Trần Quí Thanh
Mấy hôm nay tui buồn về chuyện cô giáo N bị phụ huynh bắt quỳ, buồn thực sự, già rồi thường mẫn cảm với những chuyện phiền muộn ở đời.
Hành động của các vị phụ huynh này vượt quá sự tưởng tượng của tui, quá sốc.
Tui trưởng thành trong môi trường giáo dục, từ tiểu học lên đại học ở miền Nam trước năm 1975. Thời đó, thầy cô phạt học trò là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ, thầy cô giáo phạt vì thương học trò, mong muốn học trò nên người, hay phạt vì nóng giận, căm ghét. Nếu như xử phạt bằng thái độ tiêu cực đó, sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý của trẻ con.
Cho đến nay, tui vẫn nghĩ rằng, đa số các thầy cô của tui đều thương tui. Tui là thằng học trò hoang nghịch, nên thầy cô phải dạy, phải phạt, phải giáo dục cho tui biết chấp hành kỷ luật và phải lo ăn học.
Ba tui hồi đó, nghe tui bị thầy cô phạt, ổng còn đánh tui thêm nữa. Nếu gặp thầy ngoài đường, ổng xin lỗi vì không dạy “thằng Thanh” tử tế, để nó làm phiền thầy cô, phá phách nhà trường. Tui rất biết ơn những thầy cô giáo của tui, bởi vì một phần nhờ vào sự giáo dục nghiêm khắc của họ, tui mới được như ngày hôm nay.
Nhưng thời nay, khoa học giáo dục không cho phép xử phạt, nhiều phụ huynh cho rằng ai đụng đến con cái mình là phải phản đối. Tư duy máy móc, cộng thêm với cưng con quá mức, dẫn đến thái độ hành xử thiếu tôn trọng thầy cô giáo. Nhiều phụ huynh không xem giáo viên là người thầy như xưa, mà xem là người làm dịch vụ dạy chữ, tôi trả tiền dịch vụ cho anh, và anh phải có nghĩa vụ dạy chữ cho con tôi nhưng không được xử phạt nó. Từ quan điểm này, sinh ra những hành xử ngày càng xa rời truyền thống “quân, sư, phụ” của dân tộc.
Thêm một điều nữa tui nghĩ nhưng không biết có đúng không, đó là “hội chứng căm ghét”, tôi không dám dùng từ “trả thù” như bài báo “Sự trả thù giáo dục” trên giaoduc.net.vn. Xã hội ngày nay hình như quá nhiều sự căm ghét, động đến chuyện gì cũng có thái độ tiêu cực, phải hành hạ nhau mới thỏa cơn giận, nhưng không biết cơn giận từ đâu, giận gì. Các vị phụ huynh có con bị phạt quỳ, thay vì trao đổi với nhau để giáo viên rút kinh nghiệm, thì phải bắt cô quỳ mới thỏa mãn sự căm ghét, căm giận ở trong lòng.
Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đang xâm thực vào môi trường giáo dục, và đây là mối nguy quá lớn đối với đất nước. Giáo dục mà hỏng là hết cứu.
Cho nên, trong lúc này, theo tui nghĩ việc phải làm là ít nhất phải giữ cho được giềng mối đạo đức trong nhà trường, hãy xây dựng một môi trường giáo dục thật lành mạnh, trong môi trường đó có mối quan hệ với phụ huynh và cộng đồng.
Giềng mối đạo đức, trong đó có việc giữ gìn truyền thống “tôn sư trọng đạo”, phải nêu cao tinh thần này. Đạo đức xã hội sẽ rất thê thảm nếu như cộng đồng không tôn trọng thầy cô, xem thầy cô là kẻ làm dịch vụ dạy chữ.
Sài Gòn ngày 9/3/2013
TQT
Bài đọc thêm, Link: Sự trả thù giáo dục
(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Su-tra-thu-giao-duc-post184215.gd)