Thay đổi và thích ứng!

Khắc Thi/ Báo Phụ nữ Tp HCM

—–
Trong bất cứ biến cố nào, dù là thảm họa, cũng có những điều lạc quan, tích cực ẩn chứa bên trong, vấn đề là chúng ta có phát hiện ra, có khai thác nó trở thành một giá trị hành động trong hiện thực.

Nhớ lại trận thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011, thế giới đã phát hiện ra sức mạnh kỷ luật của người Nhật, và chính đất nước này cũng tự tin hơn về giá trị Nhật Bản trong chính mỗi công dân của họ.

Thế giới biết đến câu chuyện cậu bé 9 tuổi đứng xếp hàng trật tự trong tuyết lạnh, chờ đến phiên của mình để nhận lương thực, ngay cả khi có một người cho cháu đồ khô để ăn tạm, cậu bé nhận và đi lên bỏ vào thùng thực phẩm chung, rồi về lại chỗ. Cậu bé không muốn mình được ưu tiên, sẽ không công bằng với người khác.

Một chuyện khác, có nhà bị hư hỏng, tiền trôi ra nằm đầy trong vườn. Nhưng không một ai vào lấy, không ai lấy cái không phải của mình.

Trở lại với dịch COVID-19, thôi đừng nói đâu xa, chỉ nhìn vào chính đất nước mình.

Chúng ta có thể thấy rằng, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt vẫn luôn là một giá trị. Dân mình thương nhau, khi gặp hoạn nạn, dân cứu dân nhanh và hiệu quả.

Và từ đại dịch, con người Việt Nam thích nghi với các biến cố, sự bất trắc vô lường của thế giới. Còn mỗi cá nhân, phải biết thay đổi để có lối sống phù hợp với những bất trắc và biến động đó.

Dịch COVID-19 bùng phát liên tục, kể cả các quốc gia tưởng như đã kiểm soát được dịch cũng lao đao như Mỹ, Anh, Trung Quốc. Chưa hết, cháy rừng ở California, một số nước châu Âu, lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc. Tất cả các thảm họa đó cảnh tỉnh con người về việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống.

Chúng ta có nhiều thay đổi để thích nghi, nhưng có một sự thay đổi rất quan trọng và căn bản, đó là phải có thái độ lễ độ với thiên nhiên.

Trần Quí Thanh

—–
Đại dịch COVID-19 đã để lại rất nhiều thay đổi buộc chúng ta phải thích ứng. Cũng như đại dịch HIV/AIDS khiến con người có thói quen sử dụng bao cao su hay kim tiêm một lần… thì với COVID-19, những hành vi như đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, xếp hàng và giữ khoảng cách nơi công cộng… sẽ trở thành thói quen sinh hoạt của mỗi chúng ta.

Chúng ta cũng tập được khả năng đối mặt với những tình huống bất khả kháng có thể thình lình xảy ra, như khu dân cư mình sống, nơi mình làm việc bị cách ly, phong tỏa, hay thậm chí bản thân, người thân, đồng nghiệp trở thành F0, F1… Mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch, chuẩn bị tâm lý để đối mặt với tình huống xấu nhất, theo dõi tin tức từ những kênh chính thống, đáng tin cậy để không hoang mang, dao động dẫn đến những hành vi, phát ngôn sai lệch làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nỗ lực chung của cả cộng đồng… 

Chúng ta sẽ quen thuộc với những hoạt động mua bán và thanh toán online, các nền tảng giải trí trực tuyến sẽ chiếm lĩnh, môi trường làm việc cũng khác đi rất nhiều với hình thức làm việc từ xa, họp hành trực tuyến… Rất nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư thực hiện chuyển đổi số để thích ứng bối cảnh mới. Với môi trường hành chính công, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Những mô hình thành công trong việc triển khai dịch vụ hành chính công tại các địa phương bị ảnh hưởng dịch thời gian qua, sẽ là kinh nghiệm cần đúc rút trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số các dịch vụ hành chính công nói riêng, cũng như xây dựng chính phủ điện tử nói chung.

Hoạt động tình nguyện cũng phải khác đi trong môi trường dịch với biến chủng, vi-rút có tốc độ lây lan nhanh chóng như hiện nay. Tình nguyện viên không phải chỉ băng mình ra bằng cái tâm và bản năng vốn có, mà cần được tổ chức chuyên nghiệp, được tập huấn kỹ năng, trang bị kiến thức về phòng, chống dịch, cũng như các trang thiết bị bảo hộ an toàn và đạt chuẩn… Ngoài ra, với lực lượng tình nguyện viên tiếp xúc với nhiều người, trong nhiều môi trường khác nhau, cần thiết có thể tổ chức khu vực sinh hoạt tập trung riêng, để tránh việc lây nhiễm sang các cộng đồng khác.

Các chính sách liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch cũng thế. Từ những thay đổi liên quan đến những quy định về “luồng xanh” trong vận tải, đến việc Bộ Công thương đề xuất ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông, thay cho danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông ban hành trước đó… cho thấy chính sách ban hành nếu không phù hợp thực tế, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Chính sách, giải pháp chưa phù hợp không phải là sai lầm nếu kịp thời sửa chữa, nhưng nó sẽ thực sự trở thành sai lầm nếu những người ra quyết sách và thực thi không cầu thị lắng nghe phản hồi từ người dân để kịp thời thay đổi. Không đưa ra những “chính sách sống” bằng chính hơi thở thực tế đời thường, mà ban hành những “chính sách chết” là sự vô cảm khó chấp nhận.

Thật khó hiểu khi đến nay, dù lực lượng shipper, những tài xế tham gia vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu giữa các địa phương… đã trở thành mắt xích quan trọng trong quá trình thực hiện giãn cách, và cần được nhìn nhận như một lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhưng dường như vẫn chưa có một chính sách đặc biệt nào dành riêng cho đối tượng này. 

Chắc chắn sẽ còn rất nhiều thay đổi trước, trong và cả sau khi đại dịch qua đi, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội cũng như mỗi cá nhân. Vì vậy, có lẽ một trong những thói quen chúng ta cần thực hiện nhất, chính là thích ứng với thay đổi. 

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài:Thay đổi...
https://www.phunuonline.com.vn/thay-doi-va-thich-ung-a1442314.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *