Thiếu một chữ nhân!

Danh Đức (TBKTSG)

Gần 20.000 viên thuốc tài trợ đặc trị chữa ung thư có giá trị gần 14 tỉ đồng tồn kho (đơn giá tháng 8-2015) vì hết hạn sử dụng theo như kết luận của Thanh tra TPHCM mà truyền thông đăng tải mấy ngày qua là một “hung tin” không chỉ cho người bệnh ung thư và gia đình của họ, mà cho toàn xã hội! Gọi là “hung tin” vì trong khi bao nhiêu người mắc bệnh bạch cầu mãn tính thiếu thuốc điều trị thì bệnh viện phải hủy thuốc.

Đây là số thuốc nằm trong chương trình viện trợ nhân đạo mà từ khi bệnh viện nhận được thư đề nghị hiến tặng cho đến khi thuốc nhập vào kho mất đến 13 tháng. Đến lúc này hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.

Đâu là nguyên do của cái sự lòng vòng suốt một năm trời -từ bệnh viện cho đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền-số thuốc viện trợ mới có thể về đến kho. Có phải do trong máu của những người có trách nhiệm liên quan ấy đã thiếu mất đi những “bạch cầu” thuộc họ “nhân” nên ở mỗi cấp hồ sơ mới đọng lại lâu như vậy. Nếu ngay từ đầu, những người có trách nhiệm liên quan phải giải quyết việc này còn đủ số hồng cầu thuộc họ “nhân”, ắt hẳn họ sẽ nhắn với nhau rằng “có cái lô thuốc viện trợ chữa ung thư, là thuốc mới hơn thứ đang xài, mình lo cho nhanh đi để người bệnh được nhờ!”.

Ôi, từ bao giờ không còn ước ao cái tối thiểu của chữ nhân đó nhỉ?

Nếu phải kiểm điểm xem “ai là ai?” trong cả cái dây chuyền thiếu chữ nhân này, e rằng sẽ lại gặp mẫu số chung “đúng quy trình” với một dây chuyền đùn đẩy “tại, bị, do…” mà quên đi sự tự vấn dựa trên chữ nhân!

Trong câu chuyện này, số thuốc bỏ đi không chỉ là sự thiệt hại về tiền mà còn là bao nhiêu người bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy đã không được cứu sống vì không tiếp cận được cơ hội này. Vì thế trong cái quy trình và thủ tục mà do thiếu chữ nhân đã gây tác hại như vậy, nên chăng phải rà soát để chỉnh sửa lại? Có cần phải định lượng chữ nhân bằng cách đếm số ngày chờ ký? Có cần giảm bớt một vài chữ ký mà có thể tạo ra “ùn tắc”, “ùn ứ” nào đó hay không?… Và với từng cá nhân của những ai liên quan là câu hỏi: “Đã có lúc nào trong suốt thời gian xử lý hồ sơ nhập thuốc đó, họ đã có ý muốn hay ý định nhấc điện thoại hỏi thăm và đốc thúc hay không?”. Thậm chí là góp ý ngay từ lúc đầu đàm phán sao cho lô thuốc nhận về có thể sử dụng ở các bệnh viện khác…

Một lần nữa, dư luận lại thất vọng vì cái sự vô cảm. Đã từng thử giải thích vô cảm là do vô trách nhiệm, nhưng lần này sự vô cảm đó là do thiếu chữ nhân! Lỗi có phải là do ta đã giáo dục lệch lạc?

Trong bối cảnh còn “lùng bùng” chữ nhân bị thiếu đó, nhớ về việc Bộ Nội vụ phải cất công yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh nọ điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ công chức của một ông quan nhơ nhỡ, khai sinh trước đây là sinh năm 1955, khai sinh chính thức cấp năm 2014 đề sinh năm 1958, để ông này còn đủ tuổi lao động, không khỏi ngạc nhiên! Quả là nhân hết sức! Cả người đi điều chỉnh khai sinh lẫn người giải quyết và đốc thúc giải quyết! Tiếc đôi chút là cái nỗ lực đó chỉ tập trung cho một cá nhân.

Theo TBKTSG

Link báo: Thiếu một chữ nhân!

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *