Tại sao chưa bỏ quỹ bình ổn xăng dầu?

Nguyên Nga – Thanh Niên


Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại “nóng” lên khi thông tin vừa được Bộ Tài chính công bố theo nguyên tắc minh bạch trong điều hành giá xăng dầu cho thấy số dư quỹ này tăng vọt hơn 4.600 tỉ đồng.

Bộ Công thương: quỹ bình ổn giá là cần thiết

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong quý cuối năm 2022, các doanh nghiệp (DN) đầu mối đã trích thêm 2.155 tỉ đồng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) và chi sử dụng quỹ chỉ… 79 tỉ đồng, giúp số dư lũy kế đến cuối năm lên tới 4.617 tỉ đồng. Đáng lưu ý, tính hết quý 3/2022, số dư quỹ BOG tại thời điểm 30.9.2022 ở mức 2.540 tỉ đồng. Như vậy, số dư quỹ đã tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 tháng.

Tại sao chưa bỏ quỹ bình ổn xăng dầu? - Ảnh 1.
Ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bộ Công thương từng nhận định 2022 là năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu, số dư quỹ BOG biến động rất mạnh, đã có lúc chi nhiều dẫn đến âm quỹ do giá thế giới và trong nước tăng cao. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới và trong nước đã hạ nhiệt dần, từ tháng 7.2022, việc trích giữ lại quỹ cũng tăng theo để “bù” khoản chi trước đó, đẩy quỹ dương trở lại. 

Bộ Tài chính thống kê trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư quỹ đến cuối năm 2022 cao nhất với 1.986 tỉ đồng, chiếm tới 43% tổng số dư quỹ BOG toàn ngành. Tính đến ngày 1.3 vừa qua, báo cáo tồn quỹ BOG của Petrolimex tăng tiếp, lên 2.164 tỉ đồng. 

Ngoài ra, tính đến cuối năm qua, một số thương nhân đầu mối khác cũng có số dư quỹ cao như Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (dương 561 tỉ), Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (409 tỉ); Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (371 tỉ) hay Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (294 tỉ đồng)… Tuy vậy, trong hệ thống đầu mối phân phối, cũng còn một số DN đang có số dư quỹ BOG âm như PV Oil, Petro Bình Minh, Tân Nhật Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh…

Cũng từ năm 2022, đã có rất nhiều DN, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, các thương nhân đầu mối, một số địa phương đề xuất bỏ quỹ này vì gần như không thể phát huy hết giá trị trong thực tế. Bộ Tài chính tại dự thảo tờ trình luật Giá sửa đổi cũng đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ BOG xăng dầu, để giá được điều hành theo nguyên tắc thị trường. 

Lý do quỹ vốn được xem như van điều tiết giá xăng dầu, nhưng trước tình trạng giá nhiên liệu liên tục tăng cao, quỹ này đã âm cả nghìn tỉ đồng và không có tác dụng nữa. Hoặc khi giá thế giới giảm mạnh, quỹ lại được trích giữ lại mức cao khiến giá trong nước khó giảm sâu theo sát giá thế giới. Đáng nói, trong những tháng cuối năm (10 – 12.2022), trung bình mỗi tháng người dân bị “trả trước” cho tiền xăng dầu hơn 850 tỉ đồng. Trong khi quý cuối năm cũng là quãng thời gian nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh của DN và nhu cầu đi lại của người dân đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Công thương không đồng ý bỏ quỹ và cho rằng đây là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước điều hành xu hướng tăng giảm giá của xăng dầu. Nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa với bỏ điều hành giá xăng dầu. Cũng theo Bộ Công thương, quỹ vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

Chuyên gia: Quỹ bình ổn đang gây “bất ổn”

Hiệp hội xăng dầu VN cũng nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ BOG để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong văn bản góp ý sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, VCCI cũng đề xuất Chính phủ nên bỏ quỹ BOG.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), cho biết các nước trên thế giới xây dựng quỹ BOG như kho dự trữ để can thiệp vào những tình huống cần thiết. Quỹ được hình thành dựa trên đóng góp của ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều chỉnh… Thế nhưng Nghị định 95 của VN lại quy định quỹ BOG là “quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước”. 

“Quỹ BOG là một “sáng tạo” của VN, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Đáng nói, quỹ có xu hướng trích lập ở kỳ điều hành trước giảm và ngược lại. Nguyên tắc này không đảm bảo “bình ổn” nữa và nói đúng hơn quỹ cũng chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá”, ông Anh nhận xét.

Ông Anh dẫn chứng qua khảo sát trong giai đoạn 2020-2022 cho thấy mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn. Chẳng hạn năm 2022, có thời điểm giá xăng lên đến 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng tiền vào quỹ khiến giá xăng tăng liên tục. Nay xăng giảm hơn 22.000 đồng/lít vẫn tiếp tục phải chi quỹ để bù giá.

 “Nguyên tắc trích – chi không đảm bảo bình ổn giá và quỹ BOG cũng chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá. Việc điều hành quỹ BOG thời gian qua đã không đạt được mục tiêu bình ổn bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ, thậm chí mức độ biến động của giá khi sử dụng quỹ còn lớn hơn. Do vậy, tôi cho rằng quỹ BOG đang gây… bất ổn”, PGS-TS Phạm Thế Anh phân tích và bổ sung, trong 3 năm qua, giá xăng E5 RON92 có số lần chi quỹ nhiều hơn hẳn so với số lần trích lập, cụ thể có 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập; dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập; xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập; dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.

“Điều này cho thấy một bất cập khác của quỹ BOG là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập, trong khi các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá” cho những người dùng xăng. Trong khi đó, việc trích quỹ của dầu ít lần hơn so với xăng nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5 chưa hợp lý. Bởi nếu muốn khuyến khích người dân sử dụng xăng E5, chúng ta cần hạ thuế bảo vệ môi trường chứ không phải dùng quỹ để điều tiết giá, việc bảo vệ môi trường cũng không thuộc chức năng của quỹ”, PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-sao-chua-bo-quy-binh-on-xang-dau-185230306004551832.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *