733 cái bị kẹt từ 30-90 ngày và 9.782 cái phải nằm cảng trên 90 ngày. Rác phế liệu cũng có năm bảy loại, có loại là nguồn nguyên liệu cần cho sản xuất.

Mỗi năm, toàn thế giới xuất khẩu 15,5 triệu tấn phế liệu nhựa  và các nước tái chế nguồn phế liệu này để làm nguyên liệu phục vụ trong sản xuất. Các nước văn minh khuyến khích dùng nguyên liệu tái chế để tiết kiệm tài nguyên, và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải lựa chọn nhựa phế liệu để tái chế và sử dụng.

Sử dụng nhựa tái chế là bảo vệ môi trường. Hãy thử hình dung, tất cả sản phẩm nhựa của thế giới thải ra mà không được tái chế, biển chẳng mấy chốc ngập tràn phế liệu nhựa.

Cho nên, nhập nhựa phế liệu là việc bình thường của mọi quốc gia, vấn đề quan trọng là khâu tái chế có đạt chất lượng và đảm bảo môi trường hay không. Tái chế nhựa phế liệu để phục vụ sản xuất là có công, không có tội.

Có doanh nghiệp nào dại dột bỏ tiền đi mua phế liệu nhựa về để vứt hay không? Không, họ sẽ tái chế nhựa, như vậy, hãy kiểm soát ở khâu sản xuất.

Hiệp hội nhựa cho rằng, hiện nay không đủ nhựa tái chế do quá nhiều vướng mắc. Ví dụ, quy định nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2%, một quy định đánh đố, vì không biết thế nào là sạch và lấy gì để đo lường 2%.

Hoặc, “Trong quy chuẩn mình, vỏ chai nước suối thì được nhập còn vỏ chai nước ngọt thì không. Đố ai chịu phân loại ra riêng vỏ chai nước suối và nước ngọt để bán cho Việt Nam”, một đại diện nhóm doanh nghiệp tái chế lên tiếng.

Doanh nghiệp tái chế nhựa không có phế liệu để tái chế thì các doanh nghiệp sản xuất cần có nhựa làm nguyên liệu cũng bị cắt mất nguồn cung. Tác động dây chuyền làm ảnh hưởng không chỉ ngành nhựa, mà còn các ngành sản xuất khác. Vậy, các cơ quan quản lý không nên cấm mà hãy tạo điều kiện nhập khẩu phế liệu nhựa để phục vụ sản xuất.

Nhựa không có lỗi, chỉ khi tái chế nó không theo quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường mới có lỗi. Doanh nghiệp nào làm ăn bê bối hãy nghiêm trị theo pháp luật, còn những doanh nghiệp đầu tư dự án tái chế nhựa đảm bảo các quy định, thì hãy tạo điều kiện để hoạt động.

Hiện nay, công nghệ tái chế nhựa phế liệu rất hiện đại, đặc biệt là từ EU, Nhật Bản, Mỹ. Doanh nghiệp phải tìm đối tác tốt để đầu tư nhà máy, sản xuất nhựa thành phẩm có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường thì sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

 

Sài Gòn ngày 03/03/2019

TQT

 Bài Đọc thêm, Link bài: Nước mắt doanh nhân

(https://www.thesaigontimes.vn/285386/nuoc-mat-doanh-nhan-.html?fbclid=IwAR2KFMcNV3f-2vXmPVt33Vq6pME7TfHVw6q8YZ7ZcpYz3vGSf35wnp3rAII)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *