Thế hệ vàng

Nguyễn Thành Vinh – HLV bóng đá/ Báo VnExpress

Thế hệ vàng bóng đá VN. Ảnh Nguyễn Khánh/ Báo Tuổi trẻ.
—–

Có nhiều thế hệ vàng hay không tuỳ theo đánh giá của mỗi người, nhưng theo tui có vài cầu thủ đá hay thì chưa hẵn xem đó là thế hệ vàng.

Và thế hệ cầu thủ bóng đá hiện nay mới là thế hệ vàng, vàng thật, vì ba điều như sau:

Một, được đào tạo chuyên nghiệp từ các học viện, câu lạc bộ. Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển, bầu Kiên là những người có công cải cách bóng đá Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp. Chính vì đào tạo bài bản cho nên không chỉ giỏi kỹ thuật, mà có trình độ văn hoá, đạo đức nghề nghiệp, văn minh bóng đá.

Hai, một thế hệ kỹ thuật tốt, rất đồng đều cả ba tuyến, có nhiều cầu thủ giỏi để huấn luyện viên lựa chọn, thay đổi chiến thuật và nhân sự khiến cho đối thủ bất ngờ, không dự đoán trước được.

Ba, một thế hệ cầu thủ sạch, đá bóng dâng hiến, không lưu manh bán độ, được người hâm mộ yêu mến. Các bạn trẻ đã làm cho người yêu bóng đá yên tâm, tin cậy tuyệt đối, đó là điều mà thế hệ đàn anh đã không làm được, thậm chí đã từng làm cho người hâm mộ thất vọng, quay lưng với bóng đá.

Trần Quí Thanh

—–

Trong tôi, có ba thế hệ vàng của bóng đá trẻ Việt Nam. Thế hệ thứ nhất gồm Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Hồng Sơn trước đây. Lứa thứ hai là Công Vinh, Minh Phương, Hữu Thắng, Tài Em, sau này thêm Văn Quyến, Quốc Vượng.

Và bây giờ là các em Công Phượng, Quế Ngọc Hải, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Đức… Đây là thế hệ cầu thủ có thể làm bóng đá dậy sóng, và được khán giả vô cùng yêu mến.

Đối với tôi, tài năng do lao động và khổ luyện là đáng quý, nhưng phẩm chất mới là điều quan trọng nhất. Phẩm chất lứa cầu thủ này thể hiện ở việc biết tôn trọng cảm xúc của khán giả, qua những hành vi trên sân cỏ và trong đời sống cá nhân.

Sự ghi nhận trước hết được thể hiện ở lòng tin. Người hâm mộ cả nước đang rất tin tưởng và lớp cầu thủ này, và đặc biệt chưa một lần đặt vấn đề tiêu cực đối với họ. Đây là điều rất là quan trọng. Vì tin vào sự trong sáng của các cầu thủ mà người ta không có những nghi ngờ khi họ thắng hay thua như từng xảy ra trước đây. Cá nhân tôi cảm thấy các cháu đã chơi hết mình và đã giữ một thái độ rất nghiêm túc với màu cờ sắc áo, thi đấu rất có trách nhiệm với đất nước và khán giả. Ngay cả khi các cháu thua Hàn Quốc, công chúng cũng chấp nhận một cách vui vẻ chứ không hề đặt câu hỏi về hành vi.

Biểu hiện thứ hai là ở lối chơi và tinh thần tập thể của đội bóng. Chúng ta có một hàng phòng ngự rất thép, hàng tấn công cũng có nhiều bàn thắng và một lối chơi khá đa dạng. Các cháu luôn thi đấu hết mình và có những cầu thủ được khán giả rất yêu thích như Quang Hải, Công Phượng.

Thứ ba là ở phẩm chất của các cầu thủ. Đội tuyển quốc gia có phẩm chất đồng đều. Họ hiểu rõ giá trị về hình ảnh cá nhân, giữ gìn một thương hiệu sạch trước công chúng và người hâm mộ ngay từ ở gia đình, nơi công cộng và trên sân đấu.

Vì sao tôi nhấn mạnh ý này? Tôi không dám vơ đũa cả nắm. Nhưng chúng ta phải sòng phẳng với nhau rằng có những trận đấu trong quá khứ làm người hâm mộ cảm thấy giận dữ và xấu hổ. Có những trường hợp cầu thủ tự làm đội mình thua, tự gây lỗi trong vòng  cấm, tự đánh cầu thủ bạn để bị phạt… Tôi cũng đã nhiều lần bất ngờ và bất bình vì cầu thủ của mình có cách chơi không đẹp, không làm cho khán giả thích thú mà còn làm họ buồn rầu. Tất nhiên không phải khi nào chúng ta cũng đủ chứng cứ để quy kết ai. Nhưng trong bóng đá có những tình huống rất khó đong đếm, như ta vẫn nói “Một mất thì mười ngờ, một ngờ thì mười tội”.

Đó là trận bán kết Cúp quốc gia năm 2004 trên sân Vinh, Sông Lam đá với Câu lạc bộ Quân đội. Trước đó một tháng, Sông Lam thắng Quân đội 8-1 vào thời điểm Quân đội gần như là kiệt sức, bị xuống hạng. Nhưng, trong trận này, khi chỉ còn mấy phút nữa kết thúc trận đấu, tỷ số đang là 1-1, thủ môn đã dùng tay đánh người trong vòng 16 mét 50, bị đuổi và bị phạt đền. Lúc đó chúng tôi hết quyền thay người nên tiền vệ người Uganda xung phong làm thủ môn. Bàn được ghi, chúng tôi thua 2-1.

