Tại sao Chuyển đổi số thất bại và 10 thách thức cần vượt qua

Đào Trung Thành/ Báo Viettimes

Không phải doanh nghiệp nào chuyển đổi số cũng thành công

Theo hãng tư vấn Cagemini thì 90% CEO tin rằng Kinh tế số hóa sẽ ảnh hưởng đến ngành của họ, nhưng chỉ có ít hơn 15% doanh nghiệp đang thực hiện một chiến lược chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trở (CĐS) là một thuật ngữ thời thượng (“buzz word”) gần đây giống như Cách mạng công nghiệp 4.0 (IR 4.0), Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud computing), Internet Vạn Vật (Internet of Things). Có thể mượn cách nói của GS nổi tiếng Dan Ariel, tác giả cuốn sách Phi lý trí (Predictably Irrational):

“Chuyển đổi số rất giống với quan hệ tình dục ở tuổi thanh thiếu niên. Mọi người đều nói về nó. Chỉ một số ít thực sự biết làm thế nào. Mọi người đều nghĩ rằng những người khác đang làm điều đó. Vì vậy, mọi người đều tuyên bố rằng mình đang thực hiện”.

Thực tế, theo nghiên cứu thống kê của hãng tư vấn Cagemini thì 90% CEO tin rằng Kinh tế Số hóa sẽ ảnh hưởng đến ngành của họ, nhưng chỉ có ít hơn 15% doanh nghiệp đang thực hiện một chiến lược CĐS.

 

Theo nghiên cứu năm 2020 mới đây của BCG khi làm việc với 70 công ty hàng đầu trên toàn thế giới về CĐS trong vài năm qua, dữ liệu thống kê bao gồm phản hồi của 825 giám đốc điều hành cấp cao trong một cuộc khảo sát chi tiết về trải nghiệm chuyển đổi của họ cho thấy có đến 70% dự án CĐS thất bại hoặc không đạt được kỳ vọng.

Tỷ lệ thành công trong chuyển đổi số (nguồn BCG)

Trả lời phỏng vấn ngày 13/3/2021 trên News Track Infomedia (Ấn độ), Raktim Singh, tác giả cuốn sách “‘Driving Digital Transformation: Reshape the Future of Your Business” (tạm dịch ‘Thúc đẩy chuyển đổi số: Định hình lại tương lai doanh nghiệp của bạn’), đưa ra cảnh báo về những thách thức này đối với các doanh nghiệp muốn CĐS thành công. Theo đó, để thực hiện thành công dự án CĐS, doanh nghiệp cần thực hiện một phương cách viết tắt là “WISE”:

– (W) hy: Biết “Tại sao” doanh nghiệp của mình tồn tại

– (I) intergration: hòa nhập với thế giới bên ngoài

– (S) ilos: Phá vỡ mọi loại rào cản, cát cứ dữ liệu cục bộ

– (E) nvironment: thay đổi môi trường và văn hóa

Theo Raktim, để triển khai toàn diện CĐS, điều quan trọng là phải xác định được lý do Tại sao (Why) của doanh nghiệp mình tồn tại, cần có một tầm nhìn rộng hơn những thứ hiện có.

Thứ hai, Raktim tin rằng sự tích hợp (Intergration) hoàn hảo sẽ xảy ra nếu đội nhóm và sản phẩm của doanh nghiệp có thể cộng tác liền mạch với ‘Đối tác + Nhà cung cấp bên ngoài’ và cung cấp các giải pháp tuyệt vời cho khách hàng. Cần sẵn sàng cộng tác trong “nền kinh tế API” (Application Programing Interfacce- Giao diện chương trình ứng dụng). Thứ ba, một Nền tảng mạnh mẽ, phá vỡ các di sản cũ, các rào cản cát cứ dữ liệu cục bộ (Silos) cần được thực hiện. Cuối cùng, ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi tổng thể về văn hóa và môi trường (Environment) nhằm CĐS hiệu quả.

Ngoài ra, chuyên gia Michael Chalmers, công ty tư vấn chuyển đổi Contino đưa ra lời khuyên của mình giúp các doanh nghiệp đang thực hiện một “cú nhảy niềm tin” (“a leap of faith”) khi thực hiện công việc đầy rủi ro và thử thách này.

Sau đây là 10 sai lầm mà Michael Chalmers gợi ý doanh nghiệp cần lưu ý:

1. Các nỗ lực đổi mới không phù hợp với định hướng kinh doanh

Các doanh nghiệp có xu hướng tập trung nhiều vào kỹ thuật, công nghệ hơn là kinh doanh. Nhưng để có cơ hội thành công, bạn phải tìm ra “lý do tại sao” (Why) trước khi bắt đầu. Xây dựng một tình huống kinh doanh (case study) vững chắc và một nhóm làm việc đa chức năng gồm các bên liên quan cả kinh doanh và công nghệ. Làm rõ các tình huống kinh doanh của bạn và thông báo cho mọi người về tiến độ thường xuyên.

2. Thiếu hỗ trợ cấp lãnh đạo (C-level)

Vào cuối ngày, cuối tháng, cuối quý hay năm, nếu người lãnh nhiệm vụ thay đổi không tồn tại, CĐS thực sự là không thể. Bạn cần có sự hỗ trợ cấp lãnh đạo cao nhất nếu không các sáng kiến ​​đổi mới sẽ gặp khó khăn để mở rộng quy mô ra ngoài một nhóm nhỏ hoặc bị tình trạng cát cứ, cục bộ (silo).

3. Tâm lý “Đó là cách chúng tôi luôn làm”

Nhiều tổ chức mắc sai lầm khi dỡ bỏ và chuyển tất cả các quy trình và kiểm soát từ hàng chục năm qua vào dự án đổi mới của họ. Nhưng “Đó là cách chúng tôi luôn làm” không phải là phản ứng đúng đắn khi thực hiện đổi mới. Đây là lúc để tự động hóa các điểm kiểm tra (checkpoint) và xác thực việc tuân thủ của bạn, đồng thời minh họa điều này bằng bảng điều khiển và hình ảnh trực quan.

4. Nỗi sợ hãi về những điều chưa biết

Nỗi sợ hãi về những điều chưa biết có thể bóp nghẹt sự tiến bộ. Bổ sung các nhà quản lý dịch vụ và chuyên gia tuân thủ vào các nhóm đa chức năng. Yêu cầu họ tham khảo ý kiến ​​với các bộ phận kỹ thuật và tăng tính minh bạch và kiến ​​thức về sự thay đổi trong toàn cảnh dự án.

5. Các mục tiêu quá tham vọng không mang lại ROI đủ nhanh

“Đừng đun sôi đại dương” với các dự án chuyển đổi kỹ thuật số. Đảm bảo rằng những nỗ lực đổi mới của bạn có thể chứng minh giá trị kinh doanh trong ba tháng. Bạn cần những chiến thắng nho nhỏ, thuyết phục để tạo sự tin tưởng. Áp dụng tư duy thiết kế nhanh (design sprint thinking), các nhóm chức năng và các sản phẩm khả thi tối thiểu (minimum viable products – MVPs) để kiểm tra giả thuyết của bạn với khách hàng thực tế.

6. Tập trung nhiều hơn vào công nghệ hơn là khách hàng của bạn

Khách hàng của bạn sẽ không quan tâm đến cách bạn định cấu hình mạng dịch vụ của mình. Họ muốn những sản phẩm đẹp, ổn định, đáng tin cậy và loại bỏ rào cản khỏi cuộc sống của họ. Nhằm mục đích cung cấp các phần mềm hoạt động được cho khách hàng trong mỗi một sản phẩm thử nghiệp nhanh (sprint). Đảm bảo rằng khách hàng thực sự có thể sử dụng ở mức độ tối thiểu và dùng những phản hồi của họ cho các mục tiêu của sản phẩm thử nghiệm tiếp theo của bạn.

7. Thiếu kỹ năng và tài năng về công nghệ

Các tổ chức thường không đạt được các kỹ năng số và tài năng để xây dựng các giải pháp bền vững sử dụng công nghệ đám mây thuần túy (cloud-native). Đầu tư vào các kỹ năng và sự phát triển của con người là rất quan trọng. Tham gia các sự kiện trong ngành về nói về những gì doanh nghiệp đang cố gắng đạt được và văn hóa kỹ thuật mà doanh nghiệp đang nuôi dưỡng để thu hút những người có kỹ năng số phù hợp.

8. Tiếp tục mà không có mô hình kinh doanh rõ ràng

Khi nói đến việc xây dựng dự án đổi mới, bạn cần phải rõ ràng về chiến lược của mình. Có hai lựa chọn. Hoặc bạn xây dựng một ‘”doanh nghiệp mới”, một dự án tách biệt với hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, dựa trên công nghệ hiện đại và sự đổi mới nhanh chóng sẽ cung cấp thông tin chi tiết và học hỏi trở lại công ty mẹ. Hoặc bạn có thể bắt đầu bằng cách đưa ra các thay đổi từng chút một và thực hiện thay đổi dần dần công việc kinh doanh của bạn theo thời gian. Điều này chậm hơn nhưng vẫn có thể chuyển đổi. Đừng cố gắng làm cả hai lựa chọn! Bạn sẽ không đạt được gì.

9. Từ chối trao quyền cho thuộc cấp

Thử nghiệm và tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) cần được khuyến khích và khen thưởng trong toàn doanh nghiệp. Nhân viên, thuộc cấp nên được trao quyền để đưa ra quyết định như một phần của nỗ lực đổi mới. Thiết lập môi trường trên đám mây cho phép nhóm của bạn sáng tạo mà không vi phạm sự tuân thủ. Sử dụng bảo mật trên nền tảng đám mây và các phương pháp tiếp cận DevSecOps để nhúng các biện pháp chủ động ở mỗi giai đoạn trong vòng đời phát triển phần mềm.

10. Không có khung thời gian thực (No real timescale)

Đảm bảo rằng các nỗ lực CĐS không trôi dạt, không mục đích, không phù hợp với định hướng kinh doanh. Chia nỗ lực của bạn thành từng bước, lập kế hoạch trong ba tháng với các mục tiêu và kết quả chính được xác định rõ ràng, nắm bắt thông tin để điều chỉnh và thống nhất với các nhóm kinh doanh, kỹ thuật.

 

NGUỒN:  Theo báo Viettimes

Link bài:Tại sao….

https://viettimes.vn/tai-sao-chuyen-doi-so-that-bai-va-10-thach-thuc-can-vuot-qua-post143993.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *