Lê Tuyết / VNExpress
Tôi hỏi chị Ngọc, công nhân may, thuê trọ ở Hóc Môn (TP HCM), nghĩ gì khi lương tối thiểu dự kiến tăng 6%. Chị trả lời “không đủ bù tiền xăng”.
Chị Ngọc, 42 tuổi, hơn sáu năm làm việc cho một xưởng may gần chỗ trọ. Nếu đi làm đủ ngày công và có tăng ca, thu nhập mỗi tháng của chị cũng không vượt qua mức sáu triệu đồng.
Tháng 7 tới, nếu Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng được thông qua, lương căn bản của chị Ngọc sẽ là (lương tối thiểu năm 2020 4.420.000 đồng + 260.000 đồng là mức tăng của vùng I như TP HCM, Hà Nội) x 7% (phần tăng thêm cho lao động đã qua đào tạo) = 5.007.600 đồng). Nếu may mắn, công ty sẽ làm tròn thành 5,01 triệu đồng cho chị. Sau khi trừ 10,5% cho bảo hiểm xã hội, số tiền thực nhận chưa đến 4,5 triệu đồng. So với mức hiện tại 4,3 triệu, lương thực nhận của chị tăng khoảng 200.000 đồng.
Công ty nơi chị Ngọc làm việc là doanh nghiệp điển hình trong việc bám sát các quy định, luôn xây dựng lương căn bản cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu cho những lao động đã qua đào tạo. Tăng ca, thưởng Tết, tham gia bảo hiểm xã hội đều được tính toán trên mức này.
Chị Ngọc cũng là một hoàn cảnh điển hình. Một khảo sát về việc làm của lao động nữ ngành may do Liên đoàn lao động TP HCM công bố đầu năm nay cho thấy thu nhập bình quân mỗi tháng của nhóm này chỉ đạt 6,8 triệu đồng, bao gồm cả thời gian làm thêm. Trong đó trên 20% có thu nhập mỗi tháng chưa đến 5 triệu. Mức thu nhập 5-8 triệu đồng chiếm 60%.
Tôi gợi ý chị Ngọc kiếm chỗ khác làm vì lương thấp quá. Nhưng chị lắc đầu, bởi ít nhà máy tuyển công nhân ngoài 40 tuổi. Nếu đi xa, phải chuyển chỗ ở đến một nơi có quá nhiều lao động nhập cư, chị lo hai đứa con không thể tìm được một suất ở trường công lập… Không thể đổi chỗ làm, chị chỉ mong đến kỳ điều chỉnh lương. Sau hai năm tạm hoãn, với mức tăng dự kiến 6%, thu nhập của chị không nhích lên được bao nhiêu.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, dựa vào phương pháp tính “Lương đủ sống Anker”, tức mức lương mà người lao động nhận được để duy trì mức sống bình thường cho bản thân và gia đình tại TP HCM (vùng I) vào năm 2020 là 7,5 triệu đồng. Như vậy, cùng thời điểm, lương tối thiểu (4,42 triệu đồng) chỉ bằng 59% lương đủ sống.
Một khảo sát khác của đơn vị này cũng cho thấy, 90% doanh nghiệp xây dựng lương cơ bản, tức trả cho tám giờ làm việc chỉ cao hơn 7-10% lương tối thiểu.
Mục tiêu của lương tối thiểu là bảo vệ người yếu thế, đảm bảo họ không bị trả thấp hơn mức tối thiểu. Nhưng trong nhiều tình huống, nó lại trở thành mức trần chi trả. Người lao động không thể đòi hỏi tăng thêm khi doanh nghiệp lấy cớ đã trả lương cơ bản cao hơn mức tối thiểu vùng. Những người như chị Ngọc đang phải nhận mức lương còn chưa đủ để tồn tại, chưa nói đến “để sống”.
Với nhiều doanh nghiệp, lương tối thiểu chỉ là cơ sở để xây dựng thang lương đóng bảo hiểm xã hội và tham chiếu để không trả thấp hơn. Tổng các khoản bảo hiểm cần đóng chiếm đến 32% lương căn bản cho nên một mức lương tối thiểu thấp sẽ giảm bớt rất nhiều chi phí.
Thế nhưng về lâu dài, khi lương hưu được tính dựa trên cả quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, những công nhân hết tuổi lao động nhận một khoản trợ cấp không đủ sống sẽ tạo thành áp lực không hề nhỏ lên hệ thống an sinh.
Lương tối thiểu sẽ không thể trở thành chỗ dựa cho người yếu thế nếu không có sự thay đổi cách nhìn nhận, tính toán để hướng đến lương đủ sống.
Lương đủ sống (Living wage), được các tổ chức quốc tế định nghĩa là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết – bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.
Lương đủ sống là mức tối thiểu mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo, giúp họ trang trải một mức sống tiêu chuẩn cho mình và gia đình.
Như vậy xét về định nghĩa, lương tối thiểu và lương đủ sống đều là mức lương thấp nhất, đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu, cơ bản cho người lao động và gia đình họ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, giá trị của lương tối thiểu và lương đủ sống lại khác nhau rất xa. Nguyên nhân do cách tính của Việt Nam dựa trên mức sống tối thiểu của nhóm dân cư thu nhập thấp và chi tiêu thấp, chứ không dựa trên mức sống tối thiểu theo tiêu chuẩn. Cụ thể, chi tiêu cho lương thực, thực phẩm trong cách tính mức sống tối thiểu là chi tiêu của nhóm 2-3, tiệm cận nhóm nghèo nhất trong 10 nhóm dân cư do Tổng cục Thống kê công bố.
Những người như chị Ngọc sẽ không hiểu tại sao mình buộc phải chi tiêu theo mức của nhóm cận nghèo trong khi mỗi ngày dốc sức làm việc tám tiếng, chưa tính tăng ca.
Tăng 6% sẽ không có ý nghĩa gì cả, nếu lương tối thiểu vẫn được tính dựa trên một mặc định giản đơn rằng, bằng việc tiêu dùng ít nhất và rẻ nhất, người lao động vẫn đủ sức làm việc cật lực ít nhất tám tiếng mỗi ngày.