Tôi họp đội ngay trong lúc trên sân trận đấu chưa kết thúc. “Các anh có thấy xấu hổ không?”, tôi bức xúc, “Đáng lẽ chúng ta đang đá trên sân thì lại ngồi đây làm bản tự kiểm điểm về những sai phạm không đáng”. Đáng lẽ mình phải có chức vô địch khi mà đang sung sức nhất, đá trên sân nhà, khán giả nhà, mọi yếu tố thuận lợi song cuối cùng chỉ nhận huy chương đồng. Cầu thủ đã làm hư sự và tôi buộc phải kiểm điểm các cháu. Khi ấy, tôi đã quá buồn và uất ức.

Tôi hỏi: “Tại sao cháu phải đánh đối phương để mình tự thua? Làm gì mà cháu phải đánh người ta? Cháu có tư tưởng gì không?”.

Dù các cháu cũng nhận lỗi, hứa thế này thế kia, tôi không tìm được câu trả lời rốt ráo cho những hành vi khó hiểu của cầu thủ. Chỉ đến sau này, nhìn vào một số hiện tượng thì mình hiểu rằng có những cầu thủ có thể có tiêu cực. Ví dụ như việc anh Trường ở Ninh Bình phát hiện có tiêu cực trong đội của họ, báo công an điều tra. Chín cầu thủ của đội Ninh Bình phải ra toà nhưng buồn nhất là anh Trường phải “đầu hàng”, xin Liên đoàn tự giải thể đội bóng.

Nói lại cũng không hay, nhưng đó là một trong những bài học xương máu với bóng đá Việt Nam để chúng ta cảnh tỉnh và nhắc nhở nhau. Bởi một lần tái phạm, nó sẽ kéo lùi chúng ta rất xa khỏi nền bóng đá văn minh hằng trông đợi.

Đó cũng là lý do tôi vui mừng vì chúng ta đang có một thế hệ cầu thủ đá giải rất chuyên nghiệp và đặc biệt mừng vì các cháu đều có ý thức giữ gìn hình ảnh sạch. Các cháu đã trưởng thành hơn thế hệ đàn anh đi trước, biết trân trọng cảm xúc của khán giả, nuôi nấng niềm tin của công chúng, thi đấu hết mình và trách nhiệm trước màu cờ sắc áo của tổ quốc.

Điều đó cho thấy chúng ta đang đi rất đúng hướng về công tác đào tạo bóng đá. Việc dạy đúng làm các em có suy nghĩ đúng, hành xử đúng. Vì suy nghĩ đúng nên cũng tôn trọng ông chủ, công chúng của mình, vì biết ơn những người đã đào tạo mình nên không làm những điều ngớ ngẩn như xưa.

Trong vài chục năm làm huấn luyện viên của mình tôi cũng luôn theo đuổi giá trị về đạo đức cầu thủ. Tôi có một thói quen mà bây giờ mới chia sẻ với độc giả VnExpress. Trước khi ra sân bao giờ tôi cũng sinh hoạt đội, nhắc nhở các cầu thủ rằng: Các cháu hãy đá thật tốt bởi đầu tiên điều đó tốt cho thương hiệu các cháu, có nhiều hợp đồng tốt hơn, có những khoản tiền tốt hơn để giúp đỡ gia đình và để dành cho tương lai, và đặc biệt sẽ được mọi người yêu mến. Thứ hai, hãy quý trọng đồng tiền của mình, biết dành dụm tiền để sau này nuôi sống bản thân và gia đình. Đã là cầu thủ thì phải có sự cạnh tranh quyết liệt nhưng sòng phẳng về mặt chuyên môn và tài năng, tự đặt mình lên vị trí xứng đáng trước công chúng.

Có những cầu thủ đã tiếp thu, nhưng vẫn có những cầu thủ khi nhận được tiền chuyển nhượng cả chục tỷ rồi nhanh chóng mất hết vì cá độ bóng đá. Có người còn nợ nần, bị công chúng kêu ca về hành xử nơi công cộng. Có em đi chơi đêm khiến chúng tôi sốt ruột, phải ngồi đợi ở cổng đến 3-4 giờ sáng. Tôi lo lắng và nhắc nhở các cháu, đời cầu thủ như thế sẽ xuống sức rất nhanh, sau này muốn ký hợp đồng tốt cũng khó. Và đúng là như thế, có những tài năng tôi không tiện nhắc tên, đã đi vào vết xe đổ.

Không phải tự nhiên mà Việt Nam có những thế hệ cầu thủ vàng. Thứ nhất, các cầu thủ đã tự nhận thức được khán giả Việt Nam yêu bóng đá như thế nào và mình có trách nhiệm với cảm xúc đó. Thứ hai, là nhờ những người lãnh đạo đội bóng, những ông chủ, người dẫn dắt tinh thần Park Hang-seo. Đối với tôi, vì các cháu tách khỏi gia đình rất sớm nên người lớn mình như người cha người mẹ. Giáo dục các cháu về chuyên môn cũng quan trọng nhưng giáo dục nhân cách.

Chúng ta tri ân những người đứng sau các cầu thủ và mong họ vì con em chúng ta, vì nền bóng đá Việt Nam và những người hâm mộ chân chính để tiếp tục đào tạo nên những cầu thủ giỏi vừa có tài vừa có tư cách tốt. Ta cũng hy vọng chính các em sẽ dẫn dắt các thế hệ tiếp theo của bóng đá Việt.

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài: Thế hệ vàng

(https://vnexpress.net/goc-nhin/the-he-vang-3854511.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *