Tại sao tôi chọn Number One?

Lớp trẻ ai làm được gì tui đều yêu quí trân trọng. Với Thanh Vũ, tức Vũ Phương Thanh – "Bông hồng thép" vượt sa mạc, tui coi đó là "cô gái vàng Việt Nam". Thanh Vũ đã băng qua sa mạc Atacama với độ cao 3.200m (cao hơn đỉnh Fanxipan) với quãng đường 250km. Rồi tiếp tục chinh phục tổng cộng 1.000km qua những 4 sa mạc (nóng, gió, khô và lạnh nhất thế giới) trong vòng có 1 năm, trước sự ngạc nhiên của mọi người.​

Ai đã gặp cô gái bé nhỏ này mới kinh ngạc về nghị lực phi thường của cổ. THP chọn Thanh Vũ là đại sứ Thương hiệu Number 1, vì cô là hình ảnh thuyết phục nhất của slogan THP: "Không gì là không thể" .
 
Ông “tổng biên tập” blog Trần Quí Thanh bỗng nhận được bài của Thanh Vũ, sau khi blog mới public được 6 ngày. Đọc đi đọc lại, cảm động lắm, đăng thì sợ mèo khen mèo dài đuôi, không đăng thì phụ tấm lòng của Thanh Vũ.

Ba Thanh xin đăng một bài này, cảm ơn con nuôi của ba nhiều lắm nghen! 

—–
Tại sao tôi chọn Number One?
 

Khi tôi còn đi học, ước mơ của tôi là học thật giỏi, vào được trường tốt, có bằng tổt và rồi có một công việc kiếm được thật nhiều tiền. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng cuộc sống của tôi lại mô phỏng những câu chuyện phiêu lưu, mạo hiểm như  Gu-li-vơ Du Ký hay Dế Mèn Phiêu Lưu Ký cả. Vậy mà, ở cái tuổi giữa hai mươi, khi nhiều người còn đang lâng lâng trước công việc đầu đời và cuộc sống gia đình, tôi lại chọn một con đường thật không giống ai.
 
Tôi bỏ đi tất cả những gì tôi đã bỏ bao công sức để vươn tới được, để đi chinh phục những thử thách khắc nghiệt nhất trên thế giới. Những thử thách kéo dài tường chừng như vô hạn và bất khả thi đối với một cô gái thành phố, yêu máy tính, yêu điện thoại và Internet như tôi.
 
Nhưng tiền tài, danh vọng là những thứ nếu mất đi thì cũng có thể gây dựng lại. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong những năm 90 nên tôi cũng biết cuộc sống ít vật chất nó như như thế nào. Khi tôi được đi du học, cuộc sống thú vị hơn rất nhiều, nhưng vì sống xa gia đình, làm quen với môi trường mới và phải tự lập nên đòi hỏi lúc nào cũng phải phấn đấu vươn lên.
 
Đến khi tôi đi làm cho Bloomberg, một công ty phân tích dữ liệu và tin tức tài chính của Mỹ ở Singapore, lúc đó mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn. Cuộc sống vật chật đầy đủ hơn rất nhiều. Tôi có tiền ăn tiêu, tiền đi chơi, tiền tiết kiệm nhưng tôi lại cảm thấy hai chữ "thành công" càng ngày càng xa. Cái lửa trong tôi cháy ngày càng yếu đi và tôi bắt đầu nhìn lại bản thân. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều rất "tốt" nhưng nó không "tuyệt vời" như tôi mong muốn. Trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc, tôi cảm nhận ít hơn, biết ơn ít hơn, khó gần hơn.
 
Đó cũng là lúc tôi biết tôi phải thay đổi. Tôi biết nếu an phận, cuộc sống của tôi mãi mãi cũng sẽ chỉ đạt được chữ "tốt" mà thôi. Tôi không biết phải làm thế nào, đích đến là đâu. Nhưng không hiểu sao, tôi chắc chắn rằng cuộc sống được dẫn dắt từ lòng dũng cảm, bứt phá ra khỏi vòng an toàn để xây dựng bản lĩnh mới có thể dẫn đến một cuộc sống "tuyệt vời".
 
Lúc đầu, tôi nghĩ có lẽ tôi nên bắt đầu bằng việc thay đổi công ty.  Rồi tôi lại nghĩ hay là thay đổi luôn cả môi trường, để sống và làm việc tại một nước khác đi cho nó thú vị hơn.
Trong bao lựa chọn và con đường, thật khó có thể tưởng tượng được cơn gió cuộc đời đã đưa đẩy con thuyền tôi đi đến ngày hôm nay. Tôi trở thành đại sứ thương hiệu của Number One, thuộc tập đoàn Tân Hiệp Phát, và chạy xuyên suốt những chặng đường (siêu) dài vòng quanh thế giới.
 
Đọc đến đây, chắc các bạn nghĩ bụng không biết THP đã trả cho tôi bao nhiêu tiền để viết những dòng này. Câu trả lời là "Rất nhiều". Vì không có Number One đồng hành cùng tôi, mục tiêu trở thành người Việt Nam đầu tiên (và cũng là người phụ nữ đến từ Châu Á đầu tiên) chạy 1000km qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất trên thế giới trong một năm trời sẽ không thực hiện được.
 
Những thử thách tầm cỡ này luôn cần hội tụ ba yếu tố: thời gian, sự tập trung và tài chính. Những người lớn tuổi hơn có sự tập trung và tài chính nhưng lại bị ràng buộc bởi yếu tố thời gian ưu tiên cho con cái, công việc, và hàng trăm thứ khác. Còn một người trẻ như tôi tuy có thời gian, có sự tập trung nhưng cái yếu tố tài chính là cả một vấn đề.
 
Cũng không phải tình cờ mà tôi là một trong hai cô gái trẻ nhất hoàn thành thử thách này ở tuổi 26. Mặc dù mức thu nhập của tôi khi rời Bloomberg cao hơn mặt bằng thu nhập trung bình ở Singapore khá nhiều, nhưng nếu muốn tham gia thử thách này, tôi sẽ phải tiết kiệm trong nhiều năm. Có lẽ khi đến lúc tôi dành dụm đủ tiền, hoàn cảnh cuộc sống và công việc của tôi có lẽ cũng đã thay đổi. Vậy nên, điều làm tôi tự hào nhất là tôi đã tìm cách hội tụ được cả ba yếu tố để đưa tôi đến được vạch xuất phát tại những sa mạc hoang vu.

 
Tôi là một trường hợp cá biệt. Không phải là người giỏi thể thao, cũng không phải người nổi tiếng, nhưng tôi lại phải đi tìm một nguồn tài trợ cho một kế hoạch không tưởng. Tôi chia sẻ kế hoạch của tôi với rất nhiều người, từ những khía cạnh khác nhau của việc tài trợ. Tôi gặp những người có kinh nghiệm từ phía tổ chức giải, những công ty đã từng tài trợ những chương trình thể thao, những người làm truyền thông để học hỏi kinh nghiệm chào mời tài trợ.
 
Tôi học được rất nhiều điều từ cách chia gói tài trợ cũng như điều chỉnh ngân sách để phù hợp cho việc quản lý đầu ra, đầu vào cho cả hai bên. Lúc đó tôi mới thấm thía cái tác dụng của cái bằng quản trị kinh doanh. Cầm trong tay kế hoạch và ngân sách đã trau chuốt, tôi cảm thấy mình đã đặt bước tiến đầu tiên.
 
Nhiều người khi nghe tôi chia sẻ kế hoạch đều tặng lời thán phục, thậm chí đồng ý ngay việc tài trợ sản phẩm làm cho tôi có hy vọng nhiều hơn. Nhưng cảm giác đó không kéo dài được bao lâu. Đã có nhiều nhà tài trợ sản phẩm, nhiều người dành thời gian nói chuyện với tôi, cho tôi lời khuyên, huấn luyện tôi, giới thiệu cho tôi những người có thể giúp tôi. Nhưng thực tế là nhà tài trợ chính vẫn chưa có mà việc luyện tập vất vả ngày càng làm tôi sợ.
 
Một nhà doanh nhân đã từng tham gia rất nhiều các hoạt động thể thao mang tính thử thách cao ở Việt Nam khuyên tôi nên lập ra một danh sách những công ty có thương hiệu phù hợp với tinh thần tiên phong trong những thử thách táo bạo. Anh cũng có nhắc đến Tân Hiệp Phát, một công ty đã từng đưa những người Việt Nam đầu tiên lên chinh phục đỉnh Everest. Dường như đó đã là một nền tảng để gặp gỡ nói chuyện. Nhưng trong thời gian đó, rất nhiều người đang hô hào tẩy chay doanh nghiệp Tân Hiệp Phát vì scandal con ruồi trong chai nước. Trong ý kiến của riêng tôi, tôi hiểu tâm lý của một tập đoàn gia đình muốn bảo vệ đứa con tinh thần của mình từ những xâm hại bên ngoài. Nhưng tôi cũng hiểu người Việt vốn nặng chữ tình hơn chữ lý, khi tên tuổi của doanh nghiệp đang bị đánh giá gay gắt, tôi sẽ bị cộng đồng ghét lây nếu đồng ý hợp tác. Vậy nên tôi cũng ngại và không có ý định tìm hiểu thêm Tân Hiệp Phát lúc đó.
 
Tình cờ, một hôm tôi chạy cùng mấy người bạn. Trong nhóm có một anh doanh nhân đang tập luyện để chuẩn bị tham gia một giải marathon đầu tiên trong đời. Thấy tôi vừa chạy, vừa đeo cái Balô to đùng, anh hỏi. Tôi cười, bảo đó là cách tôi phải luyện tập cho những giải chạy tự hỗ trợ trong sa mạc. Tôi phải đem hết dụng cụ, thức ăn và tư trang cần thiết trong balô để chạy trung bình một cái marathon mỗi ngày, trong 1 tuần, và tôi sẽ chạy 4 giải như thế , trong cùng một năm và ở những sa mạc khô cằn, khắc nghiệt.
 
Thoạt đầu, tôi cứ tưởng anh sẽ trợn mắt, nghĩ tôi bị khùng. Nào ngờ, anh nói luôn, "Kế hoạch của em thật đáng khâm phục. Em đã lo xong phần tài chính chưa? Anh đã từng làm việc với một công ty chắc chắn sẽ rất thích kế hoạch của em, vì nhãn hàng nước tăng lực của họ rất phù hợp với những thử thách mà bên đó luôn hỗ trợ. Anh sẽ giới thiệu bên đó với em". Đó là lần thứ hai cái tên Tân Hiệp Phát được nhắc đến bởi hai người thành đạt và có chữ tín trong giới doanh nhân.
 
Ngay chiều hôm đó, tôi nhận được lời giới thiệu với chị Uyên Phương, phó tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát. Tôi thật bất ngờ vì trong suốt thời gian tôi đi tìm kiếm nhà tài trợ, nhiều người trong cuộc nói với tôi rằng tôi không thể làm được những việc này một mình. Nhiều người nói tôi không biết cách làm việc ở Việt Nam. Ở Việt Nam nhiều cái phức tạp lắm, không như ở nước ngoài đâu. Tôi phải biết cách bôi trơn các bộ phận trình đề xuất, phải có kickback, phải có một người chuyên làm manager lo chuyện truyền thông và việc tìm tài trợ cho. Có người còn ít tế nhị hơn và còn gợi ý tôi nên tìm hiểu các đại gia hay đi tập gym. Đôi khi những lời gợi ý tiêu cực này cũng làm tôi nản và nghĩ chắc có lẽ tôi không thể và cũng không còn đủ thời gian để biến kế hoạch của tôi thành sự thật.
 
Vậy mà bây giờ, một chị phó tổng giám đốc một doanh nghiệp khổng lồ muốn nói chuyện với tôi. Tôi rất mừng nhưng cũng rất lo. Một số người nghe tôi nói có hẹn với Tân Hiệp Phát cũng khuyên tôi không nên, nói bên đó làm ăn phức tạp.  Hai ngày trước ngày tôi hẹn gặp chị Phương tại văn phòng tại Bình Dương, mạng xã hội lại dậy lên phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát. Đọc những bài viết và lời bình luận cay nghiệt, đánh giá này kia, tôi sợ và đắn đo xin nghỉ hẹn. Trằn trọc cả đêm rồi tôi quyết định vẫn giữ hẹn. Dù sao cũng nên tiếp cận, nếu không phù hợp thì cũng là một cơ hội học hỏi.
 
Trụ sở Tân Hiệp Phát ở Bình Dương khá xa, khi ra vào phải trình ID, kiểm soát máy tính laptop, nghiêm ngặt như công ty nước ngoài. Nhưng khi bước chân vào đến văn phòng, sảnh mang rất đậm tính Việt. Rất nhiều tượng, đồ gỗ điêu khắc tinh vi. Ở giữa phòng có một quyển sách rất to, mở ngay trang bài hát của gia đình Tân Hiệp Phát. Bên trái sảnh thì cả bức tường treo đủ các bằng khen, chứng nhận tài trợ cho đủ các giải thể thao, nào là đạp xe, đá bóng, tỉnh, thành phố, đủ cả. Và tất nhiên, bộ đồ của Phan Thanh Nhiên mặc lúc trèo Everest.
 
Tôi ngắm bộ đồ một lúc lâu và nhìn quyển Vietnam Book of Records được đặt cạnh bộ đồ. Tôi nghĩ, không biết thử thách của mình có đáng sánh vai với cái thử thách huyền thoại này hay không. Tám năm kể từ ngày đoàn leo núi Vietnam lên đỉnh Everest.. bộ đồ trước mắt tôi có một sức hút kỳ lạ. Nhìn nó mà tôi như được động viên trước cái thử thách mà tôi đang hướng đến. Khi đến được Nam Cực, tôi cũng sẽ cầm một lá cờ Number One như vậy, không biết cái cảm giác đó nó sẽ như thế nào.. tôi thầm nghĩ.
 
Chị Phương vẫn bận họp nên tôi đợi ở ghế sofa. Tôi vớ cuốn tạp chí nội bộ của doanh nghiệp đọc giết thời gian. Sắp đến Tết Nguyên Đán nên tạp chí điểm rất nhiều bài về lễ Tết. Rất nhiều chương trình hỗ trợ Tết trên khắp đất nước, trong đó có cả chương trình chạy bộ từ thiện để gây quỹ cho công nhân xa nhà về quê ăn Tết. Đọc đến đây, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Doanh nghiệp rõ ràng là rất thuần Việt, rất có tinh thần thể thao, chinh phục thử thách, lại rất tích cực trong nhiều hoạt động xã hội. Tôi cảm giác như mình đã đến chính xác nơi mà mình cần đến. Tôi sẽ không để một vụ việc truyền thông ồn ào chi phối cách nghĩ của tôi nữa.
 
Mỗi lần những lời bình luận gay gắt từ cộng đồng, từ những người mới quen, nhiều lời cỗ vũ  trở thành lời cảnh báo làm cho cho tim tôi đập thình thịch, đầu óc phân tán. Nhiều câu bình luận làm tôi bực bội đến nghẹt thở. Nhưng tôi nghĩ, "Càng phản ứng thì càng như đổ dầu vào lửa. Tôi đã từng đi thăm quan nhà máy, tìm hiểu công nghệ. Tôi phải có ý kiến của mình. Giờ phải tập trung vào những gì cần làm để vượt qua những thử thách trước mắt".
 
Cũng có một công ty sau này ngỏ ý muốn tài trợ cho tôi nhưng với điều kiện không muốn để chung hình ảnh nhãn hàng của họ với Number One. Tôi nghĩ những lời mời như vậy là đánh giá tôi không có đẳng cấp, đã không tìm hiểu nhà tài trợ nên tôi từ chối. Tôi cũng có biết nhiều người có kế hoạch hay và phù hợp với nhãn hiệu Number One, tôi gợi ý giới thiệu Tân Hiệp Phát cho họ, nhưng họ từ chối vì sợ danh tiếng bị ảnh hưởng, sau này sẽ khó làm việc với các nhà tài trợ khác. Càng gặp nhiều trường hợp đó, tôi càng thấy bản thân đang chấp nhận một thử thách khó.
 
Tôi nghĩ Tân Hiệp Phát là thương hiệu Việt, đang bị ảnh hưởng đến danh tiếng, mình hợp tác là đúng. Nếu như danh tiếng của doanh nghiệp trơn tru, lúc đó tôi có đóng góp được gì không mà nhận tài trợ? Nếu những chuyện như thế này mà tôi thấy khó thì làm sao vượt được những sa mạc khắc nghiệt trước mắt?
 
Tất nhiên là khi gặp Tân Hiệp Phát, tôi vẫn run. Mặc dù chị Uyên Phương còn trẻ, cái nhìn của chị tuy cởi mở nhưng cũng có phần nghiêm nghị. Sau khi tôi trình bày kế hoạch của mình, chị Phương nhìn tôi và nói chị sẽ hợp tác vì kế hoạch này và tôi có "Khí phách Việt". Cũng vì ba từ này mà trong cả năm theo đuổi thử thách của mình, tôi tự hào mang cờ đỏ sao vàng đi vẫy trên khắp các sa mạc. Đến lúc bị sốc độ cao ở sa mạc Gobi trong mấy ngày đầu, đầu óc mê muội, cơ thể run rẩy, tôi vẫn đẩy mình lên phía trước, vì tôi nhớ tôi đã hứa với chị: "Em sẽ không để chị thất vọng".
 

 

Sau này khi có cơ hội gặp chị Bích, em gái của chị Phương và cũng là giám đốc doanh nghiệp, tôi cũng hiểu thêm ý nghĩa của ba từ này. Tôi đã có nghe nhiều về cá tính và ý chí mạnh mẽ của chị Bích, việc chị chạy, đạp xe từ thành phố đến Bình Dương làm việc, việc chị cũng đi cùng đoàn anh Nhiên đến những trại nghỉ chân dọc đường leo đỉnh Everest. Chị rất quan tâm đến những cách nhìn mới của thế giới về Việt Nam, the New Vietnam. Không còn là một đất nước nghèo nàn, tàn phá bởi chiến tranh nữa mà Việt Nam đã lột xác trở thành một đất nước đẹp, nhiều tiềm năng và cơ hội. Chị Bích là một người ham học hỏi. Chị không chỉ thử thách bản thân mà còn thử thách cả trí tuệ của mình nữa. Nhìn dãy thư viện sách của chị, tôi mới thấy là chị Bích cũng có những sa mạc của riêng chị trong những cuốn sách.
 
Người cuối cùng tôi gặp từ gia đình Tân Hiệp Phát trước khi lên đường là sếp Thanh. Trước đó, tôi mới thấy chú trên những chai trà thảo mộc Dr. Thanh. Nhìn hình chú trên chai, tươi cười rất phúc hậu. Nhưng sau bao chuyện tôi nghe về chú, tôi cũng không dám nghĩ là chú sẽ tươi cười gặp tôi.
 
Có lần tôi nghe chị Phương nói lúc chị trình bày kế hoạch chinh phục sa mạc của tôi cho chú, chú hỏi "Làm sao con bé này nó làm được?". Chị Phương phải đấu tranh với chú để tôi trở thành đại sứ thương hiệu đầu tiên của nước tăng lực Number One. Mà tôi cũng biết chú rất bận. Chú là người xây dựng cả cái doanh nghiệp này, cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và vươn lên với các công ty khổng lồ đa quốc gia, làm sao chú tươi cười khi chú phải dành thời gian để gặp, nghe tôi nói về những hành trình xa lắc, mà không biết có thành công hay không. Hôm đó tôi lại đang luyện tập mang tạ trên người để quen với cân nặng của balô trong sa mạc nên trông tôi hơi kỳ kỳ. Tôi lo lắm. Trước giờ họp, tay tôi lạnh cóng, chạy ra chạy vô nhà vệ sinh mấy lần.
 
Lúc tôi thấy chú và ban quản lý đi vào phòng họp từ xa, đúng như tôi nghĩ, trông chú rất nghiêm nghị. Hai lông mày cau lại như một người đang tập trung đọc một quyển sách. Tôi cười và  chào chú, nghĩ bụng, "Cứ bình tĩnh, tự nhiên, thoải mái thôi". Cũng may là tuần đó, tôi đã phỏng vấn với mấy kênh truyền hình nên cách trình bày của tôi cũng lưu loát hơn. Nghe tôi kể về những trải nghiệm của mình, chia sẻ những kế hoạch, hoài bão, tôi thấy chú cũng dần dần đồng cảm với kế hoạch của tôi. Đôi lông mày của chú cũng không cau lại nữa và chú gật gù, mỉm cười với những lời tôi nói. Chú khen tôi dũng cảm, động viên tôi duy trì bản lĩnh và chú sẽ đợi ngày tôi trở về để chúc mừng.
 
Với những người không dễ cười, khi làm họ cười, tôi tự hào lắm. Như kiểu nó xứng đáng, nó bõ cái công mình bỏ ra. Thế nên, mặc dù những thử thách sa mạc trong năm 2016 là những thử thách khổng lồ, có nhiều cái để tôi cảm thấy dáng tự hào hơn. Tôi tự hào rằng ý chí chinh phục thử thách của tôi nó không chỉ nằm trong tôi mà nó còn cuốn hút những người xung quanh tôi. Tôi tự hào rằng, khi nhiều doanh nghiệp còn mới chỉ tập trung vào những sự kiện có quy mô lớn, một trong những doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã chấp nhận rủi ro, dũng cảm đồng hành với tôi và biến một ý tưởng xa vời, dường như không thể thành có thể.
 
Một khởi đầu mới cho tôi, một bước đi cho Tân Hiệp Phát tiếp tục lập nên lịch sử, một thời đại mới cho “Khí phách Việt”.

Thanh Vũ
 
—–
Phóng sự quá trình chinh phục 4 sa mạc của Thanh Vũ

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *