Thành phố thông minh trước hết chính quyền phải có được những chính sách thông minh

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Theo Báo VOV.vn

—–

Anh Thanh mến,

Tui Phái nè. Từ bữa được anh trả lời trong bài: “Đầu tư nhà máy to vật, dại chi làm ăn gian dối” tới nay đã hơn năm rồi. Bệnh hoài anh à. Phái Xì ke mà. Ăn chơi hồi trẻ bây giờ gánh hậu quá. Nhưng thôi, già rồi, ai mà không thế phải không anh?

Viết thư hỏi anh về vụ “Thành phố thông minh” thiên hạ đang bàn tùm lum. Tui thấy hay nhưng không biết làm sao để xây dựng được thành phố thông minh như ý muốn. Hay là bàn cho vui rồi bỏ?

Để xây dựng Sài Gòn là thành phố thông minh, theo anh cần phải làm gì?

Cũng như thư trước, tui hỏi chơi vậy, nếu anh kẹt thì thôi.

Vui khoẻ nha anh.

Lê Phái (Xì ke Sài Ghềnh): xi_ke1952@yahoo.com

—-

Lê Phái mến!

Lâu lắm rồi không gặp nhau, nhưng vẫn liên lạc được với nhau qua trang web này, đây là một bằng chứng của thông minh đây anh. Cho nên, khi người ta sản xuất ra được nhiều sản phẩm ứng dụng được vào đời sống, phục vụ con người hiệu quả thì những sản phẩm đó gọi là “thông minh”.

Nhưng, thành phố thông minh là nơi ứng dụng sản phẩm thông minh cho toàn dân, không phải là chỉ cho cá nhân hay một cộng đồng riêng lẻ. Những giá trị có được từ các ứng dụng thông minh đó mang lại, không phải là giải pháp tình thế mà có tính bền vững.

Thông minh chỉ được sinh ra trên nền tảng công nghệ mới, cái gì cũ, lạc hậu phải được thay thế. Không chỉ chính quyền, mà người dân, doanh nghiệp đều phải thay đổi, khi đó mới có được một thành phố thông minh.

Một thành phố thông minh trước hết chính quyền phải sản có được những chính sách thông minh để quản lý, quy hoạch đô thị, chăm sóc người dân. Tất nhiên, các chính sách đó phải áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, và người dân được hưởng thụ công bằng.

Nên nhớ là chính quyền không sản xuất được một phần mềm cụ thể, nhưng tạo ra chính sách và môi trường để cho các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất, đồng thời có chính sách ứng dụng bằng tư duy kỹ trị và tinh thần phục vụ.

Ví dụ, Hà Nội hay Sài Gòn cần có một phần mềm để hướng dẫn giao thông để hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.

Các địa phương trong cả nước đều bị ô nhiễm nguồn nước, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là các thành phố lớn. Vậy thì, thành phố nào ứng dụng được công nghệ xử lý nước thải, cải thiện, làm sạch được nguồn nước, đó chính là thông minh.

Thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, cho nên thành phố nào có được chính sách và công cụ kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thì đó là thông minh.

Địa phương nào xây dựng được chính quyền điện tử, người dân không đến cơ quan công quyền chầu chực, doanh nghiệp không phải gặp trực tiếp cán bộ để phải bị nhũng nhiễu, thì đó là thông minh.

Và cao hơn, xa hơn, đó là thành phố thông minh phải xây dựng một không gian và môi trường tốt nhất cho sự tự do sáng tạo. Muốn vậy thì phải chú trọng đầu tư vào giáo dục, một nền giáo dục làm cho học sinh, sinh viên tiếp cận với tri thức hiện đại và sáng tạo phát minh ra nhiều sản phẩm công nghệ, sản phẩm trí tuệ cho đất nước và cho nhân loại là một nền giáo dục thông minh.

Còn nhiều nữa anh Lê Phái, mỗi người còn phải là công dân thông minh. Thông minh thì phải độc lập suy nghĩ, phản biện, đối thoại, bày tỏ chính kiến và thái độ trước những điều không đúng, những điều đi ngược lại với sự tiến  bộ. Nếu chỉ im lặng “mũ ni che tai” thì đó là công dân mê muội.

Thế nha anh, hẹn gặp lại.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *