Thanh Xuân/ Báo Thanh niên
Từ nhiều thập niên trước, Việt Nam đã có những tên tuổi được người tiêu dùng ưa chuộng, thống lĩnh thị trường cả về chất lượng và số lượng. Thế nhưng, hội nhập với sự tham gia của hàng loạt công ty đa quốc gia mạnh về tài chính, giàu về kinh nghiệm… đã khiến không ít công ty bị thâu tóm, thu hẹp, thậm chí biến mất hoàn toàn. Bối cảnh đó thôi thúc nhiều doanh nhân vươn lên, xây dựng doanh nghiệp mạnh làm đối trọng với các doanh nghiệp ngoại.
Là thế hệ thứ 2 trong công ty có thâm niên 25 tuổi, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, chia sẻ: “Xây dựng một thương hiệu đã khó, mà để thương hiệu tồn tại bền vững lại rất khó. Đó là lý do tại sao nhiều thương hiệu trở thành hoài niệm”. Bà Phương không giấu giếm ước mơ xây dựng, phát triển Tân Hiệp Phát thành doanh nghiệp Việt 100 tuổi.
Vậy Tân Hiệp Phát đã cạnh tranh thế nào với các ông lớn ngoại để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ? Tân Hiệp Phát đã chuẩn bị những gì cho chặng đường dài trước mắt… để vươn tới khát vọng chính đáng trên? Đặc san Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Uyên Phương xung quanh câu chuyện này.
Chất lượng và tầm nhìn
Thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay thường liên tục thay đổi, trong khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu, sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu. Tân Hiệp Phát làm gì để cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh này, thưa bà?
Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh thì việc đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng rất quan trọng. Đó là những mặt hàng mà thị hiếu của người dùng có mức độ thay đổi nhanh và độ trung thành ít hơn những hàng hóa có giá trị lâu dài khác. Chúng tôi luôn phải tăng cường tiếp cận, nghiên cứu thói quen thay đổi của người tiêu dùng và liên tục cập nhật xu hướng của thị trường để cho ra đời các sản phẩm đáp ứng nhu cầu.
Thường doanh nghiệp càng lớn sẽ càng chậm nhưng đối với Tân Hiệp Phát thì ngược lại, chúng tôi càng lớn càng phải nhanh hơn và uyển chuyển hơn để tiếp cận người tiêu dùng, thay đổi nhanh cho kịp với nhu cầu của họ.
Trong công ty chúng tôi có bộ phận nghiên cứu sản phẩm. Nếu sản phẩm này không thích ứng với thị trường thì phải thay đổi ngay. Không có một công thức thành công cụ thể cho tất cả các doanh nghiệp nhưng có một điểm xuất phát chung là phải đi từ nhu cầu của người tiêu dùng, đó là gốc rễ để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Thị trường không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà sản phẩm của anh chị ra thị trường có được người tiêu dùng lựa chọn hay không? Có những sản phẩm doanh nghiệp rất tâm đắc, được nội bộ đánh giá là tốt. Thế nhưng anh thích là một chuyện, vấn đề là người tiêu dùng có thích hay không? Cho nên cần phải có nghiên cứu thị trường trước khi đưa ra sản phẩm. Ngoài ra, để có được chỗ đứng, những sản phẩm ra đời sau cần tạo được sự khác biệt, độc đáo riêng nhưng vẫn phải giải quyết nhu cầu người tiêu dùng.
Trước đây Tân Hiệp Phát liên tục ra đời các sản phẩm lần đầu tiên có mặt trên thị trường như trà thảo mộc, nước tăng lực đóng chai thủy tinh… Trà là nước uống phổ biến ở Việt Nam nhưng người tiêu dùng có nhu cầu sản phẩm sao cho tiện lợi, bảo quản tốt… đó là điều mà doanh nghiệp phải tính. Đến thời điểm này, Tân Hiệp Phát có khoảng 180 sản phẩm đang nghiên cứu, bên cạnh các sản phẩm đã ra thị trường. Tất cả những sản phẩm này, công ty tin là giải pháp cho thị trường nhưng chúng tôi cũng phải cân nhắc độ lớn của nhu cầu bao nhiêu trước khi đưa ra. Nếu nhu cầu nhỏ thì giá thành của sản phẩm rất cao, dẫn đến sản phẩm khó có chỗ đứng.
Hiện thị trường Việt Nam có đầy đủ các thương hiệu lớn của thế giới trong khi doanh nghiệp nội đa số nhỏ, kinh nghiệm ít… Chúng ta có vẻ yếu thế hơn so với họ quá nhiều, thưa bà ?
Thế giới có nhiều thương hiệu cả trăm năm, thế nhưng không có nghĩa là chỉ có chúng ta học hỏi ở họ. Ngược lại, họ cũng nhận thấy rất nhiều điều bổ ích của chúng ta. Tôi có nhiều thời gian làm việc với các đối tác nước ngoài. Một trong những thứ họ thấy được ở doanh nghiệp Việt đó là sự tự tin. Khi nghe nói đến Việt Nam, nhắc đến các doanh nghiệp Việt phát triển ở thị trường nước ngoài, những doanh nhân nước ngoài rất nể phục. Qua những thông tin trong cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” của tôi được Forbes xuất bản, nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam, họ thấy được thị trường Việt Nam là cơ hội. Thực tế ở một số nước, tốc độ tăng trưởng của các công ty không còn lớn nữa nên họ muốn đến quốc gia đang phát triển như chúng ta để đầu tư. Đây là nguồn động lực, khích lệ nhưng cũng là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp Việt. Nếu chúng ta không phát triển kịp, không nhìn thấy cơ hội cũng như thách thức để khắc phục mà tăng tốc, đến khi các công ty đa quốc gia vào, sự cạnh tranh mỗi ngày nhiều hơn, lúc đó sự đe dọa sẽ lớn hơn.
NGUỒN: Theo Báo Thanh niên online
Link bài: Tân Hiệp Phát và khát vọng….
(https://thanhnien.vn/tai-